1. Quan điểm “chỉ mình ta khôn” của ông Nguyễn Đức Tồn về ban thẩm tra
Theo lời Nguyễn Đức Tồn trên báo thì: “Về vấn đề thành lập ban thẩm tra, ông Tồn nói phải bao gồm các thành viên có chuyên môn và đảm bảo sự công tâm, khách quan. Ông Tồn cho biết ông còn gửi kèm yêu cầu cơ quan chức năng không cử vào ban thẩm tra này những người đã trả lời phỏng vấn trên báo chí quy kết ông đạo văn. Trong đó, ông nêu đích danh hai người là thành viên của Hội đồng CDGS ngành ngôn ngữ học ở thời điểm hiện tại là ông Trần Ngọc Thêm và ông Phạm Hùng Việt”.
Thiết nghĩ, những người quy kết ông Tồn đạo văn chắc chắn đều có cái lí và có chứng cứ. Ông Tồn có chứng cứ thì đem ra cãi lí với họ, chứ ông lấy tư cách gì mà không cho họ vào ban thẩm tra.? Ý ông là chỉ đưa những người không nghĩ ông đạo văn vào ban thẩm tra ư? Ý đó chỉ có thể có ở người thích đùa!
Ông Tồn và cuốn sách đạo văn |
2. Ông Nguyễn Đức Tồn ngang nhiên đánh tráo khái niệm
Vẫn lời ông Nguyễn Đức Tồn trên báo: “Bên cạnh đó, ông Tồn yêu cầu tài liệu thẩm tra cần phải đầy đủ và đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có hồ sơ đề nghị xét phong GS của ông năm 2009 hiện đang lưu tại Hội đồng CDGSNN. Ông nói hồ sơ này phải được niêm phong, đảm bảo đúng hồ sơ gốc để chuyển cho ban thẩm tra, không tùy tiện lấy bất cứ cuốn nào trên thị trường để thẩm định”.
Đây là mẹo ông Tồn đánh tráo khái niệm. Công luận và cả HĐCDGS Nhà nước không nhắm kiểm tra lại hồ sơ của ông nộp để được phong GS năm 2009, mà nhắm kiểm tra ông có trung thực hay không, mà chỉ riêng cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002) đã đủ để khẳng định ông đạo văn, và như vậy là không đáp ứng tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được nêu ở Khoản 2 Điều 8 của QĐ 174/2008/QĐ-TTg, là “Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ”.
Hồ sơ nộp năm 2009 của ông có thể không có cuốn sách đạo văn này, hoặc nó được chỉnh sửa để xóa đi các dấu vết đạo văn. Nhưng cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002) vẫn còn đó, nhiều người có, nhiều thư viện có, Cục Lưu chiểu ắt phải có. Ông không thể phủ nhận cuốn sách đang tồn tại trong đời thực là của ông, cho chúng là sách không đáng tin cậy để thẩm định được.
Dù chỉ một lần đạo văn có bằng chứng, thì vĩnh viễn là đạo văn, là không trung thực, là không đủ tiêu chuẩn để được công nhận chức danh cao quý là GS, PGS được. Ông đừng tưởng năm 2009 hay năm nào đó về sau nữa, ông đóng vai trung thực, viết sách mới, đào tạo học trò mới v.v. là ông đủ tiêu chuẩn “trung thực” để được công nhận và bổ nhiệm chức danh GS,PGS. Những danh hiệu cao quý này vĩnh viễn không thể có được nếu trước đây đã nhúng chàm, đã đạo văn.
3. Ông Tồn chơi trò "để lâu... hóa bùn"?
Báo dẫn lời: “Ông Tồn nói thời gian và quy trình thẩm tra cần chặt chẽ, tránh sự dồn ép, vội vàng, cần phải đảm bảo thực hiện các công đoạn thẩm tra “trung thực, đúng luật định để có kết luận chính xác, đúng người đúng tội, tránh gây oan sai”.
Chúng tôi nghĩ có gì mà cần nhiều thời gian? Cứ đem một vài cuốn sách ông bị tố đạo văn ra đối chiếu (nói là "đem một vài cuốn...", là để ngăn chặn khả năng ông Tồn cho rằng “đây là sách giả”) với luận án của TS Nguyễn Thúy Khanh, luận văn của Cao Thị Thu, bài báo của ThS Nguyễn Thanh Hà là chứng minh rõ mồn một là ông đạo văn. Bây giờ nhiều cơ sở đào tạo có trang bị phần mềm chống đạo văn, việc này càng dễ làm.
HĐCDGSNN đã có Công văn đề nghị HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học thẩm tra và báo cáo vụ việc chậm nhất là vào 1/6/2018. Không thể cù nhầy, trì hoãn vụ việc đang gây bức xúc toàn xã hội.