Thoát chết
Qua sự giới thiệu của một người bạn, PV Tiền phong thuyết phục nhiều lần anh B.N.A. trú tại thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) mới chấp nhận cuộc nói chuyện về hành trình đến nước Anh xa xôi đầy mạo hiểm. Trong căn nhà khang trang, vợ đang gội đầu cho khách, A. tiếp tôi tại bàn uống nước. “Hay ho chi mà kể ra đây anh. Dù phải ăn khoai, ăn cháo cũng không bao giờ dám lên những chiếc xe khủng khiếp đó nữa”, A. mở lời bắt đầu câu chuyện.
Năm 2007, tốt nghiệp cấp 3, A. được bố mẹ định hướng xuất ngoại vì có người thân bên nước Anh. Bố mẹ bỏ ra hơn 100 triệu đồng cho một người môi giới ở Nghệ An để làm thủ tục đi CHLB Đức qua ngả Séc. Sau khi đến Séc, mọi người trong đoàn tập trung về một chỗ ở riêng có người quản lý chặt chẽ để chờ đợi đưa sang Đức. “Hơn 1 tháng sau, mọi người được đưa sang Đức. Tại đây, chúng tôi đi xin việc làm tại các nhà hàng, công xưởng để kiếm tiền nộp cho các đường dây đưa sang Anh”, anh A. nhớ lại.
“Tôi lấy con dao thủ sẵn từ trước rạch bạt xin tài xế chạy chậm để nhảy xuống. Nhưng không ngờ tài xế lại cho xe chạy nhanh hơn, đến trạm kiểm soát lại bị cảnh sát bắt giữ. Nếu cho trở lại để đi con đường đó tôi không bao giờ dám đánh cược tính mạng mình như thế nữa”, anh Nguyễn Viết Hưng, quê Hà Tĩnh
Hành trình khổ ải bắt đầu từ đây. Ba tháng làm việc tại Đức, A. được một nhóm người hứa hẹn đưa sang Anh với mức giá gần 200 triệu đồng. A. cho biết, trước khi đi phải nộp cho họ một ít tiền. Nếu sang được đến nơi, người thân ở quê sẽ trực tiếp gửi tiền cho họ. Đi cùng đợt với anh có rất nhiều người quê ở Nghệ An, Quảng Bình. “Họ đưa chúng tôi đến một lán trại được dựng tạm trong rừng tại một tỉnh biên giới của nước Pháp. Ngày ngày chỉ cầm cự bánh mỳ với nước khoáng dưới cái lạnh cắt da cắt thịt vào ban đêm”, A. kể.
Theo A. ban ngày, anh và mọi người bị bắt tập trung tại lán trại, đến khoảng 2 giờ sáng, khi sương mù dày đặc, lạnh cóng, tất cả băng rừng xuống một khu đất rộng ven đường có rất đông xe tải đang dừng đỗ tại đây. “Mọi người được hướng dẫn chia từng nhóm 2 đến 3 người đến kiểm tra tài xế từng xe tải. Nếu tài xế đang ngủ, cố mở thùng xe leo lên vào bên trong”, A. kể tiếp.
Anh Hưng kể lại chuyện đi qua chặng đường đầy hiểm nguy của mình |
Không may mắn, sau ba lần ẩn nấp hàng chục giờ trên xe tải, chiếc xe lại chạy sang nước khác chứ không phải nước Anh như dự tính. A. bị cảnh sát sở tại bắt giữ rồi thả ra. “Sau khi cảnh sát bắt giữ, được thả, mọi người lại tìm đường trở lại lán trại cũ để tiếp tục tìm cơ hội khác sang Anh”, A. nói.
