Trong cuộc sống hiện đại, khiêu vũ cổ điển trở thành một hoạt động giải trí, giúp con người vui sống, yêu đời, hướng đến cái đẹp hơn là để khẳng định đẳng cấp.
Ở Hà Nội hiện nay các sàn khiêu vũ cổ điển mọc lên nhan nhản. Với giá vé vào cửa khá bình dân, chỉ dao động từ 20 - 50 nghìn đồng, bất cứ ai cũng có thể hòa mình vào không khí cuồng nhiệt của các vũ điệu trên sàn.
'Bỏ mấy chục nghìn mua vài tiếng hạnh phúc'
Tối chủ nhật rảnh rỗi, tôi được ông Hoàng (55 tuổi - Đội Cấn, Hà Nội) dẫn đến một CLB khiêu vũ cổ điển ở quận Hoàn Kiếm.
CLB ở đây lúc nào cũng đông đúc, nhất là vào cuối tuần. Thấy ông Hoàng đi cùng tôi, nam nân viên gác cửa kiêm thu phí đánh mắt đầy ẩn ý, buông lời bông đùa: “Bác Hoàng mới có bạn mới à?”.
Chẳng để tôi kịp phân bua, người đàn ông có thâm niên 15 năm 'đánh bóng sàn nhảy' kéo tôi vào phía trong.
Một sàn khiêu vũ ở Hà thành. |
Phía trong sàn mát lạnh, ánh đèn sân khấu liên tục thay đổi từ màu xanh sang đỏ, vàng, tím… cho phù hợp với từng vũ điệu.
Yên vị chỗ ngồi, ông Hoàng mang chiếc vé vào cửa ra quầy nhận nước. Theo quy định, mỗi vé được phục vụ miễn phí nước suối. Ông Hoàng làm cho công ty du lịch, công việc không quá bận rộn nên ông thường xuyên đến đây.
Ông cho biết, sàn này thường được tiểu thương, dân buôn bán, lao động chân tay yêu thích khiêu vũ đến. Chỉ người phụ nữ vừa vào, ông Hoàng bảo, chị ta làm vũ nữ không chuyên, xuất thân trong gia đình công nhân.
Lấy chồng chẳng may gặp tay nghiện ngập, đi tù, chị ra chợ bán rau kiếm kế sinh nhai. Cuộc hôn nhân bi kịch lấy đi của chị nhan sắc nhưng không thể khiến chị từ bỏ đam mê khiêu vũ từ thời con gái.
Khu vực chỉnh âm thanh của sàn khiêu vũ cổ điển. |
Mỗi tuần chị đến đây 2 buổi tìm niềm vui. Bao giờ chị cũng mặc trang phục công nhân rồi vào phòng thay đồ trút bỏ bộ quần áo lam lũ đó thay bằng chiếc váy đính kim sa lấp lánh.
Chị dặm thêm chút phấn lên khuôn mặt, thoa màu son tươi hồng. Khi bước ra sàn, người đàn bà mệt mỏi bỗng trở nên lộng lẫy, bốc lửa, đôi chân linh hoạt bên bạn nhảy của mình.
Giữa những câu chuyện đứt quãng, chị nói: “Đời có buồn mấy, vào đây là quên hết, coi như bỏ vài chục nghìn, mua 3 tiếng hạnh phúc”.
Ở sàn chị được trân trọng, nâng niu như một quý cô. Chị nhảy đẹp, đàn ông ai cũng muốn nhảy cùng chị. |
Dù không chính thức kiếm tiền từ công việc “dẫn nhảy” nhưng đôi khi nhảy cùng một số người mới tập, thấy chị hướng dẫn nhiệt tình, tỉ mỉ, họ lịch sự gửi chị mấy chục ngàn, thay cho lời cảm ơn.
Tất nhiên trong đó có cả lời mời nhảy hơi khiếm nhã, chỉ cần chị gật đầu, phục vụ nhảy ở nhà riêng, họ sẽ "boa" hậu hĩnh.
Sự cố ở sàn nhảy của nữ vũ công
Một buổi khác, ông Hoàng gọi tôi đến sàn nhảy nhỏ nằm ở khu vực Đống Đa (Hà Nội). Người đàn ông sành sỏi này cho hay, mỗi sàn có cái hay riêng.
Chúng tôi đến sớm, sàn còn khá vắng vẻ, lác đác vài đôi. Một số người khiêu vũ lâu năm, nếu không thích tham gia câu lạc bộ hay nhóm để giao lưu sẽ tìm cho mình một “cạ” nhảy (bạn nhảy).
Bước vào sàn nhảy, người ta thường rũ bỏ những phiền muộn cuộc sống, để cảm xúc được thăng hoa. |
Họ thường đến cùng giờ, cả buổi chỉ khiêu vũ với đúng bạn của mình. Ngoài đời, họ cũng có gia đình, cuộc sống riêng nhưng dưới ánh đèn xanh đỏ, họ là “người tình” trong nghệ thuật.
“Việc gần gũi, va chạm cơ thể hàng ngày khi tập luyện khiêu vũ là chuyện bình thường, do vậy giữa họ dễ nảy sinh tình cảm nam nữ. Tuy nhiên có phát sinh ngoại tình hay không cũng tùy thuộc quan điểm, tính cách của họ” - ông Hoàng nói.
Sau vài bản nhạc, ông Hoàng giới thiệu cho tôi làm quen với Huyền Trâm (SN 1989). Thời sinh viên, Trâm cũng được học vài lớp khiêu vũ ở trường. Để nhảy tốt, cô hay lui tới đây với bạn.
Trâm bảo mình nhảy là vì đam mê chứ không có mục đích gì nhưng chính sở thích này cô đã vuột mất cơ hội làm dâu nhà giàu.
Kể về cuộc hôn nhân “hụt”, cô bẽn lẽn cười, cho biết: “Ở đây nhiều bác cũng 60, 70 tuổi mới bắt đầu học. Ngoài việc bán mỹ phẩm, em thường hướng dẫn giúp mấy bác đó. Ai cần bạn nhảy đẹp đi biểu diễn ở cơ quan, xí nghiệp… họ thuê, trả cát xê đàng hoàng.
Gọi em là vũ nữ cũng chẳng sai nhưng không phải kiểu nhảy kiếm tiền chuyên nghiệp trên các bar, sàn mà ai cần mình giúp thì họ bồi dưỡng thù lao thôi”.
Trâm tâm sự, cô yêu một anh chàng, con nhà giàu có ở Hà thành. Mẹ người yêu làm kinh doanh nhưng suy nghĩ khá bảo thủ.
Ban đầu, bà đồng ý cho Trâm và con trai qua lại, đính hôn. Thế rồi một lần bà đến dự bữa tiệc sinh nhật bạn, có giao lưu khiêu vũ. Chẳng ngờ gặp Trâm ở đó, đang nhảy với mấy người khác. Bà hỏi thăm biết con dâu tương lai cũng kiếm sống bằng công việc nhảy thuê.
Người phụ nữ này không chấp nhận điều đó nên bắt con trai hủy hôn.
“Khiêu vũ cũng lành mạnh, đâu phải ai cũng phóng túng, bê bối đâu nhưng gia đình họ kiên quyết thế thì mình biết làm gì. Anh người yêu lại nhu nhược nữa nên chúng em dừng lại”, Trâm nói.