Ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) lĩnh án chung thân với tội danh giết người từ năm 2003. Mới đây, sau 10 năm, hung thủ Lý Nguyễn Chung (SN 1988, cùng trú ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) mới ra đầu thú nên ông Chấn được minh oan, tha tù.
Việc ông Chấn được minh oan là niềm vui khôn xiết với gia đình, người thân và củng cố thêm niềm tin của dư luận vào công lý. Tuy nhiên, chỉ vậy thôi vẫn chưa đủ, dư luận cần biết hung thủ thực sự và những người có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào, ông Chấn sẽ được bồi thường ra sao sau từng ấy năm ngồi tù oan ức?
Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ 3 từ trái sang) trở về trong vòng tay của người thân sau 10 năm ngồi tù vì bị xử oan |
Bố đẻ Chung là ông Lý Văn Chúc và mẹ kế là bà Lành biết Lý Nguyễn Chung giết người để cướp của vào năm 2003. Tuy nhiên, hai đối tượng này đã che giấu tội phạm trong suốt 10 năm qua.
Cách đây hơn 1 năm, bà mẹ kế Chung trong lúc mâu thuẫn với chồng là ông Chúc đã dọa tiết lộ bí mật “động trời” này. Tuy nhiên, bà Lành vẫn không ra trình báo với cơ quan chức năng, mà chỉ kể cho một số người thân biết.
Tất nhiên đây là tình tiết chính mà nhờ đó, ông Nguyễn Thanh Chấn mới được minh oan, nhưng theo Luật sư Ngô Đình Hoàng, Đoàn Luật sư TP HCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Đình Hoàng, thì cả bà Lành và ông Chúc đều phải chịu trách nhiệm hình sự về việc che giấu tội phạm theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự và tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 314 bộ luật Hình sự.
Theo đó, hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm mà tội phạm ở đây lại giết người thì khung hình phạt ở đây sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Về đối tượng Lý Văn Phúc (người nhận 2 chỉ vàng từ hung thủ Lý Nguyễn Chung), nếu Phúc biết điều này mà vẫn nhận vàng thì Phúc phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Khoản 1 Điều 250 nêu rõ: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Một vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm nữa là việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị lĩnh án chung thân oan và đã ngồi tù oan 10 năm qua sẽ được bồi thường như thế nào? Cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn?
Theo Luật sư Hoàng, căn cứ quy định tại Điều 32, Bộ luật Hình sự thì Tòa án cấp phúc thẩm TAND Tối cao là cơ quan xét xử cuối cùng tuyên án bị cáo phạm tội với hình phạt tù chung thân là cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn.
Việc xác định mức bồi thường do tổn thất tinh thần cho ông Nguyễn Thanh Chấn trước hết sẽ do các bên (ông Chấn và cơ quan có trách nhiệm bồi thường) tự thương lượng thỏa thuận.
Tuy nhiên, ước tính theo khoản 1, điều 5 Nghị Quyết 388 thì ông Chấn sẽ được bồi thường khoảng trên 500 triệu đồng nếu tính từ ngày tạm giam là cuối tháng 9/2003 đến ngày được tha tù là đầu tháng 11/2013. Cơ sở để xem xét cho mức bồi thường này là căn cứ xác định thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần và các thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ trong suốt khoảng thời gian ngồi tù trên.