Tất cả 5 bị can liên quan đến vụ án hiếp, giết nữ sinh đi giao gà chiều 30 Tết trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều nghiện ma túy và có nhiều tiền án tiền sự khiến dư luận không khỏi băn khoăn, sợ hãi tại sao các đối tượng gây án lại đều bị nghiện, họ “bắt sóng” với nhau như thế nào? Liệu có thêm những vụ án Cao Thị Mỹ Duyên 1, 2 nữa hay không khi các con nghiện hàng ngày vẫn thản nhiên sinh hoạt giữa cộng đồng.
Hoang mang vây phủ bản làng
Những ngày giữa tháng 2, khi những cánh hoa ban đã bắt đầu bung nở, chúng tôi tìm về xã Thanh Nưa huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên – nơi có 3/5 đối tượng tham gia vào vụ hiếp, giết nữ sinh giao gà Cao Thị Mỹ Duyên. Điểm đặc biệt là cả 5 đối tượng này đều bị nghiện và có nhiều tiền án tiền sự.
Khu vực hiện trường phát hiện thi thể nữ sinh đi giao gà chiều 30 Tết Kỷ Hợi bị hãm hiếp và sát hại trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: T.A |
Trên con đường vào các bản, người dân trên địa bàn vẫn chưa hết lo lắng, bàng hoàng về sự việc rùng rợn vừa xảy ra. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, bởi theo họ, xưa nay những thanh niên như Lường Văn Lả, Phạm Văn Nhiệm, Bùi Văn Công tuy có tiếng là nghiện ngập nhưng chưa làm hại ai, nay lại gây ra vụ trọng án thì không tránh khỏi ngạc nhiên và cảm thấy canh cánh nỗi lo bên mình.
“Từ khi vụ án được gần như sáng tỏ, những người vốn là hàng xóm được coi là hiền lành bỗng chốc trở thành tội phạm giết người, thậm chí có người giết xong vẫn bình thản gặp gỡ mọi người trò chuyện, ăn phở nên người dân càng canh cánh nỗi lo” – chị TH nhà ở gần nơi phát hiện thi thể nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên cho hay.
Tiếp lời chị TH, ông L.V.T, ở cùng bản cũng tỏ vẻ lo lắng: "Từ khi xảy ra vụ việc, gia đình tôi không cho bọn trẻ đi ra khỏi bản, đi học cũng phải đưa đi đón về, dù mất thời gian nhưng đảm bảo an toàn vẫn là trên hết. Ở đây vẫn còn nhiều đối tượng nghiện đang hoạt động nên phải đề phòng”.
Tìm về đến nhà của Lường Văn Lả tại Bản Mến, xã Thang Nưa - nghi phạm trong vụ án hiếp dâm, giết hại nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên. Lường Văn Lả là con út trong gia đình có 3 anh em trai. Lả nghiện và trong diện quản lý của chính quyền địa phương.
Người dân xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vẫn chưa thể quên nỗi ám ảnh mà những "người hàng xóm" của họ mang lại trong những ngày vừa qua. |
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tuềnh toàng, trống huơ, trống hoắc của gia đình dựng lên từ những năm đầu 2000, trong nhà dường như chỉ có chiếc tivi TCL 21 inch cũ kỹ là có giá trị, ông L.V.D – bố của Lả ngồi bên bậu cửa ngôi nhà sàn cũ kỹ ọp ẹp, rít từng hơi thuốc lá rồi thả ra thinh không mặc cho ánh nắng giữa trưa đang phả vào mặt.
Nhấp chén nước đã nguội lạnh ông kể: sau khi học hết lớp 10, Lả ở nhà đi làm phụ xây. Hai năm đầu, làm được đồng nào Lả đều gửi về nhà cho bố mẹ mua thóc giống, ngô giống và trang trải trong nhà. Nhận được tiền con gửi hai vợ chồng rất mừng và hy vọng nó sẽ là chỗ dựa cho hai người về sau này. Nhưng, đến năm thứ 3, Lả không gửi tiền về nữa mà còn hay xin tiền của bố mẹ. Bằng nhạy cảm của người đã từng có người con trai cả bị nghiện, ông D phán đoán có thể Lả cũng vướng vào ma túy rồi nghiện. Ông gọi con về không cho đi làm nữa. Thời gian ở nhà, Lả. thừa nhận với gia đình đã nghiện từ lúc nào không hay và đồng ý cai nghiện ở nhà.
