Liên quan đến vụ tranh chấp Dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa ở Đức Hoà, Long An giữa chủ đầu tư là Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) và đối tác China Policy Limited (gọi tắt CPL), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã hai lần chỉ đạo xử lý.
Việc Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An ra quyết định ngăn chặn toàn bộ 232,66 ha đất của Dự án đứng tên Công ty Hồng Phát, không chỉ qua mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, mà còn làm trái chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.
Tổng cục THADS cũng có quan điểm rất dứt khoát thể hiện tại nhiều văn bản, nhưng cả Chấp hành viên lẫn Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An đều bỏ ngoài tai…
Mô hình dự án |
Không có căn cứ để kê biên 13 GCNQSDĐ của Hồng Phát
Đó là khẳng định của Tổng cục THADS, Bộ Tư Pháp thể hiện tại nhiều văn bản, trong đó có Văn bản số 4347/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018 (Văn bản số 4347) trả lời Thư kiến nghị của CPL. Văn bản số 4347 nêu rõ: Tổng cục THADS nhận được “Thư kiến nghị” của Công ty CPL về việc thi hành án đối với Công ty Hồng Phát theo “Phán quyết Trọng tài” của Trọng tài Quốc tế Việt Nam (gọi tắt VIAC) về Vụ kiện số 29/12 ngày 25/4/2013.
Trong Thư kiến nghị, CPL bày tỏ quan điểm không đồng ý với ý kiến của Cục THADS tỉnh Long An nêu ra tại cuộc họp ngày 17/10/2018 và kiến nghị không được chấm dứt thực hiện Công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017 của Chấp hành viên, Cục THADS tỉnh Long An (ngăn chặn toàn bộ 13 GCNQSDĐ, với 232,66 ha đất của Công ty Hồng Phát)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, ngày 14/11/2018, Tổng cục THADS đã làm việc với Tổng Giám đốc và đại diện theo ủy quyền của CPL theo như nội dung thư đề nghị.
Tại buổi làm việc, đại diện CPL khẳng định đến thời điểm này chưa cùng Công ty Hồng Phát thống nhất để thành lập được Công ty liên doanh. CPL không đồng ý Cục THADS tỉnh Long An chấm dứt thực hiện Công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017.
Đồng thời, CPL cũng chưa đặt vấn đề khởi kiện ra tòa án để tranh chấp về số tiền (15,6 triệu USD) đã chuyển để thực hiện dự án và cho rằng đó chỉ là giải pháp cuối cùng.
Tại buổi làm việc, Tổng cục THADS thông báo cho CPL về quá trình tổ chức thi hành vụ việc, các quy định của pháp luật Việt Nam (pháp luật về đầu tư, đất đai, THADS).
Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay các bên đương sự.
Để thực hiện Phán quyết Trọng tài, quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS đã nhiều lần tạo điều kiện cho hai bên thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh nhưng đến nay vẫn không thành lập được.
Do đó, cơ quan THADS không có căn cứ để cưỡng chế kê biên đối với 13 GCNQSDĐ theo quy định tại Khoản 4 Điều 69, Điều 71 Luật THADS; cũng như không có cơ sở để tiếp tục thực hiện Công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017 nên sẽ ra văn bản chấm dứt thực hiện nội dung Công văn số 525/CTHA này.
Khi các bên đã thành lập được Công ty liên doanh mà Công ty Hồng Phát không đưa 13 GCNQSDĐ góp vốn vào trong Công ty liên doanh thì về nguyên tắc, cơ quan THADS sẽ xem xét tổ chức việc cưõng chế theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có tranh chấp trong việc thực hiện “Thỏa thuận khung” cũng như các vấn đề khác có liên quan thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Văn bản số 4347/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018 của Tổng cục THADS “Trả lời Thư kiến nghị” của CPL.
|
Cố tình làm trái chỉ đạo của cấp trên
Không chỉ gửi CPL, Văn bản số 4347 cũng đựợc Tổng cục THADS gửi cho Cục THADS tỉnh Long An để thực hiện. Cùng ngày 26/11/2018, Tổng cục THADS có Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An thu hồi Công văn số 525/CTHA do không có căn cứ để duy trì.
Trước khi ban hành hai Văn bản số 4347 và số 4341, Tổng cục THADS đã xem xét vụ việc rất thận trọng. Theo như Báo Người cao tuổi đã phản ánh, Công ty Hồng Phát và đối tác CPL ký “Thoả thuận khung” ngày 1/6/2007, sẽ thành lập “Công ty liên doanh” để triển khai Dự án.
Đã xảy ra bất đồng trong quá trình triển khai Dự án, phía chủ đầu tư phát hiện CPL có quá nhiều bất thường (sinh ra từ “thiên đường thuế”, lộ rõ dấu hiệu đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu”…) nên không tiếp tục hợp tác.
CPL liền trở mặt, gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát “lừa đảo”, lộ rõ ý đồ muốn đẩy chủ đầu tư vào cảnh tù tội, nhằm độc chiếm Dự án nên việc lập Công ty liên doanh không thể diễn ra.
