Vụ dân phá nhà cán bộ Hà Tĩnh, bắt trói CA: lệnh trên phải làm!

Theo điều tra, chính quyền xã Bắc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị ép tiếp tục theo đuổi để làm dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn.

Ông Trần Bá Hoành (giữa) Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn mệt mỏi vì đang ở giữa 2 gọng kìm.
Ông Trần Bá Hoành (giữa) Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn mệt mỏi vì đang ở giữa 2 gọng kìm.  
Chính Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Trần Bá Hoành thừa nhận không thể chống lại lệnh cấp trên dù đã có văn bản báo cáo tình hình chính trị đang bị tê liệt tại địa phương. Đây là một việc động trời cần phải có sự vào cuộc kiểm tra từ Trung ương!

Chính quyền tê liệt

Ngày 13/4, chúng tôi trở lại xã Bắc Sơn sau 3 ngày xảy ra vụ việc 4 công an huyện bị người dân bắt giữ. Không khí ảm đạm và ngột ngạt. Người dân ít ra đồng hơn. Cả một xã chìm trong không khí nặng nề. Mọi ánh mắt đều tỏ vẻ nghi ngờ khi thấy người lạ đi vào. Nhìn ai cũng thấy lo lắng và sầu não.

Chính quyền xã Bắc Sơn đã ngưng hoạt động từ ngày 10/4. Trụ sở xã đóng toàn bộ cổng. Phía trong, các phòng làm việc tan hoang vì bị ném đá. Chúng tôi hẹn gặp ông Chủ tịch xã tại nhà riêng tại xóm Đông Vĩnh.

Trên bờ ruộng đường vào xã, có hai người đàn ông mặc áo quần sạch sẽ, đội mũ cối đứng câu cá nhưng không hề có vẻ câu cá.

Ông Trần Bá Hoành cho biết: “Dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn được quy hoạch nhưng chủ tịch huyện Thạch Hà và chủ tịch xã Bắc Sơn không hề hay biết. Khi tỉnh đã chọn Bắc Sơn lấy đất làm dự án thì anh Quang (ông Nguyễn Phi Quang, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - PV) mới gọi điện cho tôi hỏi có biết gì không, cả hai mới ngớ ra khi biết tỉnh đã chọn trước”.

Ông Hoành cũng cho hay, về lợi ích và tính khả thi của dự án thì cả chính quyền xã và người dân không đồng tình nhiều. Tuy nhiên, mình là cấp dưới thì chỉ biết tuân thủ quyết sách của cấp trên.

Theo đó, từ khi quy hoạch của dự án được triển khai, ngày 16/10/2013, Bí thư Đảng ủy Dương Công Tự phổ biến cho người dân thì đã bị phản đối.

Sau đó, lãnh đạo xã và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể được cử đi vào Đồng Nai và Bình Dương tham quan các công viên vĩnh hằng ở những tỉnh này.

Giữa người dân và chính quyền xảy ra xung đột vì dự án nghĩa trang.
 Giữa người dân và chính quyền xảy ra xung đột vì dự án nghĩa trang.
Bên cạnh đó, liên tục có những vụ gây rối mất trật tự của người dân khi nói về dự án. Từ đó đến nay, liên tục có 30 vụ.

“Đất sản xuất dự phòng của xã Bắc Sơn không đáng kể, do đó, nếu dự án được triển khai thì chỉ có một số dân được bù đất, còn lại phải nhận bằng tiền mặt đền bù thôi. Do đó, người dân chỉ muốn giữ đất canh tác chứ không chịu để dự án tiến hành”, ông Hoành cho hay.

Theo đó, từ khi việc chọn địa điểm để quy hoạch dự án “qua mặt” cấp huyện và cấp xã được đưa về đây, người dân liên tục phản đối. Bắc Sơn, từ một địa phương yên bình thì liên tục dậy sóng và mất an ninh trật tự gần một năm nay.

“Điều này chưa hề xảy ra trước đó với 13 năm làm chủ tịch xã của tôi, lúc đó, tôi nói gì người dân cũng đồng thuận, khi có quy hoạch dự án về, mọi chuyện mới nên nỗi vậy”, ánh mắt đầy vẻ mệt mỏi, ông Hoành cho hay.

Đáng nói, từ lúc xảy ra mất an ninh trật tự trên địa bàn vì dự án, thì cũng là lúc hoạt động của chính quyền xã Bắc Sơn rơi vào bế tắc; và gần một tháng nay gần như đã rơi vào tình trạng tê liệt.