“Những ngày đầu cai nghiện tại nhà nó cũng quyết tâm lắm. Nhiều khi nó lên cơn còn bảo chúng tôi trói nó lại, giữ chặt nó ở góc nhà, nói đòi ăn quả chua, quả chát thì lấy cho nó… Nhìn con mà xót xa” – người đàn ông gầy gò 50 tuổi rơm rớm nước mắt nói và bảo “đây cũng là cách duy nhất chúng tôi cai nghiện cho con tại nhà”.
Sau thời gian bắt con ở nhà cai mà không thành, gia đình đồng ý để Công an tỉnh Điện Biên cho Lả đi trại cai nghiện 9 tháng. Song, khi trở về, Lả vẫn “ngựa quen đường cũ” lén lút sử dụng ma túy, tụ tập với một số bạn nghiện. Biết được điều này, ông D. cấm con không được ra khỏi nhà, nhất cử nhất động của Lả đều được vợ chồng ông theo dõi chặt chẽ. Đồng thời, đăng ký cho Lả ra Trạm Y tế xã uống thuốc hỗ trợ dứt cơn nghiện Methadone. Thời gian đầu, Lả chấp hành rất tốt nên sau này hễ mỗi lần đi uống methdone gia đình để Lả tự đi. Cũng trong thời gian này, Lả bắt đầu làm quen và chơi với Lường Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm và một số con nghiện khác. Sau đó, Lả trở thành bị can giết người trong vụ án Cao Thị Mỹ Duyên.
Quản lý con nghiện còn nhiều khó khăn
Làm việc với PV Dân Việt, bà Lò Thị Vân – Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết, toàn xã có hơn 4.000 dân nằm ở 17 bản, người dân đa số đi làm gần nhà, ít đi làm xa. Sự việc xảy ra những người thực hiện họ có ý đồ từ trước, mình đã cố gắng nhưng không thể ngăn chặn đúng thời điểm.
Trên địa bàn xã Thanh Nưa hiện nay có 66 trường hợp nghiện, trong đó có 52 trường hợp đang uống Methadone. |
“Tôi rất lấy làm tiếc và đau buồn” – nữ Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa nói và nhấn mạnh “qua sự việc này chúng tôi sẽ tăng cường cảnh giác, đẩy mạnh công tác phòng chống ma túy, quản lý tốt đối tượng nghiện trên địa bàn tránh những sự việc tương tự xảy ra” – bà Vân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hiển – Trưởng Công an xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn xã có 3 đối tượng liên quan đến vụ Cao Thị Mỹ Duyên thì cả 3 đều nghiện. Duy nhất trường hợp Phạm Văn Nhiệm (đội 19) là không thể ngờ được. “Trường hợp này đã nghiện và đang dùng Methadone để cắt cơn. Gia đình có điều kiện, vợ làm giáo viên, nhà cửa khang trang đàng hoàng chứ không phải các đối tượng dặt dẹo. Trong chuyên án cũng không tính đến trường hợp này nhưng không thể ngờ được” – ông Hiển nói.
Theo vị Trưởng Công an xã Thanh Nưa, trên địa bàn xã hiện nay có 66 trường hợp nghiện, trong đó có 52 trường hợp đang uống Methadone. Từ năm 2016 đến nay năm nào cũng tổ chức tuyên truyền theo Chuyên đề phòng chống ma túy và có danh sách cho các hộ cam kết nhưng gặp nhiều khó khăn như các đối tượng không hợp tác vì nhiều lý do khiến việc cai nghiện ở tỉnh mỗi năm có 5-6 trường hợp.
“Khi cai nghiện mình phải gặp gia đình để làm cam kết, sau đó gặp đối tượng nghiện để tuyên truyền nhưng xuống cơ sở có trường hợp đến nghe nhưng nhiều trường hợp không đến. Các cấp chính quyền chỉ đạo rất mạnh mẽ nhưng khi xuống cơ sở thì không theo ý muốn của mình do đó mình phải chấp nhận” – ông Hiển cho hay.
