Thôn có 2 nghĩa trang nhưng chết không có chỗ chôn
Mới đây, Báo Kiến Thức nhận được đơn thư kêu cứu của người dân thôn Nam, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về việc thời gian gần đây người dân trong thôn chết không có chỗ chôn cất.
Trao đổi với PV ngày 9/6, bà Đường Thị Kiến chia sẻ với giọng đầy bức xúc: "Người dân thôn Nam chúng tôi đang rất bức xúc và suốt mấy tháng nay kêu cứu khắp nơi về việc không có chỗ chôn người đã khuất, ở đây là hung tang (hình thức chôn cất người chết một thời gian sau cải táng lại).
Sự việc bắt đầu từ chính em trai ruột của tôi (Đường Văn Quê - PV) mất ngày 28/4/2020. Mọi việc nhẽ ra bình thường nhưng khi người nhà chúng tôi ra nghĩa trang Cây Si (nghĩa trang được chính quyền xã Lũng Hòa chỉ định sau khi nghĩa trang Nhà Làng được thông báo sẽ thu hồi làm dự án xây dựng Chợ Đầu mối nông sản - PV) của thôn được xã chỉ định và những người chỉ huyệt mộ để tiến hành đào huyệt chuẩn bị cho khâu chôn cất thì xảy ra chuyện.
Hàng trăm người thôn Trúc Lâm thuộc thị trấn Thổ Tang, sinh sống cách nghĩa trang chừng 300 mét ra ngăn cản không cho chúng tôi đào huyệt."
Bà Kiến đứng cạnh ngôi mộ em trai mới mất hơn 40 ngày và được xây kiên cố trước khi hung táng. |
Bà Kiến nói tiếp: "Giữa 2 bên xảy ra mâu thuẫn và chính quyền địa phương có mặt để giải quyết. Mặc dù sự việc khá bất ngờ nhưng gia đình chính tôi nhất quyết phải tiến hành hung táng cho em trai tôi đúng thủ tục và ngày giờ đã được thầy ấn định.
Trước sự việc nghiêm trọng, một nhóm người lạ xuất hiện và có 5-6 người mặc cảnh phục công an đến động viên gia đình nên đem em trai tôi đi hỏa táng.
Nếu hỏa táng sẽ được chôn cất tại nghĩa trang Cây Si đàng hoàng và không bị người dân thôn Trúc Lâm phản đối. Nhóm người này cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ mọi chi phí giúp gia đình tôi đưa người nhà mất đi hỏa táng nhưng di nguyện của em trai tôi trước khi mất là muốn được hung táng."
Bà Kiến cho biết, cuối cùng, người dân thôn Trúc Lâm đồng ý phương án cho chôn cất em trai bà ở nghĩa trang Cây Si nhưng với điều kiện phải xây gạch kiên cố xung quanh và lát nền ở dưới.
Trước sự chứng kiến và bảo vệ của hàng chục chiến sĩ công an có mặt tại nghĩa trang, gia đình bà cũng đã gấp rút xây dựng ngay trong đêm để kịp chôn cất em trai đúng giờ.
"Xong việc, mấy đồng chí công an và người nhà chúng tôi luôn túc trực tại nghĩa trang Cây Si mấy ngày liền, phòng người dân thôn Trúc Lâm, thị trấn Thổ Tang đến phá" - bà Kiến nói.
Những ngôi mộ khang trang sau khi đã cải táng ở nghĩa trang Cây Si |
Bà Kiến cho biết thêm, nhóm người lạ tự xưng là người của UBND huyện Vĩnh Tường, có cả công an động viên gia đình nên đưa người nhà đi hỏa táng. Bởi, họ cũng không lường trước được sẽ có những đối tượng nào làm liều đến phá mộ bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, phong tục của địa phương trước nay vẫn vậy nên gia đình bà không đồng ý hỏa táng.
Không chỉ riêng bà Kiến mà nhiều người dân tại đây cũng cùng chung nối bức xúc. Trước sự việc nhà bà Kiến là trường hợp của cụ Nguyễn Viết Nhuần (88 tuổi) mất ngày 31/5/2020.
Cụ Nhuần có các con cái thành đạt và công tác ở trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ được dân làng trong thôn rất kính trọng và quý mến. Nhưng cụ chết cũng không có chỗ chôn.