Hơn 2 giờ sáng một ngày cuối năm 2007, A. lại vượt rừng ra khu vực xe tải đỗ, trời lạnh tê tái, các tài xế đóng kín mít cửa tranh thủ chợp mắt trước khi lên đường. A. và một thanh niên người ở huyện Yên Thành, Nghệ An được nhét vào chiếc thùng dưới gầm chiếc xe tải dùng để đựng đồ sửa chữa của chiếc xe. “Đến bây giờ, mỗi lần trong giấc ngủ, nhớ cảnh nằm trong chiếc thùng đó tôi vẫn không quên được. Nó ám ảnh cả cuộc đời tôi…”, A. nói, ánh mắt nhíu lại như muốn quên đi nỗi sợ hãi đó.
Hai người được xếp nằm nghiêng chật chội trong chiếc thùng bé tý tẹo dưới gầm xe. Hành trang của hai chàng thanh niên trong tay là một hòn đá to bằng vài nắm tay, được những kẻ trong đường dây đưa cho để hỗ trợ việc vượt biên. “Họ dặn là khi nào nghe tiếng chim én tức là đã đến nước Anh, lấy đá đập vào thùng để tài xế phát hiện mở thùng xe”, A. kể.
Hơn 10 giờ đồng hồ, không một giọt nước vào cổ họng, người nằm nghiêng không trở được, dầu nhớt trong thùng mùi nồng nặc chảy lênh láng ngấm vào người. Hai người cố dùng sức lấy đá đập vào thùng liên tục nhưng chiếc xe vẫn không dừng lại, rồi mệt lả thiếp đi. “Lúc đó nghĩ chắc chắn sẽ chết. Hình ảnh bố mẹ, người thân trong gia đình cứ luẩn quẩn trong đầu tạo thêm động lực cố lấy thêm sức để tìm cách thoát ra”, A. nhớ lại.
Hết cách, trong chiếc thùng tối om, A. nhìn quanh có một chút ánh sáng lọt qua khe hẹp, hai người bàn cách cố nhích người, xé mảnh vải áo nhét qua khe hở hy vọng tài xế nhìn qua gương phát hiện. May mắn, tài xế thấy có người trong chiếc thùng nên báo cảnh sát. Chiếc thùng được mở ra, A. và chàng thanh niên kia về trại tỵ nạn tại Anh và sau đó được người thân đón về.
Đường đến xứ sở sương mù
Năm 2003, anh Nguyễn Viết Hưng - trú tại Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh (tên nhân vật đã được thay đổi) vay mượn tiền để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Đức. Sau khi thỏa thuận với công ty XKLĐ, anh Hưng đi Nga bằng hộ chiếu du lịch rồi tiếp tục vượt biên qua nhiều nước. Trên mỗi chuyến đi đều được người môi giới chỉ đường, bởi họ có kinh nghiệm trốn tránh cơ quan chức năng nước sở tại.
“Sang Nga, chúng tôi tập kết về một nhà kho chứa hàng trăm người mong muốn đi Đức lao động bất hợp pháp. Họ đến từ nhiều quốc gia, lứa tuổi, giới tính khác nhau. Vấn đề ăn uống, sinh hoạt đều diễn ra trong nhà kho, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hộ chiếu, giấy tờ tùy thân bị thu giữ và tiêu hủy. Sau khi nghe ngóng động tĩnh, người môi giới sẽ đưa chúng tôi qua Đức bằng nhiều hướng khác nhau. Mọi việc đều định sẵn, không ai được có ý kiến gì khác”, Anh Hưng cho biết.
Riêng cá nhân anh Hưng được đưa đi bằng đường rừng từ Nga sang Ukraina rồi đến Ba Lan. Để bảo mật, người dẫn đường tiếp tục chia đoàn người thành nhiều nhóm nhỏ và di chuyển vào buổi tối, lịch trình thay đổi liên tục. Nhiều lúc phải thuê dân bản địa đi ngựa phía trước dẫn đường và có người phía sau kiểm soát. Đi hết một chặng lại dừng chân nghỉ lấy sức, rồi tiếp tục di chuyển. Không chỉ băng rừng, nhóm của Hưng còn phải vượt qua một con sông rộng và sâu.
