Sau nhiều năm cố gắng trau dồi tay nghề, từ thợ phụ với mức lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, chị được lên làm thợ chính với mức lương khoảng từ 8-12 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng có lương ổn định mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng.
Vốn tính tiết kiệm và chi tiêu có kế hoạch, hàng tháng, trừ chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, tiền học của con và đối nội, đối ngoại thì mỗi tháng chị để ra được từ 5-10 triệu đồng.
Nhờ tiết kiệm và chi tiêu có kế hoạch mà vợ chồng chị Minh đã có của ăn của để sau nhiều năm đi làm thuê. (Ảnh minh họa).
Khi tay nghề đã cứng, năm 2018, chị quyết định xin nghỉ việc ở Salon tóc và mở cửa hàng cắt tóc gội đầu gần nhà trọ. Tiền thuê mặt bằng hết 5 triệu đồng/tháng, tiền sắm sửa máy móc, thiết bị, bàn ghế, mỹ phẩm hết khoảng 100 triệu đồng nhưng theo chị, mỗi tháng có thể thu về được gấp đôi số tiền trước đây mình đi làm thuê.
“Giá gội đầu, rửa mặt vào khoảng 30-50.000 đồng/người, cắt tóc từ 100-150.000 đồng/đầu, uốn – ép- nhuộm từ 300-900.000 đồng tùy dịch vụ và thuốc. Vì vậy, tôi đặt ra mỗi ngày ít nhất phải làm được 300.000 đồng để bù vào số tiền thuê nhà, ăn uống, chi tiêu hàng ngày. Ngoài ra, toàn bộ tiền lương của chồng tôi để dành không đụng đến”, chị Minh nói.
Nhờ chịu khó và khéo léo, khách đến cửa hàng ngày một đông. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng chị để ra được 10 triệu đồng, thêm khoản lương cố định của chồng, mỗi tháng chị để ra được từ 20-25 triệu đồng.
Ngoài tiền lương cố định của chồng thì chị Minh cho biết, mỗi ngày ít nhất chị phải làm ra được 300.000 đồng.
Năm 2019, với số tiền tích cóp được khoảng 500 triệu đồng, vợ chồng chị quyết định đầu tư mua mảnh đất rộng 40m2 ở Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội). Chị dự tính, hai vợ chồng tiếp tục tích cóp thêm vài năm nữa rồi sẽ xây nhà để chấm dứt việc phải đi làm thuê.
“Tính tôi hay cẩn thận, tiền lương của chồng hay tiền thu từ quán tóc tôi đều cho vào thẻ hết. Cứ được khoảng 20 triệu là tôi lại mở sổ tiết kiệm online. Bằng cách này, mình không cần ra ngoài chi nhánh ngân hàng khi gửi tiết kiệm hay khi muốn đáo hạn. Từ 2-3 tháng tôi lại gộp vào thành 1 quyển sổ tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng”, chị Minh cho hay.
Theo chị Minh, ở các đợt dịch trước, hầu như vợ chồng chị không bị ảnh hưởng gì nhiều. Cửa hàng tóc của chị cũng chỉ phải đóng cửa nhiều nhất là 1 tháng nên không ảnh hưởng gì nhiều. Số tiền trang trải trong thời gian giãn cách nằm trong kế hoạch dự phòng.
Tuy nhiên, đến đợt dịch thứ 4 này, vợ chồng chị “dở khóc dở cười” khi cả 2 vợ chồng mất việc làm. Salon tóc của chị phải đóng cửa nghỉ suốt từ 25/05 đến 22/06 rồi lại tiếp tục nghỉ từ 24/07 đến nay. Xưởng cơ khí nơi chồng chị làm việc cũng phải đóng cửa nghỉ dịch từ cuối tháng 7 đến nay. Vì vậy, thu nhập hầu như bằng 0.
Nghỉ làm vì dịch Covid-19, thu nhập bằng 0 nhưng các chi phí hàng tháng vẫn không thay đổi khiến vợ chồng chị phải tiêu vào tiền tiết kiệm. (Ảnh minh họa).
“Nhà tôi có 4 người, 2 vợ chồng và 2 đứa con. Nghỉ dịch không có nguồn thu nhưng chi tiêu vẫn không thay đổi. Dù tiết kiệm lắm nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải tiêu hết khoảng 15-20 triệu đồng”, chị Minh nói.
Chị Minh cho biết, các khoản phải chi phần lớn là tiền thuê nhà và điện nước giá cao. Đơn cử như: Tiền ăn hàng tháng cho 4 người mất khoảng 5 triệu đồng; tiền thuê nhà 2 triệu đồng/tháng; tiền điện phải trả 4.000 đồng/số, ở nhà nhiều nên mỗi tháng hết khoảng 2 triệu đồng; tiền nước, chi phí phát sinh hết từ 2-3 triệu đồng. Ngoài ra chị còn phải gánh thêm tiền thuê cửa hàng tóc hết 5 triệu đồng/tháng….
Vì vậy, khi tiêu hết khoản dự phòng thì số tiền tích lũy, tiết kiệm để xây nhà cứ thế được vợ chồng chị rút ra lấy tiền chi tiêu trong những tháng nghỉ dịch. Tuy nhiên, theo chị Minh, vợ chồng chị vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khi vẫn còn có tiền tiết kiệm để xoay sở hàng ngày.
“Tôi vẫn nói đùa với chồng tôi là, ba tháng nghỉ dịch vợ chồng tôi đã “cạp” hết cả quyển sổ tiết kiệm 50 triệu rồi, chỉ còn 2 quyển sổ nữa, nếu cứ thế này thêm vài tháng là trắng tay, làm lại từ đầu. Xót thì có xót nhưng tôi cũng tự an ủi rằng, mình còn có sức khỏe thì sau khi hết dịch mình vẫn còn có thể làm ra tiền và thực hiện mục tiêu xây nhà. Tôi cũng mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi việc lại trở lại như trước kia”, chị Minh bộc bạch.