Dư luận những ngày qua vô cùng bức xúc về vụ nhập thuốc chữa ung thư giả của VN Pharma.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch - Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã bày tỏ nhiều cảm xúc buồn lo và bức xúc xung quanh những thông tin liên quan đến vụ việc nhập thuốc chữa ung thư giả của VN Pharma.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty Cổ phần VN Pharma - Ảnh: HỮU KHOA/Tuổi trẻ |
Không thể chấp nhận hành vi vô nhân đạo
Là một bác sĩ có nhiều năm công tác trong ngành y, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ, nhận nhiều danh hiệu giải thưởng, huân huy chương cao quý do Nhà nước trao tặng, cảm xúc của Giáo sư như thế nào khi đọc những thông tin về vụ việc nhập lậu thuốc chữa ung thư giả của VN Pharma?
GS Nguyễn Khánh Trạch: Khi theo dõi những thông tin vụ việc nhập lậu thuốc chữa ung thư giả tôi thấy rất buồn và đau xót. Vụ việc này đã quá rõ ràng, làm như vậy là không thể chấp nhận được bởi đó là hành vi của những kẻ vô nhân đạo. Dù biết rằng, trên thực tế, thuốc giả thì ở đâu cũng có, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng có. Tuy nhiên, thuốc giả ở Việt Nam hiện có quá nhiều. Không chỉ giả thuốc chữa ung thư, nhiều thuốc giả khác cũng rất nhiều.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư thì việc phải dùng thuốc giả để chữa bệnh thì đó là điều không thể chấp nhận. Bệnh nhân ung thư đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bi quan và đau khổ, thuốc chữa trị rất đắt và tốn kém mà lại dùng thuốc giả thì khó có thể chấp nhận được bởi đó là một việc làm cực kỳ vô nhân đạo. Dù thế nào đi chăng nữa, với thuốc chữa bệnh mà người dân rất mong đợi mà mình lại làm điều như thế là không thể chấp nhận được.
Với người dày dặn kinh nghiệm trong khám chữa bệnh như giáo sư, có thể nhận biết được thuốc giả hay thuốc thật hay không?
GS Nguyễn Khánh Trạch: Tôi là bác sĩ nhưng cũng rất khó để nhận biết được thực hay giả. Nếu chữa bệnh bằng thuốc giả khi xảy ra hậu quả với bệnh nhân thì bác sĩ điều trị lại bị xử lý. Tuy nhiên, người ta đi mua thuốc có cho các bác sĩ điều trị biết đâu. Thuốc giả với thuốc thật thực tế một trời một vực, hai phạm trù khác hẳn nhau nhưng để nhận biết được thuốc giả rất khó, nhất là thời đại khoa học kỹ thuật bây giờ có nhiều cái họ làm giả như thật.
Nói như giáo sư ở trên thì với những người dân bình thường thì khó phân biệt được thuốc giả hay thuốc thật. Họ đi mua thuốc, bán thế nào thì dùng như vậy?
GS Nguyễn Khánh Trạch: Bác sĩ còn khó nhận biết thì với những người dân, họ đi mua thuốc giả thì cũng làm sao họ biết được, rất khó.
GS Nguyễn Khánh Trạch. Ảnh Vnexpress.net. |
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trong vụ VN Pharma
VN Pharma nhập hơn 9000 hộp thuốc H – Capita về Việt Nam được xác định là thuốc chữa ung thư giả, theo giáo sư nguyên nhân vụ việc này xuất phát từ đâu và ngoài doanh nghiệp làm ăn bất chính, Cục Quản lý Dược và Bộ Y tế có phải chịu trách nhiệm?
GS Nguyễn Khánh Trạch: Một mặt phía doanh nghiệp kia vì lợi ích mà vi phạm pháp luật, trà đạp lên tính nhân văn nhân đạo và khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược và Bộ y tế phải có trách nhiệm trong quản lý, nhưng chỉ một vài cá nhân trong đó chứ không phải là cả tập thể, tổ chức đứng ra làm việc đó. Một vài cá nhân vì lợi ích đứng ra tìm đủ mọi cách bưng bít, lừa dối. Các nhà lãnh đạo của ta còn non yếu về mặt quản lý nên tạo cơ hội cho các cá nhân lợi dụng điểm yếu đó để đưa các vị ấy vào bẫy. Những cá nhân làm liều, làm bậy thì phải tìm cho ra những kẻ đó để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật chứ không thể thấy sai mà bao che.
