Sáng ngày 25/9, phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) cùng 11 đồng phạm trong vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma có diễn biến bất ngờ khi trong phần xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ) gặp vấn đề về sức khỏe, sau đó phải chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện 115.
Theo diễn biến phiên tòa, bị cáo Phạm Văn Thông bất ngờ kiệt sức, mặt tái khi đang trả lời Chủ tọa phiên tòa Phạm Lượng Toản. Do vậy, Chủ tọa đã yêu cầu các cán bộ công an đưa bị cáo Phạm Văn Thông dời khỏi phòng xử án và sau đó, các nhân viên y tế đã đưa bị cáo này đi bệnh viện cấp cứu.
Bị cáo Thông mắc nhiều căn bệnh như bệnh tim, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, lọan nhịp tim, thoái hóa cột sống, bệnh gút...
Dư luận quan tâm bị cao Phạm Văn Thông giữ vai trò gì trong vụ buôn bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma?
Bị cáo Phạm Văn Thông phải đưa đi viện cấp cứu giữa phiên tòa. |
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Phạm Văn Thông là dược sĩ nhưng đã dựa vào các tài liệu do Công ty VN Pharma cung cấp để viết tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm cho thuốc H-Capita theo yêu cầu của Nguyễn Minh Hùng.
Cụ thể, vào tháng 5/2013, Nguyễn Minh Hùng đã điện thoại nhờ Phạm Văn Thông viết tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc H-Capita mang tên Công ty Helix Canada để đưa vào hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu. Sau đó, Phạm Văn Thông đã đồng ý với thỏa thuận tiền công là 2000 USD.
Bị cáo Phạm Văn Thông sau đó đã yêu cầu Nguyễn Minh Hùng cung cấp các tài liệu qua email gồm Giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), hộp thuốc mẫu và toa thuốc gốc (hướng dẫn sử dụng thuốc). Tuy nhiên, sau đó Nguyễn Minh Hùng chỉ cung cấp được Giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc, giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc và 1 vỉ thuốc mẫu.
Căn cứ từ những tài liệu trên và hồ sơ thuốc Relotabin, Phạm Văn Thông viết tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc H-Capita. Đồng thời, bị cáo Phạm Văn Thông cũng dựa vào Dược thư quốc gia Việt Nam để viết toa thuốc H-Capita.
Đáng chú ý, quá trình viết tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc, Phạm Văn Thông thấy FSC mà Hùng đưa không phù hợp với Dược điển Mỹ vì trong USP không có hoạt chất Capecitabine mà gắn với gốc muối Sadium (ghi sai, không đúng thành phần tá dược), nên Phạm Văn Thông đã yêu cầu Hùng trao đổi với công ty sản xuất. Tuy nhiên, Hùng vẫn yêu cầu Thông viết, khi nào có FSC mới sẽ sửa lại cho phù hợp. Khi nhận được FSC mới từ Bùi Ngọc Duy - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty VN Pharma, Thông sửa lại tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm cùng hướng dẫn sử dụng tiếng Việt thuốc H-Capita, nhưng vẫn còn một số sai sót.
Sau khi viết xong tài liệu trên, Thông gửi email cho Duy và Hoàng Trúc Vy (nguyên nhân viên Phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty VN Pharma) để tập hợp gửi cho Cục Quản lý Dược, xin cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita. Sau đó, Phạm Văn Thông được Công ty VN Pharma thanh toán tiền công là 33,6 triệu đồng. Số tiền này sau đó được Thông nộp lại cho cơ quan điều tra.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 năm 2017, bị cáo Phạm Văn Thông bị tuyên phạt 2 năm tù cho hưởng án treo về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Sau khi bản án này bị cấp phúc thẩm tuyên hủy, bị cáo Phạm Văn Thông bị thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội ‘buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh’. Bị cáo Thông bị bắt từ ngày 1/6/2018, tạm giam tại Trại B34 Bộ Công an.
Bản thân bị cáo Phạm Văn Thông cũng đã có nhiều đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng. Bị cáo này cho rằng, bản thân là người phụ trách mảng quản lý chất lượng thuốc và biên soạn hồ sơ đăng ký thuốc của nhiều công ty dược, trong đó có phần việc soạn hồ sơ thuốc nhập khẩu. Do vậy, theo bị cáo, bản thân không cố tình tiếp tay cho VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả.
Tại phiên xét hỏi sáng 25/9, trả lời chủ toạ, bị cáo Phạm Văn Thông cho biết, việc viết giấy tờ kiểm nghiệm thuốc chỉ mất từ 2 - 3 ngày. Bị cáo Thông cũng cho hay, vào tháng 5/2013, Công ty VN Pharma thuê bị cáo soạn tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm cho thuốc H-Capita. Sau khi ông nhận lời, VN Pharma gửi qua email cho ông các tài liệu về nhà máy sản xuất thuốc, địa chỉ công ty tại Canada; giấy phép bán hàng tự do và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc. Dựa trên các tài liệu này, ông Thông đã viết tiêu chuẩn thuốc, hoàn thiện hồ sơ thuốc để VN Pharma trình Cục Quản lý dược. Dựa trên hồ sơ thuốc do ông Thông viết, Bộ Y tế đã duyệt nhập khẩu đối với lô thuốc H-Capita.
Theo bị cáo Phạm Văn Thông, do đã làm quen nên đã sơ suất không quan tâm đến tính pháp lý của lô thuốc 9300 hộp H-Capita. Tuy nhiên, Chủ tòa phiên tòa cho rằng, đây là lỗi của bị cáo Phạm Văn Thông vì những lô thuốc này không có chứng nhận của chính quyền cơ quan nước sở tại cấp. Khi phần xét hỏi với bị cáo Thông đang diễn ra thì bị cáo mệt mỏi và buộc phải đi cấp cứu.
Theo HĐXX cho biết tại phiên tòa, bị cáo Phạm Văn Thông có luật sư bào chữa nên quyền lợi của bị cáo vẫn được đảm bảo theo quy định của pháp luật.