Người nhà cụ Nhuần ra nghĩa trang Cây Si đào huyệt đến 4 lần mà không được bởi hàng trăm người dân thuộc thôn Trúc Lâm, thị trấn Thổ Tang ra ngăn cản việc chôn cất cụ.
Bà Kiến cho biết, những người dân thôn Trúc Lâm cắt cử người túc trực cả ngày lẫn đêm ở nghĩa trang Cây Si và tuyên bố trường hợp ông Quê (em trai bà Kiến - PV) là trường hợp duy nhất được hung táng tại đây vì đã xây dựng huyệt kiên cố và chỉ chôn 1 lần.
Mặc dù cả chính quyền huyện Vĩnh Tường, xã Lũng Hòa, thị trấn Thổ Tang xuất hiện vận động người dân nhưng cũng không giải quyết được vụ việc. Cực chẳng đã, người nhà của cụ Nhuần mới xin dân làng cho phép chôn cất cụ ở giữa cách đồng làng, nơi dân làng đang cách tác nông nghiệp.
Người dân thôn Nam chia sẻ với PV |
Ông Nguyễn Văn Nhân cho biết: “Từ trước đến nay, dân làng chưa bao giờ lại rơi vào trường hợp như thế này. Người chết mà không có chỗ chôn, cụ Nhuần phải trải quả 4 lần đào huyệt nhưng không được chôn cất tử tể.
Dân làng chúng tôi thấp cổ bé họng mà chính quyền có mặt cũng không giải quyết được vấn đề. Chúng tôi từ già đến trẻ đều rất bức xúc trước sự việc hiện tại. Như nhà chị Kiến còn có bà mẹ chồng năm nay đã ngoài 90 đang lo tới đấy có chỗ chôn cất không?".
Chính quyền nói gì?
Qua tìm hiểu của PV, thôn Nam (Lũng Hòa) hiện tại đang có 2 nghĩa trang là nghĩa trang Nhà Làng và nghĩa trang Cây Si. Theo người dân trong thôn, nghĩa trang Cây Si có từ lâu đời. Từ những năm 1980, dân làng thôn Lũng Ngoại (3 thôn hiện tại là thôn Đông, thôn Trung và thôn Nam) bắt đầu có thêm nghĩa trang mới là Nhà Làng. Từ đó, nghĩa trang Cây Si chỉ còn là nơi chôn cất những ca hỏa táng, cải táng từ Nhà Làng sang.
Đầu năm 2019, người dân thôn Nam nhận được thông báo từ cán bộ địa phương về việc không được hung táng ở nghĩa trang Nhà Làng nữa, chuyển việc hung táng và mai táng của thôn Nam về nghĩa trang Cây Si. Còn thôn Đông và thôn Trung chuyển sang an táng tại nghĩa trang Gò Mát.
Người dân cho biết, về thông báo này chính quyền địa phương không nói lý do.
Cổng vào nghĩa trang Nhà Lang mới được người dân tu sửa lại |
Năm 2019, dự án xây dựng Chợ đầu mối nông sản bắt đầu thi công san lấp giải phóng mặt bằng. Cuối năm 2019, người dân thôn Nam nhận thấy nghĩa trang Nhà Làng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc thi công dự án. Theo đó, người dân tự đóng góp tiền xây dựng tường bao quanh lại nghĩa trang Nhà Làng.
Hiện tại, nghĩa trang Nhà Làng được quây bằng tường cao khoảng 70 cm. Theo quan sát của PV, nghĩa trang Nhà Làng chỉ toàn những ngôi mộ cũ và theo bà Kiến thì gần 2 năm nay chính quyền xã Lũng Hòa không còn cho người dân đưa người thân mất ra an táng tại đây.
Video: Người dân bức xúc về việc người chết không có chỗ chôn ở Lũng Hòa
Theo tìm hiểu của PV, người dân thôn Trúc Lâm (thị trấn Thổ Tang) đã có những phản ánh lên các cấp chính quyền về việc phản đối xã Lũng Hòa quy hoạch nghĩa trang sát khu dân cư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là trường mầm non hơn nghìn học sinh.
Việc người dân phải đem chăn màn ra nghĩa trang canh người thôn Nam hung táng người đã khuất là việc bất đắc dĩ.