“Xã Bắc Sơn có 7 xóm với 3200 nhân khẩu trên 900 hộ dân. Cách đây một tháng, có 4 đồng chí trưởng thôn và hai đồng chí Bí thư chi bộ thôn đã xin nghỉ việc. Từ đó đến nay, chưa có ai thay thế chức vụ. Những cán bộ trên thuộc 4 thôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án là Đồng Vĩnh, Trung Sơn, Kim Sơn, Xuân Sơn”, ông Hoành cho biết.

Ông Trương Văn Trường, sau khi xin nghỉ làm trưởng thôn Trung Sơn thì ngày 10/4 vừa qua bị công an lên bắt tạm giam vì tội gây rối trật tự công cộng.

“Sau khi hơn nửa chính quyền cấp thôn bị tê liệt, chính quyền xã Bắc Sơn đã có văn bản báo cáo và đề nghị lên huyện, tỉnh xin ngừng dự án để ổn định tình hình nhưng huyện không cho và ép xuống tiếp tục làm”, ông Hoành khẳng định.

Theo đó, dù chính quyền thôn bị mất và an ninh trật tự đang hết sức phức tạp, tuy nhiên từ ngày 9-13/3/2014, chính quyền xã Bắc Sơn vẫn phải tiến hành khảo sát ý kiến người dân về dự án nghĩa trang. Kết quả, có 43% ý kiến người dân trên toàn xã đồng ý về quy hoạch và xây dựng dự án. Nhưng khảo sát ở 4 thôn trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dự án thì chỉ có 17-18% ý kiến đồng ý với dự án!

Trả lời câu hỏi phóng viên về việc tại sao lúc tình hình chính trị xã hội ở địa phương đang phức tạp như vậy mà chính quyền xã không có văn bản nào đề nghị lên cấp trên tạm dừng tất cả các vấn đề liên quan đến dự án để lo đảm bảo vấn đề cấp bách hơn, ông Hoành cho hay:

“Xã có văn bản và kiến nghị lên rồi nhưng không được. Mà mình là cấp dưới thì chỉ biết chấp hành mệnh lệnh cấp trên thôi. Hơn nữa, chẳng lẽ lại cử cán bộ xã về làm trưởng thôn hay bí thư chi bộ thì ai lo việc khác”.

Do đó, dù chính quyền cấp thôn bị tê liệt, tình hình an ninh chính trị phức tạp, nhưng lãnh đạo xã Bắc Sơn vẫn phải dành thời gian để lo làm việc khác theo lệnh trên: làm nghĩa địa!

Chính quyền đóng cửa liên tục nhiều ngày, lãnh đạo, dân làng đều sống bất an.
Chính quyền đóng cửa liên tục nhiều ngày, lãnh đạo, dân làng đều sống bất an. 
Hoang mang Bắc Sơn

Bắc Sơn đến ngày hôm nay vẫn chìm trong không khí ảo não, lo lắng nặng trịch trên đầu.

Thông tin mới nhất ông chủ tịch xã vừa cho hay, hai cán bộ gồm Trưởng công an xã Nguyễn Khắc Sơn, Phó chủ tịch hội Cựu chiến binh Dương Đình Thái đã gửi đơn lên huyện xin nghỉ việc.

Trong từng làng xóm, đường sá vắng lặng, chợ búa hiu hắt. Chúng tôi cố gắng tiếp cận từng người dân để tìm hiểu rõ vấn đề thì đều nhận được những sự dò xét với vẻ vừa lo sợ pha lẫn mệt mỏi.

Lúc này, phải xuất trình thẻ nhà báo và những giấy tờ chứng minh tùy thân. Hỏi ra mới hay, họ sợ công an đóng giả người này người khác để tìm hiểu.

Những người dân cũng hạn chế tránh tụ tập đông. Một chủ bán quán tạp hóa cho hay: “Các chú vào tìm hiểu, nếu là nhà báo trung ương thì dân họ mừng lắm, họ giờ không tin ai ở đây nữa”.

Tại nhà anh Đào Công Thường, nguyên trưởng thôn Đồng Vĩnh, chúng tôi mới tìm được sự trao đổi cởi mở.

Anh Thường cho hay: “Phần lớn người dân Bắc Sơn có nguồn gốc từ xã Thạch Đồng (Thạch Hà) lên khai hoang lập nghiệp. Đến nay đã 49 năm, nếu năm nay không có sự việc này thì sang năm xã chắc sẽ làm kỷ niệm 50 năm thành lập xã”.

Hiện tại xã Bắc Sơn có 329,6 ha đất nông nghiệp trồng lúa 2 vụ. Thu nhập bình quân hằng năm của người dân vào loại thấp, 15 triệu/người/năm.

