Tôi đã từng nghĩ mình là người may mắn khi lấy được cô ấy. Vợ tôi kém tôi 8 tuổi, trẻ đẹp, thông minh và biết vun vén gia đình. Thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng tôi xuôi chèo mát mái, trong ấm ngoài êm.
Nhưng chỉ sau khoảng 2 tháng cô ấy về làm dâu, gia đình tôi bắt đầu “có biến”. Tất cả vì tính tiết kiệm thái quá của vợ tôi.
Bố mẹ tôi đã thuộc thế hệ ngày xưa, vốn dĩ rất tiết kiệm nhưng vẫn phải “chào thua” nàng dâu mới. Nhà 4 người ăn nhưng hàng ngày vợ tôi đi chợ chỉ khoảng 50.000 đến 70.000. Cô ấy tích nước vo gạo, rửa rau để tưới cây, bắt cả nhà xem tivi trong bóng tối để tiết kiệm tiền điện nước. Vợ tôi hay phàn nàn về chai nước mắm, lọ dầu gội đầu nhanh hết rồi kêu ca chi tiêu tốn kém đủ đường. Câu chuyện hàng ngày của cô ấy chỉ xoay quanh 1 chữ “tiền”. Ai nghe cũng chán.
Bố mẹ tôi thấy vợ tôi tính toán chi li, lại phàn nàn ông bà hoang phí nên nhất quyết đòi ăn riêng. Vậy là tôi chấp nhận cảnh “1 nhà 2 bếp”.
Tôi làm xây dựng, thu nhập cũng khá. Nhiều lần tôi góp ý với vợ: “Kinh tế nhà mình không quá khó khăn. Em không phải chắt chiu quá làm gì”. Nhưng tôi chưa nói hết câu, vợ đã gạt đi và cho rằng tôi không biết nhìn xa trông rộng, tôi sống hôm nay không nghĩ đến ngày mai.
Ảnh minh họa |
Thời gian trôi qua, tôi thấy vợ ngày càng “đáng sợ”. Tiền bạc trong nhà vợ tôi nắm chặt, không muốn chi đến một đồng. Đám xá hiếu hỷ vợ tôi luôn tìm cách trốn, anh em họ hàng, bạn bè cô ấy cũng không thích giao du. Em gái tôi xây nhà, hỏi mượn chút tiền cô ấy cũng thẳng thừng từ chối. Vì thế, tôi dần bị cô lập với mọi người.
Nghĩ đến cách sống của vợ, tôi rất buồn. Nhiều lần vợ chồng to tiếng, tôi đã từng nghĩ đến chuyện chia tay. Nhưng rồi vì thương con nên tôi lại làm lành. Tôi tự nhủ rằng cô ấy giữ tiền cũng chỉ để lo cho tương lai con cái.
Tuy nhiên, tôi không ngờ vì đồng tiền, vợ tôi có thể bất chấp sức khỏe chồng. Tôi có cảm giác vợ quý tiền hơn cả mạng sống của tôi.
Chẳng là thời gian này tôi ít việc, thi thoảng lại nghỉ ở nhà chơi. Ngày nào tôi ở nhà là y như rằng vợ lại than vãn, kêu ca làm như tôi là kẻ ăn không ngồi rỗi. Đúng lúc vợ tôi đang lo lắng vì tôi không có việc thì tôi nhận được lời mời thầu một công trình ở vùng núi đá hiểm trở khá xa. Họ mời đến tôi vì các đội xây dựng khác đều ái ngại. Thi công ở những nơi như vậy nguy hiểm vô cùng. Hơn nữa, chỗ đó lại cách nhà tôi gần 40km. Nếu nhận lời làm công trình này tôi phải chấp nhận đi về vất vả và cắm lều ăn ngủ với công nhân. Thời gian này, sức khỏe tôi lại kém. Tôi bị bệnh thoái hóa cột sống và viêm khớp hành hạ mỗi ngày.
Trong khi tôi đã định từ chối nhận thầu thì vợ tôi lại hào hứng, vui mừng ra mặt. Cô ấy nói: “Họ trả nhiều tiền thì anh nhận đi, đắn đo gì, hiểm trở đến đâu mà anh lo? Vất vả nhưng có tiền vẫn sướng. Anh sợ gì chứ? Cứ làm đi, chết có số rồi. Nếu anh không nhận công trình này, tháng tới hết việc thì cứ xác định cả nhà ăn rau trừ bữa”.
Tôi lặng người trước những suy nghĩ của vợ mình và nghĩ đến cảnh nếu tôi không có việc thì cả nhà sẽ khổ thế nào. Rõ ràng, vợ muốn tôi “bán mạng”. Cô ấy chỉ nghĩ đến tiền chứ không nghĩ đến những khó khăn, nguy hiểm mà tôi đối mặt. Tôi thấy thương bố mẹ, thương con. Họ cũng giống tôi, hàng ngày đều bị vợ giày vò bằng những câu chuyện về tiền bạc.
Càng nghĩ, tôi càng thấy buồn chán về cuộc hôn nhân ngột ngạt của mình. Tôi không biết phải làm gì để vợ tôi thay đổi? Người vợ coi tiền là trên hết đã khiến tôi mất hết anh em, bạn bè. Nếu tiếp tục nghe vợ, tôi e rằng có ngày mình mất mạng cũng nên.