Đem những bức xúc của người dân thôn Nam ra làm việc với chính quyền xã Lũng Hòa, ông Nguyễn Hồng Lai – Chủ tịch xã Lũng Hòa xác nhận có chuyện người dân thôn Nam bị cản trở khi đưa người mất ra nghĩa trang Cây Si hung táng. Theo ông Lai, chuyện về nghĩa trang thôn Nam rất phức tạp, UBND xã nhiều lần trình bày, gửi báo cáo, kiến nghị lên UBND huyện Vĩnh Tường nhưng chưa giải quyết được dứt điểm.
Hôm xảy ra sự việc như người dân thôn Nam đã có báo cáo, cán bộ huyện Vĩnh Tường và cả cán bộ của tỉnh Vĩnh Phúc cũng có mặt để đối thoại và vận động người dân 2 thôn những không giải quyết được sự việc.
Chủ tịch UBND xã Lũng Hòa - ông Nguyễn Hồng Lai làm việc với PV |
Giải thích về việc người dân thôn Nam bỗng dưng không có nơi hung táng người đã khuất, ông Lai cho biết, việc người dân thôn Nam không chôn cất ở nghĩa trang Nhà Làng nữa là bởi khu nghĩa trang đó nằm trong diện tích thu hồi xây dựng dự án Chợ đầu mối theo chủ trương của tỉnh. Hiện tại, chính quyền xã đang vận động người dân di dời mộ mà sang nghĩa trang Cây Si khu nghĩa trang Nhà Làng đã được quy hoạch của dự án.
Ông Lai cho biết, nghĩa trang Cây Si quy hoạch từ những năm 1960 và là đất thuộc địa phận xã Lũng Hòa, nhưng người dân thôn Trúc Lâm – thị trấn Thổ Tang nhiều lần kéo sang ngăn cản gây mất trận tự an ninh. Họ lấy lý do nghĩa trang gần trường học và gần dân sinh sống không đảm bảo về quy chuẩn của nghĩa trang (nghĩa trang quy chuẩn là cách khu dân cư 1.500 mét – PV).
Những công trình của người dân thôn Trúc Lâm như trường học mầm non gần đó quy hoạch sau nghĩa trang của thôn Nam và việc họ sang Lũng Hòa phản đối là không đúng.
Chính quyền xã Lũng Hòa, thị trấn Thổ Tang và UBND huyện Vĩnh Tường đã nhiều lần làm việc với nhau nhưng vẫn chưa thuyết phục được người dân thôn Trúc Lâm. Họ nhất quyết không chịu để cho người dân thôn Nam – Lũng Hòa đưa người mất ra nghĩa trang hung táng.
Ông Lai cho biết thêm, sau nhiều lần xã kiến nghị, UBND huyện Vĩnh Tường cũng đã đưa những phương án là vận động người dân thôn Nam, trước mắt có người mất cứ tiến hành hỏa táng rồi mai táng tại nghĩa trang Cây Si. Còn một biện pháp nữa, UBND xã Lũng Hòa đang đề xuất UBND huyện phê duyệt cho thành lập một nghĩa trang mới cho người dân thôn Nam là ở khu vực giữa cánh đồng của thôn.
Nghĩa trang Nhà Lang được người dân thôn Nam tự bỏ chi phí xây tường bao quanh, đường dẫn vào nghĩa trang còn rất mới. |
Vị trí mà ông Lai đề xuất với UBND huyện Vĩnh Tường làm nghĩa trang mới chính là khu mà ngôi mộ cụ Nguyễn Viết Nhuần được chôn cất. Nếu được thông qua, khu vực đó sẽ là nghĩa trang mới của thôn Nam và chỉ chuyên việc hung táng người đã khuất và khi cải táng lại chuyển về nghĩa trang Cây Si.
Ông Lai cũng thừa nhận việc quy hoạch một nghĩa trang mới hiện tại rất khó, nhất là đảm bảo tiêu chuẩn nghĩa trang. Hơn nữa đó là cánh đồng màu người dân đang canh tác. Mặc dù vậy, UBND huyện Vĩnh Tường đang xem xét để đưa ra phương án tốt nhất và sắp tới sẽ tiến hành họp bàn để tìm ra cách giải quyết triệt để.
Người dân thôn Nam, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường đã làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền để được giải quyết sớm về việc hung táng người đã khuất trong thôn.
Báo Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.