Tố cáo của CPL hoàn toàn sai sự thật, vì Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc kết luận, chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng, số tiền 15,6 triệu USD của CPL đã đựợc Công ty Hồng Phát sử dụng cho Dự án, tranh chấp giữa hai công ty là “tranh chấp kinh tế dân sự”.
Âm mưu thâm hiểm, đẩy chủ đầu tư vào cảnh tù tội bất thành, CPL khởi kiện ra VIAC. Dấu hiệu đầu tư “chui”, chuyển tiền “lậu” của CPL đã lộ rõ nhưng Hội đồng VIAC gồm ba ông Nguyễn Chính (Chủ tịch), Chu Khắc Dương và Đặng Hùng Võ (cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) dễ dàng bỏ qua, đứng về phía CPL, ra “Phán quyết Trọng tài”, buộc Công ty Hồng Phát phải tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận khung”, thành lập Công ty liên doanh giữa Hồng Phát và CPL.
Trụ sở Công ty Hồng Phát và một góc Dự án đang triển khai |
Quá dễ nhận ra, Phán quyết Trọng tài không thể nào thực hiện được trên thực tế bởi việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, không ai có thể thực hiện thay.
Chính phán quyết “trời ơi” của bộ ba Trọng tài VIAC, khiến cho tranh chấp giữa hai công ty càng lún sâu vào “khủng hoảng”, không lối thoát. Các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương bị đẩy vào “thế bí”, do CPL luôn lấy Phán quyết Trọng tài làm “bảo bối” để thúc ép việc lập Công ty liên doanh (?!).
Không thể ép Công ty Hồng Phát lập Công ty liên doanh, CPL ra đòn tấn công “cấm vận” chủ đầu tư bằng việc yêu cầu ngăn chặn toàn bộ 13 GCNQSDĐ.
Thuận theo yêu cầu vô lý của CPL, Cục THADS tỉnh Long An ra Công văn ngăn chặn số 525/CTHA ngày 18/9/2017 do Chấp hành viên Võ Văn Xuân kí dẫn đến khiếu nại gay gắt của Công ty Hồng Phát.
Từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục THADS đã vào cuộc xác minh, làm rõ và kết luận: Không có căn cứ để cưỡng chế kê biên đối với 13 GCNQSDĐ, cũng như không có cơ sở để tiếp tục thực hiện Công văn số 525/CTHA.
Phía CPL đã có “Thư kiến nghị” đưa ra yêu cầu muốn duy trì “cấm vận” chủ đầu tư, Tổng cục THADS không chấp nhận vì không có cơ sở.
Căn cứ vào hai Văn bản số 4347 và số 4341 của Tổng cục THADS cùng các quy định pháp luật có liên quan, ngày 29/11/2018, Chấp hành viên Võ Văn Xuân kí Văn bản số 682/CTHADS-NV chấm dứt hiệu lực đối với Công văn số 525/CTHA.
Đến đây, vụ việc cứ tưởng là đã giải quyết xong, tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật. Nếu Cục THADS tỉnh Long An có “sáng kiến mới” để làm “đẹp lòng” CPL thì buộc phải xin ý kiến của cơ quan cấp trên.
Và sau khi Tổng cục THADS chấp thuận đồng thời thu hồi cả hai Văn bản số 4347 “trả lời CPL” và số 4341 “chỉ đạo nghiệp vụ”, Cục THADS tỉnh Long An mới ra văn bản thay thế Văn bản số 682/CTHADS-NV đã ban hành.
Thế nhưng, trong khi cả Văn bản số 4347 và 4341 tuân thủ theo quy định pháp luật, vẫn còn nguyên giá trị pháp lý, chưa được thu hồi, huỷ bỏ thì Chấp hành viên, Cục THADS tỉnh Long An Đặng Hoàng Yên “xem trời bằng vung”, kí Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 tiếp tục ngăn chặn 13 GCNQSDĐ của Công ty Hồng Phát, cho đến khi các bên thi hành xong Phán quyết Trọng tài.
Dư luận báo chí cả nước đã lên tiếng, chỉ rõ Quyết định số 07/QĐ-CTHADS trái quy định pháp luật với hàng loạt sai phạm mang tính cố ý, xem thường lãnh đạo, chỉ đaọ của cấp trên.
Lẽ ra phải khẩn trương có biện pháp khắc phục sai phạm của thuộc cấp, nhằm tránh hậu quả khôn lường cho dự án nghìn tỉ, thì Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng lại kí Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 06/3/2019, giữ y Quyết định số 07/QĐ-CTHADS.
Hàng loạt máy móc chuyên dụng sẽ “đắp chiếu” vì Quyết định trái pháp luật của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An. |
Để tránh hậu quả phát sinh ngày càng nghiêm trọng, chúng tôi một lần nữa trân trọng đề nghị lãnh đạo Tổng cục THADS khẩn trương huỷ Quyết định số 06/QĐ-CTHADS và Quyết định số 07/QĐ-CTHADS của Cục THADS tỉnh Long An.
Đồng thời, Tổng cục THADS phải xử lý ngay hành vi lạm quyền của Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên, không để thành tiền lệ “trên bảo dưới để ngoài tai rồi làm bậy” khiến cho người dân mất niềm tin vào sự tôn nghiêm của nền pháp chế XHCN…