Tất cả 5 bị can liên quan đến vụ hiếp, giết nữ sinh đi giao gà chiều 30 Tết trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều nghiện ma túy và có nhiều tiền án tiền sự. |
Trưởng Công an xã thừa nhận việc cai nghiện thành công không lớn. Trước đây xã có xin tập trung đối tượng nghiện về một cơ sở (cai nghiện cộng đồng) để cai nghiện tại đấy, có bảo vệ, bác sĩ đến cấp thuốc nhưng từ 2004 đến nay không cai nghiện cộng đồng nữa mà để các con nghiện tự cai tại gia đình thì chỉ cai nghiện thành công duy nhất 1 trường hợp.
Theo ông Hiển, hiện nay những trường hợp nghiện lại, địa phương khuyến cáo đi uống methadone, còn về lâu về dài cũng đã có những đề xuất lên cấp có thẩm quyền để có một chỗ cho cai nghiện tập trung tại địa phương, vừa cai nghiện vừa lao động và hưởng thụ thành quả lao động của chính mình. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều vấn đề, đặc biệt là kinh phí còn nhiều khó khăn nên chưa thể duyệt được.
Bà Lò Thị Vân – Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cũng thừa nhận việc cai nghiện tại cộng đồng hay cai nghiện tại gia đình đến nay không mang lại hiệu quả, người nghiện vẫn tái nghiện như thường. Phương án hiệu quả, xã đã đề xuất lên cấp trên. Thứ nhất cho vào cai nghiệm trong trung tâm cai nghiện của tỉnh 05, 06. Hai là vận động đối tượng nghiện đi uống methandone thường xuyên.
Lãnh đạo xã Thanh Nưa cũng không ngần ngại chỉ ra những bất cập, khó khăn gặp phải của việc cai nghiện tại địa phương hiện nay như cán bộ vẫn chưa có chuyên môn, chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực cai nghiện, nhiều gia đình mặc dù được tập huấn nhưng chưa biết cách. “Đặc biệt, dù giám sát chặt chẽ sát sao nhưng sau khi cai nghiện hầu như đều có ý định, quay trở lại tái nghiện. Do đó khiến địa phương gặp nhiều khó khăn”.
Năm 2011, tỉnh Điện Biên bắt đầu triển khai xây dựng và mở rộng cơ sở cấp phát Methadone. Tuy nhiên, sau gần 8 năm, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 29/131 xã, phường, thị trấn có cơ sở cấp phát và chủ yếu được đặt tại các khu vực trung tâm. Trong đó, huyện Nậm Pồ chưa có cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát Methadone; huyện Điện Biên Đông mới chỉ có 1 cơ sở cấp phát; nhiều huyện khác có chưa đến nửa số xã có cơ sở cấp phát Methadone; cá biệt, một số địa bàn chưa tới 1/10 người nghiện tham gia điều trị Methadone.
Ở những xã có cơ sở cấp phát thuốc Methadone, người nghiện ma túy cũng gặp không ít khó khăn. Tiêu biểu như ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, có nhiều bản cách xa điểm cấp phát thuốc Methadone ở Trạm Y tế xã Mường Pồn trên 20 km như: Huổi Chan, Huổi Un, Pá Trả. Vào mùa mưa, đường đi lầy lội khiến cho việc đi lại khó khăn, nhiều người khi đến nơi đã quá giờ uống thuốc lại phải quay về nhà hoặc ở lại chờ đến ngày mai.
Lũy tích điều trị Methadone tính đến cuối năm 2017 của tỉnh Điện Biên là gần 5.000 bệnh nhân. Trong đó có hơn 1.800 bệnh nhân đã ngừng điều trị do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chuyển ngoại tỉnh, tử vong, bị bắt do vi phạm pháp luật. Đặc biệt, số bệnh nhân tự bỏ điều trị là hơn 1.400 người, nguyên nhân được xác định chủ yếu là do rào cản về khoảng cách địa lý; người nghiện ma túy ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận với phương pháp điều trị bằng Methadone. Trong khi đó, việc điều trị bằng Methadone lại đòi hỏi phải thường xuyên, lâu dài.