Dù sao đi nữa, rõ ràng ở đây có sự sơ xuất của cơ quan quản lý nhà nước, cấp phép cho nhập thuốc này vào Việt Nam như Cục Quản lý Dược khi không kiểm tra xem tình hình thực tế như thế nào. Trong trường hợp họ đồng tình tiếp tay cho doanh nghiệp thì cần xử lý nghiêm. Khi đã làm Bộ trưởng thì không thể không biết việc nhập lậu thuốc là như thế nào và phải đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý cá nhân vi phạm.
Hơn nữa, ở một mặt khác, nó cũng xuất phát từ tình hình hiện nay pháp luật không có nghiêm minh gì cả. Không chỉ thuốc giả còn nhiều vụ khác lớn hơn nhiều nhưng không thấy sự nghiêm minh. Buôn bán thuốc giả vừa buôn lậu, vừa bán thuốc giả.
Để ngăn chặn thuốc giả, theo Giáo sư thời gian tới cần làm những gì?
GS Nguyễn Khánh Trạch: Để ngăn chặn thuốc giả phải nâng cao trách nhiệm các cơ quan quản lý, nâng cao kiến thức và ý thức cho người dân. Người dân mà không có ý thức đó thì khó lòng ngăn chặn được. Hơn nữa, về mặt pháp luật, nhà nước phải có quy định xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán thuốc giả cũng như những mặt hàng làm giả khác. Không thể để tình trạng tội nặng mà lại giơ cao đánh khẽ được như vậy không có tính răn đe với những kẻ hám lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
Cùng với những diễn biến vụ nhập thuốc chữa ung thư giả của VN Pharma, dư luận có nhiều thông tin trái chiều, có những thông tin suy diễn, khá cực đoan, Giáo sư nghĩ sao về điều này?
GS Nguyễn Khánh Trạch: Dư luận vụ việc này cũng nhiều, phần lớn là những suy luận nhưng thiếu sự bình tĩnh dẫn đến suy luận không hay. Ai vi phạm đến đâu xử lý đến đó chứ không thể suy diễn thiếu căn cứ. Theo tôi suy nghĩ không thể loại trừ có thế lực xấu lợi dụng những lúc như thế này để chống phá. Nhiều ý kiến bình luận trên mạng vô văn hóa và khó chấp nhận được. Nhà nước cần tìm cho bằng được những kẻ lợi dụng những lúc như thế này.
Dư luận có quyền nghi ngờ
Liên quan vụ việc trên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, trách nhiệm của Cục quản lý Dược và Bộ Y tế là rất lớn.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, Cục Quản lý Dược không thể nói đơn giản là đã hợp tác với cơ quan điều tra, đã báo với cơ quan điều tra rồi được miễn trách nhiệm. Trong phiên xét xử sai phạm tại công ty VN Pharma vừa rồi, Tòa án cũng đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan thuộc Cục Quản lý dược.
“Cục Quản lý Dược hợp tác điều tra tốt mà được miễn truy tố thì cái này không có trong luật. Hơn nữa, Cục Quản lý dược đã kịp thời báo cơ quan điều tra, có biện pháp ngăn chặn với lý do Cục nghi ngờ thuốc của VN Pharma là giả, nghi ngờ hồ sơ có vấn đề. Nếu như đã nghi ngờ thì anh đã không cấp giấy phép, một khi đã cấp giấy rồi thì phải chịu trách nhiệm. Thực tế, trình tự là Cục Quản lý dược cấp phép, sau đó công ty nhập thuốc, rồi bán ra thị trường tới các phòng khám, bệnh viện sử dụng. Nếu có vấn đề thì các Sở Y tế địa phương báo cáo lên thì Cục Quản lý dược mới biết và có căn cứ để nghi ngờ. Hơn nữa, dù hồ sơ là công ty mới nhưng chỉ mất vài tháng, VN Pharma đã được cấp đăng ký thuốc. Dư luận có quyền nghi ngờ điều này”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến.