Liên quan đến vụ việc Vinaphone bị tố móc túi khách hàng, theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, thực tế, từ nhiều năm nay, các nhà mạng di động Việt Nam đã thực hiện xã hội hoá việc cung cấp các dịch vụ nội dung cho thuê bao di động, thông qua việc hợp tác phân chia doanh thu với hàng trăm đối tác.
Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, các nhà mạng không quản lý được hết nội dung dịch vụ do các đối tác cung cấp, hoặc nhà mạng cố tình làm ngơ, dẫn đến việc khách hàng bức xúc vì bị trừ tiền oan và nhiều lý do khác. Khách hàng có quyền nghi ngờ các nhà mạng làm ngơ cho các đối tác “tung hoành” moi tiền khách, bởi khi dịch vụ thu được nhiều tiền hơn thì các nhà mạng cũng được ăn chia lớn hơn.
Vinaphone bị tố tự kích hoạt dịch vụ và trừ tiền khách hàng. |
Bỏ túi tiền ''khủng''!
Hiện mức ăn chia giữa nhà mạng và các công ty nội dung số thông thường là 50 – 50%. Theo một nhân viên thuộc Ban khách hàng cá nhân của Vinaphone, 50 – 50% là mức phân chia lợi nhuận thông thường, còn có một số đầu số, dịch vụ, mức ăn chia là 60% (thuộc về nhà mạng) và 40% (thuộc về công ty nội dung số).
Cả nước hiện nay có hơn 123 triệu thuê bao điện thoại di động, còn số liệu thống kê với Vinaphone đến cuối năm 2014 là nhà mạng này có hơn 26 triệu thuê bao. Vậy, thử làm một phép tính thông thường về lợi nhuận Vinaphone thu được từ dịch vụ VideoClip qua đầu số 7987, như anh V.N.H ở Cầu Giấy – Hà Nội, chủ thuê bao 094xxxxx77 phản ánh tới Kiến Thức tố bị nhà mạng này móc túi, thì sẽ thấy dù mức phí dịch vụ chỉ 2.000 đồng/ngày/thuê bao, song con số lợi nhuận thu về lớn không tưởng.
Giả dụ chỉ có 1 triệu thuê bao di động Vinaphone sử dụng dịch vụ VideoClip trên, tiền phí mất 2.000 đồng/ngày thì mỗi ngày thu được 2 tỷ đồng, một tháng là 60 tỷ đồng. Nếu tỷ lệ ăn chia thông thường giữa nhà mạng và các công ty nội dung số là 50 – 50% thì Vinaphone mỗi tháng sẽ thu được 30 tỷ đồng, mỗi năm là 360 tỷ đồng. Nếu con số thuê bao dùng dịch vụ này từ 2 triệu trở lên thì ôi thôi... không thể tưởng tượng nổi nhà mạng sẽ ăn chia, thu tiền khủng thế nào!
Đó là mới chỉ tính doanh thu từ 1 dịch vụ của một đầu số. Trong khi nhà mạng Vinaphone này có rất nhiều đầu số, tính cả đầu số của nhà mạng và đầu số liên kết với các đối tác. Mỗi đầu số lại cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau và mức phí dịch vụ 2.000 đồng/người/thuê bao hiện được xem là một trong những mức phí rẻ nhất. Vậy chỉ cần tính nhẩm thông thường cũng có thể ước chừng lợi nhuận thu về từ các dịch vụ này là vô cùng lớn, có tới hàng trăm tỷ/tháng?
Dù là đối tác thì Vinaphone vẫn phải chịu trách nhiệm
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, đầu số 7987 không phải của Vinaphone mà của một đơn vị phát triển nội dung (CP) đối tác của Vinaphone. Không chỉ anh V.N.H tố bị nhà mạng móc túi vì tự kích hoạt dịch vụ VideoClip qua đầu số 7987, mà trên một số diễn đàn, nhiều thành viên cũng than phiền mất tiền oan từ một dịch vụ của đầu số này và thắc mắc không hiểu vì sao không thể hủy dịch vụ từ đầu số đó.
“Dù đó có phải là đầu số của Vinaphone hay chỉ là đầu số của đơn vị liên kết thì trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về Vinaphone. Nhà mạng phải quản lý được chất lượng tất cả các dịch vụ cung cấp cho các khách hàng của mình. Đừng có lấy lý do nhiều thế làm sao quản lý hết được, bởi lợi nhuận thu về nhiều thì các ông đâu có kêu. Nếu đơn vị nào làm ăn bát nháo, dùng nhiều “thủ đoạn” để moi tiền khách hàng, thiết nghĩ nhà mạng cần ngừng hợp tác hoặc xử lý mạnh tay”, một độc giả gửi ý kiến đến báo Kiến Thức sau khi đọc bài về vụ việc Vinaphone bị tố tự kích hoạt dịch vụ và trừ tiền khách hàng trên báo.
Đến thời điểm này, anh V.N.H cho biết vẫn chưa hề hủy dịch vụ này và hàng ngày vẫn đều đặn được nhà mạng trừ tiền. "Tôi không đăng ký VideoClip, nên không có trách nhiệm phải hủy dịch vụ. Tôi vẫn đang chờ câu trả lời từ phía nhà mạng tại sao lại để xảy ra tình trạng này", anh H. chia sẻ.
Để tránh bị móc túi oan, người tiêu dùng phải luôn cẩn trọng với những thao tác trên điện thoại, đặc biệt khi sử dụng điện thoại thông minh (smart phone). Có nhiều trường hợp khách hàng bị trừ tiền oan mà không biết vì đâu, khi khiếu kiện thì thường không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ nhà mạng, và khách hàng luôn là người chịu thiệt. Do đó, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước để sớm dẹp “vấn nạn” này.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả vụ việc này.