Trưa 15.1, ông Vũ Hùng Sơn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - cho biết: "Ngay sau khi đọc phóng sự của Lao Động, tôi đã chỉ đạo đồng chí Cục trưởng cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất rượu của bà Nguyễn Thị Hoa".
Ông Sơn cũng cho biết thêm, một số mẫu dung dịch tại cơ sở sản xuất rượu trên đã được đưa đi kiểm nghiệm, sau khi có kết quả kiểm nghiệm sẽ thông tin đến Báo Lao Động.
Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục QLTT TP.Hà Nội) thông tin đến Lao Động rằng: Cơ sở sản xuất rượu của bà Nguyễn Thị Hoa từng bị phạt hành chính 6.000.000 đồng vì vi phạm về các điều kiện, trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất.
Quy trình sản xuất rượu siêu tốc. |
Đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội) cũng khẳng định đang phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường để xử lý vụ việc mà Lao Động phản ánh.
Trước đó, sáng nay (15.1), Báo Lao Động đăng tải phóng sự: "Cận cảnh kỹ nghệ sản xuất rượu vang siêu tốc, giá chỉ ngang nước lọc", mô tả rõ quy trình pha chế rượu vang nho và sâm panh tại một cơ sở trên đường Ba La (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) với nhiều khâu, bước cho thấy dấu hiệu vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, xưởng rượu của bà Nguyễn Thị Hoa chỉ với chưa tới 10 nhân viên nhưng mỗi ngày cho ra lò cả trăm lít rượu "hảo hạng". Tại cơ sở này, nhân viên thuộc lòng quy trình pha chế với những dung dịch có dạng giống cồn, đường và chất tạo màu. Quan sát của PV ở đây cho thấy, gọi là nấu rượu nhưng không hề thấy bếp nấu, gọi là vang nho nhưng không hề thấy nho.
Chỉ trong khoảng 30 phút, hàng trăm chai rượu đã được pha chế xong. Chúng nhanh chóng được xuất xưởng dưới mác sâm panh, vang nho cao cấp. Giá bán chỉ 18.000 đồng/lít tức là chỉ bằng 1/4 giá rượu nguyên chất đang bán trên thị trường và ngang ngửa giá 1 lít nước khoáng.
Cũng chính vì lý do này, cơ sở trên trở thành mối quen của nhiều chủ buôn rượu lớn từ nhiều tỉnh thành phía bắc.