Đến ngày 29/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhận được trình báo của 175 bị hại trong đường dây chơi phường, hụi tại huyện Tĩnh Gia và Như Thanh. Theo trình báo, số tiền mà nhóm người trên bị thiệt hại lên hơn 58 tỷ đồng. Tại huyện Tĩnh Gia, số người tham gia đường dây phường, hụi này tập trung chủ yếu tại xã Phú Sơn. Cơ quan công an cũng đã nhận được hơn 70 đơn trình báo của người dân xã này.
Người chơi phường ở xã Phú Sơn điêu đứng, hoang mang vì lâm cảnh nợ nần do vỡ hụi. Ảnh: N.D. |
Theo phản ánh của người dân Phú Sơn về vụ vỡ hụi hàng chục tỷ đồng, gần đây, ở địa phương có một số người đứng ra làm chủ hụi. Những người này đứng ra đi thu tiền (tài sản) của các “con hụi” và được nhận tiền hoa hồng (10.000 đồng/1 triệu đồng). Các hộ tham gia sau khi đóng tiền sẽ được hứa hẹn hưởng lãi suất từ 1,5 - 2%/mỗi tháng. Mức lãi suất này cao hơn gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Nghe lời hứa hẹn bùi tai, nhiều người dân đã đem toàn bộ tài sản mà mình tích góp được cho vay. Bà Đỗ Thị Nhân (thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn) cho hay, người chơi đều là chỗ quen biết, hàng xóm láng giềng nên không ai nghĩ hậu quả xấu có thể xảy ra. "Giờ chủ hụi không còn khả năng thanh toán thì chúng tôi sống thế nào đây? Gia đình tôi nhiều năm nay chơi phường, hụi nhưng chưa từng gặp chuyện như thế này", bà Nhân buồn bã nói và cho hay gia đình bà tham gia 6 tổ phường với số tiền lên đến 300 triệu đồng. Tại xã Phú Sơn có hàng chục hộ đang lâm vào tình cảnh vỡ hụi như bà Nhân. Hộ mất ít thì 200-300 triệu, người chơi nhiều thì đi cả tỷ đồng. Một trong số đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Tình ( thôn Trung Sơn) khi cùng lúc tham gia chơi phường, hụi ở xã Phú Sơn 800 triệu và xã Phú Lâm 170 triệu đồng. Theo cơ quan công an, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh và bà Trần Thị Hà (thôn Trung Sơn, Phú Sơn) được biết đến là một trong những chủ phường, hụi có tiềm lực về kinh tế và được người dân hết sức tin tưởng. Thế nhưng, hơn 1 tháng nay, cặp vợ chồng này không còn sống ở nhà. Xã Phú Lâm (giáp ranh với xã Phú Sơn) những ngày qua cũng "dậy sóng" về việc vỡ hụi. Ông Lê Đức Nam - Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết, dù xã chưa tiếp nhận bất cứ đơn thư phản ánh nào nhưng cũng đã nắm bắt thông tin để có hướng xử lý. "Các hộ liên kết với nhau để hình thành các tổ chơi, hoạt động dưới hình thức cho vay lấy tiền lãi hoặc bốc thăm. Về mức độ, quy mô hoạt động chắc chắn không lớn bằng xã Phú Sơn nhưng vụ bể hụi lần này các hộ vỡ nợ trên dưới 20 tỷ đồng", ông Nam nói. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, ngoài hai xã Phú Sơn và Phú Lâm, tình trạng vỡ hụi còn xuất hiện nhiều nơi tại các xã Hải Thanh, Tân Trường, Hải Bình, thị trấn Còng (cùng thuộc huyện Tĩnh Gia) và hai xã Tân Kỳ, Tân Thanh của huyện Như Thanh.
Căn nhà của chủ hụi Thanh Hà luôn trong tình trạng cửa chốt then cài hơn một tháng nay. Ảnh: N.D. |
Sau khi sự việc xảy ra, đại tá Nguyễn Văn Bính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã triệu tập cuộc họp khẩn giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh với Công an huyện Tĩnh Gia, Như Thanh và các lực lượng chức năng khác. Công an tỉnh giao trách nhiệm cho công an hai huyện này tiếp nhận đơn của các bị hại, thu thập tài liệu, chứng cứ để xác minh, làm rõ vụ việc. Giao Phòng Cảnh sát hình sự lập 1 tổ công tác nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ cho Công an huyện. Công an huyện Tĩnh Gia, Như Thanh bố trí cán bộ, phương tiện tiếp nhận đơn của công dân. Qua điều tra ban đầu, nhà chức trách cho hay việc chơi phường, hụi của các hộ dân ở huyện Tĩnh Gia bắt đầu từ khoảng năm 2010 đến nay. Nhiều người tham gia với rất nhiều dây phường khác nhau. Khi tham gia chơi phường, hụi, người dân nộp tiền vào hàng tháng, nếu ai lấy phường trước sẽ phải đóng tiền cho người lấy tiền sau. Theo đại tá Bình, ngoài việc tiếp nhận đơn, cơ quan công an đang thu thập tài liệu để xác định các chủ phường có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật hay không. Nếu có vi phạm, cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.