Một doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản được mệnh danh là “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) công bố khoản tiền đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán gần 194 tỷ đồng, bên cạnh khoản tiền gửi dồi dào hơn 1.530 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 2/2020, những cổ phiếu cơ bản tốt mà Vĩnh Hoàn giải ngân bao gồm MWG của Thế giới Di động với số tiền 87 tỷ đồng (trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này là gần 5 tỷ đồng), FPT với 29 tỷ đồng, HPG của Hòa Phát với gần 24 tỷ đồng.
Sau khi chi hàng trăm tỷ đồng để tham gia vào thị trường chứng khoán, Vĩnh Hoàn đã thu được những thành quả nhất định. Cụ thể, cuối quý 3/2020 Vĩnh Hoàn đã ghi nhận khoản lãi hơn 36,6 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh.
Có thể thấy Công ty đã thực hiện chốt lời cổ phiếu MWG trong quý 3/2020. Tại thời điểm cuối quý 2, Vĩnh Hoàn đã mua hơn 87 tỷ đồng đối với cổ phiếu MWG.
Sau khi chốt lời cổ phiếu MWG, Vĩnh Hoàn đã tiến hành mua thêm hơn 38 tỷ đồng cổ phiếu của Vinamilk (VNM) và gia tăng tỷ trọng đối với 2 cổ phiếu của CTCP FPT (FPT) và Hòa Phát (HPG).
Đến cuối quý 4/2020, Công ty đã thực hiện chốt lời toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của mình. Thời điểm 31/12/2020, Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 47,4 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư chứng khoán.
Bên cạnh hoạt động đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp này còn hứng thú với các thương vụ M&A trên thị trường. Gần đây nhất, Vĩnh Hoàn chi ra gần 348 tỷ đồng để mua 49,89% vốn CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) từ SCIC.
Trước đó, năm 2017, Vĩnh Hoàn đã mua lại 100% cổ phần CTCP Thủy sản Thanh Bình Đồng Tháp để tăng năng lực sản xuất. Sau đó, công ty tiếp tục mua lại một nhà máy chế biến để thành lập công ty Vĩnh Phước.
VHC thu lãi khá khi đầu tư chứng khoán năm 2020. |
Không chỉ những ông lớn, một doanh nghiệp nhỏ là Sách Giáo dục tại Thành phố Hà Nội (Haebco, EBS) cũng mạnh tay khi gom gần 18 tỷ đồng cổ phiếu trong thời gian qua, chiếm gần 11% tổng tài sản của Công ty tại thời điểm 30/6.
Nếu như Vĩnh Hoàn đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hoá lớn (bluechips) thì Haebco chủ yếu mua vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhóm ngân hàng, Cụ thể, Haebco đã mua vào 1 triệu cổ phiếu LCG của Licogi 16, gần 367.000 cổ phiếu HDG của Hà Đô.
Hai cổ phiếu ngân hàng nằm trong danh mục là LPB của Ngân hàng Liên Việt và STB của Sacombank. Ngoài ra, danh mục đầu tư của Công ty sách này còn có các cổ phiếu khác như DGC, TCS, LAS, DBC.
Đến hết năm 2020, Haebco chốt lời danh mục cổ phiếu trên sàn chứng khoán của mình và chỉ còn giữ lại 128.100 cổ phiếu TCS. Quý cuối năm cũng chính là thời điểm VN-Index đạt đỉnh trong năm 2020 khi vượt mốc 1.100 điểm. Theo báo cáo, công ty bán sách này có khoản lãi hơn 4 tỷ đồng từ đầu tư cổ phiếu.
Một doanh nghiệp có thâm niên lâu năm trong lĩnh vực đầu tư là CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN). Tham gia vào thị trường với khoảng thời gian khá lâu, nhưng kết quả Nhà Đà Nẵng thu được từ thị trường chứng khoán cũng mấy bứt phá.
Theo lịch sử giao dịch, năm 2016, Công ty lỗ hơn 39 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán, trong bối cảnh chỉ số VN-Index tăng 14,8%. Năm 2017 khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm, đạt hơn 47,8%, thì khoản lợi nhuận Công ty thu được từ đầu tư chứng khoán là hơn 36,1 tỉỷđồng.
Đến năm 2018, khi thị trường chứng khoán lao dốc, Công ty bán toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán và thu về khoản lợi nhuận 8,4 tỷ đồng.
Sau khi tất toán danh mục đầu tư, Nhà Đà Nẵng lại tiếp tục giải ngân nhiều mã thị trường chứng khoán năm 2019, tổng kết năm này Công ty lỗ hơn 8,4 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư chứng khoán.
Trong nửa đầu năm 2020, thị trường chứng khoán chịu tác động mạnh của COVID-19. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chỉ số VN-Index bị đẩy lùi về mốc 652 điểm hồi cuối tháng 3/2020.
Trước những diễn biến của thị trường, trong quý 2/2020 Nhà Đà Nẵng đã tất toán toàn bộ danh mục đầu tư của mình và chịu khoản thua lỗ gần 11,2 tỷ đồng.
Đến thời điểm cuối năm 2020, Công ty đang sở hữu danh mục đầu tư "mới toanh" so với hồi đầu năm. Cụ thể, giá trị cổ phiếu đầu tư của Nhà Đà Nẵng đạt hơn 130,7 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu của CTCP Vinhomes (VHM) và CTCP Dabaco Việt Nam (DBC) là 2 mã cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của Công ty.
Tổng kết cả năm 2020, năm rực rỡ của thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index phục hồi mạnh mẽ từ vùng đáy tháng 3 và bứt phá tiệm cận vùng đỉnh 1.200 điểm thì Công ty thu về khoản lợi nhuận vỏn vẹn hơn 622 triệu đồng từ hoạt động đầu tư chứng khoán.