“Trăng gió” lúc có lúc không
Nghe vợ ra… tối hậu ngôn, Dư ớn lạnh. Anh nghĩ bụng, gay to rồi. Mọi hôm đâu tới mức ấy? Chắc trận nhậu tối qua là giọt nước làm tràn cái ly ấm ức của cô ấy. Bây giờ mà lấn lướt cho đáng mặt ông chồng là không thể, chỉ như lửa chế thêm dầu thôi. Phải vừa mềm dẻo, vừa bông lơn may ra.
Anh cười giả lả, nói em à, nhậu chỉ là thăng hoa trong chốc lát khi có niềm vui… rải rác hay nỗi buồn man mác thôi. Anh biết hồi tối lỡ say, để em phải cơm chờ cá đợi là có lỗi. Nhưng bạn cũ lâu ngày gặp lại, không lẽ phết cái tay rồi đi. Tụi anh tính quán xá chút đỉnh thôi, ai ngờ thằng này tới, thằng kia tới, khuya hồi nào không hay. Bà xã thông cảm cho anh đi mà!
Thấy tồi tội, Hạnh dịu giọng bớt, nói tui còn phải ngủ với cái hũ chìm đến bao giờ hả trời? Bữa nào cũng la cà ăn uống, thở mùi bia khai ngấy, nằm ngay đơ cán cuốc, chẳng biết trời trăng mây gió. Chớp thời cơ, Dư hóm ngay, nói uống bia thì thở mùi bia chớ sao? Nhậu về mà thoang thoảng nước hoa cho em xé xác ra à? Còn chuyện “gió trăng”, mình đã hai mặt con rồi, cái sự “trăng gió” lúc có lúc không là điều dễ hiểu.
Ảnh minh họa. |
Hạnh hét lên: “Tui hổng đề cập “chuyện đó”, anh đừng rửng mỡ à nghen!”. Rồi nàng ngoe nguẩy xách giỏ đi chợ nhưng không giấu nổi một khóe cười. Hạnh bao giờ cũng vậy, làm mặt lạnh giỏi lắm chừng vài phút. Khi chồng giở bài cà rỡn là tươi ngay.
Nỗi niềm... bia rượu
Thực ra Dư bông phèng là để mây tạnh mưa tan thôi. Thâm tâm, anh vẫn thấy vợ đúng mười mươi. Anh nhiều lúc cũng phát ớn với chính mình khi “sực nhớ” có những ngày dầm trong bia rượu. Đám có thiệp không nói làm gì. Xin được giấy phép: nhậu. Gặp đối tác: nhậu. Ký xong hợp đồng: nhậu. Thậm chí vợ bỏ về ngoại vì chồng ở quán nhiều hơn ở nhà, “hòa giải” xong, mừng quá, lại… nhậu. Uống gì mà như mưa Huế, cứ sụt sùi, tỉ tê, dầm dề, rả rích. Có lúc mình mẩy nóng ran, ai đó mà dội gáo nước chắc kêu cái “xèo” ngay lập tức. Nhiều phen muốn trốn nhưng sợ bạn “nói xấu” nên ráng ngồi, mặt lơ ngơ như bò đội nón. Ước gì có thể tự rút đầu ra khỏi cổ, trút bia vào đấy, xong đậy “nắp” lại, coi như “phần tao xong nhá” rồi về, khỏi cà kê dê ngỗng.
Bầm dập là vậy nhưng vợ có thấu cho nỗi niềm… bia rượu đâu. Khuya, lén mò xuống bếp lục cơm, vợ biết, nói no “phở” rồi, cơm làm gì. Kêu ê bụng, vợ nói mới ê chưa sao, chừng nào bục dạ dày cà, anh mới sợ. Mà rên cái gì, nguyên tắc là nhậu ở đâu rên ở đó. Có lần Dư nổi máu “sĩ”, nói hôm nay anh uống hơi nhiều nên ngủ sa lông cho em thoải mái. Hạnh trợn mắt quát, nói vào buồng ngay. Bộ anh tưởng cái thân anh là của riêng anh chắc? Thà tui chịu… hôi, anh ngủ ngoài này gió máy ai lo? Thì ra, giận thì giận mà thương thì thương.
Tân dược “Bobiru”
Hạnh về tới ngõ. Dư lăng xăng chạy ra xách giỏ, nói để anh… lập công chuộc tội. Hạnh gí ngón tay lên trán chồng: “Lần này em bỏ qua, nhưng hễ lăn quay như hồi tối lần nữa là em điện cho bà già dưới quê đó”.
Con gái là y sĩ, nháy mắt với mẹ, nói con lên mạng thấy loại tân dược “Bobiru” chữa bệnh ê bụng của ba hay lắm. Dư hí hoáy ghi liền, nói để mai ba mua. Hạnh nguýt chồng, nói có đâu mà mua. Bộ anh không hiểu ý con à? Nó nói “Bobiru” là “bỏ bia rượu” đó. Bỏ là bớt liền. Nói vậy chớ bỏ hẳn cũng khó, chỉ cần anh “bớt bia rượu” là mẹ con em diễm phúc lắm rồi.