Theo thông tin trên Tiền Phong, lúc 10h ngày 7/6, đoàn cứu hộ 58 người gồm lực lượng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa, Ban chỉ hủy tìm kiếm cứu nạn, Cảnh sát PCCC, Công an… mang theo mặt nạ phòng độc và các thiết bị khác đã có mặt tại hiện trường để đưa 3 phu vàng mắc kẹt bị ngạt khí tử vong dưới hang Nước (thuộc địa bàn bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) lên.
Lực lượng cứu hộ đến nơi 3 phu vàng mắc kẹt. Ảnh: Tiền Phong. |
Lúc 14h ngày 7/6, ông Lê Thế Sự, giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Do nồng độ khí độc quá lớn nên lực lượng cứu hộ tại hiện trường chưa thể tiếp cận vị trí các nạn nhân đang bị mắc kẹt.
Lực lượng chức năng đang thực hiện từng bước làm loãng khí độc, trang bị mặt nạn chống độc cùng các thiết bị khác để từng bước đưa các nạn nhân ra khỏi hang.
Trên Tiền Phong, ông Lê Thế Sự - giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (đóng tại huyện Bá Thước, Thanh Hóa) cho biết: Nơi xảy ra sự việc khiến 3 phu vàng ngạt khí, tử vong từng được ngành chức năng cùng chính quyền đề nghị nổ mìn, lấp hang. Ngoài hang Nước ra, ở khu vực này còn nhiều hang khác như hang Đỏ, hang cây Bương… là hiện trường khai thác vàng còn lại từ năm 1988, trong chuyên án V89 của Công an tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Sự, khu vực này có địa hình giáp 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, cách xa khu dân cư, địa hình hiểm trở. Những năm gần đây, các đối tượng (hầu hết là thành phần nghiện ngập) thường lui tới, lén lút vào các hang khai thác theo kiểu đào, đãi lại.
“Những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm địa bàn được tăng cường ở khu vực hang Kịt (trong đó có hang Nước và các hang khác). Trước khi xảy ra sự việc phu vàng ngạt khí mắc kẹt 4 ngày, lực lượng kiểm lâm cũng đã kiểm tra tại khu vực hang Nước. Do hang Nước khá sâu, lâu ngày không có người xuống dưới hang, hang tích tụ nhiều khí độc.
Dưới hang đang còn thiết bị mà các đối tượng khai thác trước đây bỏ lại, có thể, những người trên biết và muốn sử dụng nên đã xuống hang lấy máy móc và đã xảy ra sự việc trên”, ông Sự cho biết thêm trên Tiền Phong.
Như tin đã đưa, trước đó, ngày 5/6, 3 phu vàng bị ngạt khí độc và mắc kẹt dưới hang Nước sâu. Anh Khà Văn Ngôn (SN 1991) và anh Khà Văn Huyền (thường trú ở xã Pù Bin, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) phát hiện máy đào vàng bị hỏng nên đã xuống hang để sửa máy nhưng chẳng may bị ngạt khí độc.
Anh Ngôn đã cố bò lên cửa hang để kêu mọi người đến cứu anh Huyền. Thấy vậy, anh Phạm Văn Dụng (SN 1962, thường trú ở thôn dắm xã Lâm Xa, huyện Bá Thước) đã nhảy xuống hang để cứu anh Ngôn.
Tuy nhiên, do nồng độ khí độc cao nên anh Dụng bị ngất luôn trong hang. Sau đó, ông Bùi Văn Mẫn (ở xã Sảo 7, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) tiếp tục xuống hang cứu hai người kể trên, nhưng anh Mẫn cũng bị ngạt khí, ngất trong hang. Không có khả năng sống sót cho 3 người trên vì nồng độ khí độc cực lớn ở trong hang.