Nhằm tránh sự tuần tra gắt gao của cảnh sát, anh được bỏ vào trong 1 túi ni-lon rồi thợ lặn mang bình oxy lặn dưới đáy kéo sang sông. Tuy nhiên, vừa vào bờ, đã bị cảnh sát Ba Lan phát hiện và bắt giữ. “Tôi còn may mắn hơn nhiều người khác vì bị cảnh sát phát hiện khi đã vào bờ còn những người bị phát hiện giữa sông thì thợ lặn kia bỏ túi ni-lon để trốn, như thế thì chỉ có chết thôi”, anh Hưng vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại.
Sau khi mãn hạn 9 tháng tù giam, Hưng bị trục xuất trở lại Ukraina, người môi giới tiếp tục đưa đi bằng con đường từ Nga sang Séc rồi mới đến Đức. Ngoài băng rừng, vượt suối, người lao động còn bị nhồi nhét vào thùng xe ô tô đã được chế thành 2 lớp. “Khổ cực đến nỗi đi vệ sinh cũng khó khăn. Không ít người bỏ mạng dọc đường, hoặc vì sợ quá bỏ cuộc và quay lại”, anh Hưng nói. Cuối cùng thì anh cũng đến được Đức. Sau nhiều năm làm việc ở Đức, đến năm 2006, anh Hưng lại quyết định mạo hiểm tìm đường tới Anh.
Từ Đức, anh cùng một người bạn thuê 2 người bản địa dẫn đường đến cảng để vượt sang Anh. Tuy nhiên, sau một đoạn đường rừng, anh phát hiện 2 người này là cướp nên ra dấu hiệu với bạn. Chờ lúc bọn chúng không chú ý, Hưng hét lên rồi bỏ chạy nhưng bị bắt lại. “Chúng dí súng vào đầu tôi và định bóp cò. Tôi quỳ xuống cầu xin và đưa tiền, điện thoại và tài sản trên người cho chúng, chỉ giấu lại được một ít tiền. Bị đánh đập dã man, tôi giả ngất, bọn chúng mới bỏ đi”, anh Hưng kể.
Theo những gì tôi biết thời điểm ấy, cách tốt nhất là thuê người dẫn đi khi đến bến cảng, họ sẽ tìm hàng hóa trong container nào đi Anh rồi đợi đêm đến sẽ mở container cho mình chui vào; hoặc tự mình chạy theo các xe container phủ bạt, nhảy lên xe rồi chui vào bên trong nhưng rất nguy hiểm và rất dễ nhầm xe có hàng đi sang nước khác.
“Tôi chọn cách thuê người dẫn đi, chi phí là 8.000 euro. Ban đêm, người dẫn đường đưa tôi lên xe container chở hàng điện tử đi Luân Đôn (Anh). Sau khi sang sông, vào đến nước Anh, tôi lấy con dao thủ sẵn từ trước rạch bạt xin tài xế chạy chậm để nhảy xuống. Nhưng không ngờ tài xế lại cho xe chạy nhanh hơn, đến trạm kiểm soát lại bị cảnh sát bắt giữ. Nếu cho trở lại để đi con đường đó tôi không bao giờ dám đánh cược tính mạng mình như thế nữa”, anh Hưng lắc đầu sợ hãi.
Anh B.N.A. kể lại hành trình thoát chết trên thùng chứa đồ dưới gầm chiếc xe tải để đến nước Anh. |
Hơn 2 giờ sáng một ngày cuối năm 2007, A. lại vượt rừng ra khu vực xe tải đỗ, trời lạnh tê tái, các tài xế đóng kín mít cửa tranh thủ chợp mắt trước khi lên đường. A. và một thanh niên người ở huyện Yên Thành, Nghệ An được nhét vào chiếc thùng dưới gầm chiếc xe tải dùng để đựng đồ sửa chữa của chiếc xe. “Đến bây giờ, mỗi lần trong giấc ngủ, nhớ cảnh nằm trong chiếc thùng đó tôi vẫn không quên được. Nó ám ảnh cả cuộc đời tôi…”, A. nói, ánh mắt nhíu lại như muốn quên đi nỗi sợ hãi đó.