“Ngày xưa, ở quê tổ Thạch Đồng, vì người đông đất chật ông bà tôi mới lên đây khai hoang lập nghiệp. Cả một vùng rừng núi rậm rạp nay thành ruộng thành làng thì có nguy cơ bị lấy đi. Dân chúng tôi sao không xót được. Anh có là người bỏ quê đi khai hoang thì anh mới thấy quý từng thước đất thế nào”, anh Thường nói.

Cũng theo anh Thường, từ khi xảy ra lộn xộn quanh dự án nghĩa trang, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp. “Người dân chúng tôi đêm không dám ngủ, con cái đi học cũng nơm nớp lo sợ. Bình thường lo xong mùa vụ, ai nấy đều đi làm thêm kiếm tiền, nay thì không dám đi mà chỉ ở nhà”, nguyên trưởng thôn Đồng Vĩnh kể về tình hình phức tạp tại địa phương hiện nay.

Người dân Bắc Sơn đang hết sức hoang mang.
Người dân Bắc Sơn đang hết sức hoang mang. 
Cần xem lại sự hoan nghênh của Chủ tịch tỉnh

Quy hoạch dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn nhận được sự hoan nghênh của Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự.

Ngày 11/10/2013, tại văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn. Kết luận cho hay: “UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án công viên vĩnh hằng Bắc Sơn Hà Tĩnh, hoan nghênh, khuyến khích Quỹ đầu tư phát triển tỉnh làm đầu mối thu hút các nhà thầu tham gia dự án”.

Tuy nhiên, cần phải xem lại, sự “hoan nghênh” này khi chính dự án đang làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống chính trị xã hội ở xã Bắc Sơn. Và càng cần xem kỹ hơn khi chính quyền cấp địa phương đang bị tê liệt thì vẫn có chỉ đạo cho tiếp tục theo đuổi dự án.

Ông Trần Bá Hoành cho biết: “Cấp xã bây giờ cũng mệt mỏi lắm rồi. Bây giờ việc cần nhất là ổn định tình hình trật tự, những đối tượng quá khích cần phải bắt giữ để có sự giáo dục. Hai nữa, nhà nước cũng cần xem lại dự án này có khả thi hay không”.

Về phía ông Hoành, ông cho biết đã xin lên huyện cho chuyển công tác đi nơi khác, nếu không được chấp thuận thì sẽ xin nghỉ việc.

“Dù 13 năm làm chủ tịch xã, người dân rất đồng tâm. Nhưng sự việc liên quan đến dự án này đã cho thấy người dân không còn tin tưởng tôi nữa; có nghĩa là tôi thấy năng lực và trình độ không đảm bảo. Mà người dân đâu có biết cho chúng tôi, những người làm ở cấp xã thì phải tuân thủ chỉ thị từ cấp trên đâu”, ông Hoành nói.

Xã Bắc Sơn vừa được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới thì “dính” dự án.
  Xã Bắc Sơn vừa được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới thì “dính” dự án.
Trời Bắc Sơn vẫn ảm đạm. Phần lớn người dân đang rất lo lắng và bồn chồn sau những sự việc vừa xảy ra. Việc quá khích và hành động vượt rào pháp luật là sai. Tuy nhiên, chính quyền các cấp của Hà Tĩnh cần phải vào cuộc sớm nhất và có nhiều giải pháp để vãn hồi trật tự, lý giải thấu đáo cho người dân để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra.

Nguyên nhân công an bị dân bắt trói trái phép

(Kiến Thức) - “Chúng tôi nghi ngờ họ đến để giải vây cho mấy chiếc máy xúc…, rồi mọi người gõ kẻng, bắt và trói tay 5 người kia lại”, một người dân cho biết. 

Không có thẻ ngành, dân nghi ngờ Công an đến giải vây cho máy xúc.

Vụ dân phá nhà cán bộ xã ở Hà Tĩnh: xung đột được báo trước

Người dân Bắc Sơn đã quá khích khi kéo đến ném đá nhà ông Trần Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, đập phá 12 xe máy trong UBND xã, phá nhiều nhà cán bộ khác.

Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, xã đang đau đầu trong cái nóng tháng tư này về một dự án xây dựng nghĩa trang. Công viên vĩnh hằng Bắc Sơn (nằm ở xã Bắc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) là cái tên của nghĩa trang này. Nghĩa trang chưa được xây dựng một viên gạch nào, nhưng đã có người đổ máu, dân bức xúc vì mất đất rượt đánh cán bộ, náo loạn cả một làng quê…
Chưa chôn người chết, người sống đã đổ máu

Đọc nhiều nhất

Tin mới