Ba sĩ quan công an “bắn nhầm” dê của người dân nuôi thả ở huyện Hoài Đức, Hà Nội và phản ứng tức thì của lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã nhận được những phản hồi tích cực từ người dân.
Bởi chưa đầy 24 tiếng đồng hồ có thông tin trên mạng xã hội thì công an đã vào cuộc xác minh, tước danh hiệu Công an nhân dân, tạm giữ, khởi tố vụ án để điều tra. Ba người này cũng bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng…
Có thể nói lực lượng công an hay bất cứ khu vực công, tư khác thì lúc nào đó cũng có thể xảy ra những sự việc đáng buồn, đáng lên án, phê phán như vậy. Chỉ khác là trong thời đại của thông tin, với thiết bị di động phổ biến được cài đặt sẵn công cụ mạng xã hội, những tình cảm, phản ứng vui hay buồn, tích cực hay tiêu cực của một hoặc vài cá nhân đơn lẻ hoàn toàn có thể được nhân lên nhanh chóng thành phản ứng của cộng đồng, lan tỏa liên tục như lớp lớp sóng.
Dư luận mạnh mẽ ấy đòi hỏi các cá nhân, tổ chức liên quan, nhất là các cơ quan công quyền cần phản ứng kịp thời, chính xác.
Ba sĩ quan công an “bắn nhầm” dê của người dân. |
Không chỉ sự việc vừa xảy ra ở Hà Nội, những năm gần đây, cùng với việc Đảng tăng cường thực thi kỷ luật thì kỹ năng, nhận thức của các cấp, các ngành, ở nhiều địa phương trong giải quyết các vấn đề dư luận bức xúc đã được nâng cao lên rất nhiều.
Ở Hải Phòng, mới tuần trước, Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh, rồi Quân khu 3 đã phản ứng rất nhanh trước phản ánh trên Facebook của sinh viên về hiện tượng nam giảng viên có lời lẽ thô lỗ, có tính chất quấy rối.
Cũng ở TP cảng, chỉ một ngày sau khi trên Facebook xuất hiện clip phản ánh giáo viên một cơ sở mầm non đánh học sinh, dù hình ảnh cho thấy sự việc xảy ra đã lâu nhưng chính quyền phường, rồi quận và cả Sở GD&ĐT đã nhanh chóng có động thái. Những phản ứng kịp thời ấy còn được chia sẻ với các cơ quan báo chí để thông tin chính thức đến người dân…
Thiết bị di động, tiếp cận Internet dễ dàng và sự phổ biến của các ứng dụng đang trao cho người dân công cụ để thực hiện các quyền của mình được pháp luật quy định. Nó cũng là công cụ để giám sát và phản biện xã hội. Từng con người cụ thể không còn là nguyên tử đơn độc nữa. Mỗi quan điểm, ý kiến, phản ánh của họ đều dễ dàng tìm được sự chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng.
Môi trường ấy không chỉ là áp lực, buộc các cơ quan công quyền phải thay đổi, mà chính từng cá nhân trong xã hội và những người tham gia mạng xã hội cũng phải trưởng thành hơn trong lời ăn tiếng nói của mình.