Sau khi Chính phủ Việt Nam công bố tạm ngưng cấp thị thực (visa) cho tất cả người nước ngoài trong vòng 30 ngày tính từ ngày 18/3, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - HVN (bao gồm Vietnam Airlines và Jetstar Pacific) công bố sẽ tạm ngưng các chuyến bay quốc tế đến ngày 30/4.
Điều này cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng sau khi diễn biến kém tích cực trong 2 tháng đầu năm 2020.
Hiện Vietnam Airlines sở hữu khoảng 100 đường bay, bao gồm 64 đường bay quốc tế. Trong khi đó, Chứngkhoán Bản Việt (VCSC) ước tính khoảng 68% doanh thu từ mảng vận tải hành khách hàng không của Vietnam Airlines trong năm 2019 đến từ các chuyến bay quốc tế.
Đối với CTCP Hàng không Viet Jet (Vietjet, VJC) cũng đang thực hiện cắt giảm số lượng chuyến bay quốc tế. Do đó theo VCSC ước tính, hãng hàng không này hiện chỉ còn vận hành 21 trong số 95 đường bay quốc tế vốn được vận hành trước khi bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, số lượng chuyến bay có thể tiếp tục giảm, đặc biệt là các chuyến bay đến Đài Loan do các lệnh giới hạn đi lại bằng đường hàng không.
Được biết, năm 2019, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt mức 98.177 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 2.325 tỷ đồng. Còn với Vietjet, doanh thu thuần đạt 52.060 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ở mức 4.219 tỷ đồng.
Vietnam Airlines và Vietjet đều chia sẻ hiện đang làm việc với các ngân hàng và các bên cho thuê nhằm giãn tiến độ thanh toán để duy trì thanh khoản.
Được biết, tại thời điểm cuối năm 2019, vay nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines ở mức 6.507 tỷ đồng, còn dài hạn tới 25.428 tỷ đồng.
Vay nợ tài chính ngắn hạn của Vietjet là 8.159 tỷ đồng và dài hạn là 3.664 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất với Chính phủ về việc giảm phí cất cánh và hạ cánh cũng như các phí dịch vụ khác cùng với việc giảm thuế nhập khẩu dầu nhiên liệu máy bay và thuế môi trường nhằm hỗ trợ ngành hàng không.
VCSC cho rằng, việc bùng phát dịch Covid-19 sẽ tác động lớn đến lợi nhuận trong ngắn hạn của cả Vietnam Airlines và Vietjet, đặc biệt là trong quý 1/2020. Tuy nhiên, quý 2/2020 sẽ dần hồi phục.
Trong đó, triển vọng tăng trưởng dài hạn của Vietnam Airline sẽ vẫn được duy trì khi vẫn được hưởng lợi từ vị thế hàng đầu trong ngành hàng không với khoảng 30%-80% thị phần của các tuyến bay trong nước và quốc tế có mức sinh lời cao, bên cạnh hoạt động kinh doanh ngoài hàng không có lợi nhuận cao.
Trong năm 2019, Vietnam Airlines đã giảm giá vé máy bay nhằm cạnh tranh với hãng hàng không mới là Bamboo Airways. Chính điều này dẫn đến lợi suất hành khách giảm 3%. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp có khả năng tiếp tục chịu ảnh hưởng từ chi phí cho thuê và bảo trì máy bay cao hơn.
Theo Vietnam Airlines, hãng hàng không đã bổ sung số lượng tàu bay mới cao kỷ lục là 22 chiếc vào đội tàu bay trong năm 2019. Do đó, chi phí vận hành đội tàu bay trẻ tuổi hơn của Vietnam Airlines được kỳ vọng sẽ được phản ánh toàn bộ trong kết quả kinh doanh năm 2020.
Tuy nhiên, nhìn dài hạn, rủi ro của Vietnam Airlines chính là việc giá dầu phục hồi nhanh hơn dự kiến, đồng VNĐ trượt giá mạnh so với USD và đặc biệt là hạn chế công suất tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) có thể hạn chế tăng trưởng của nhiều công ty ngoài hàng không có lợi nhuận cao của Vietnam Airlines.
Tương tự, VCSC cho rằng bùng phát dịch Covd-19 sẽ có tác động lớn đến lợi nhuận trong ngắn hạn của Vietjet, đặc biệt là trong quý 1/2020 và quý 2/2020 sẽ dần ghi nhận sự phục hồi. Bù lại, sản lượng của Vietjet sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 và 2022.
Về dài hạn, VCSC tin rằng Vietjet sẽ được hưởng lợi từ bùng nổ ngành hàng không của Việt Nam (IATA dự báo lượng hành khách hàng không của Việt Nam sẽ tăng trưởng với CAGR 7% giai đoạn 2015-2035), kế hoạch mở rộng các đường bay quốc tế, năng lực vận hành vượt trội và kiểm soát chi phí ấn tượng.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, Vietjet cũng có thể gặp rủi ro khi thời gian đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến, sự tham gia lớn hơn của các công ty mới trong ngành và tốc độ phục hồi giá dầu thô nhanh hơn dự kiến.
Cụ thể, VCSC dự báo doanh thu hành khách trên mỗi km, thuốc đo sản lượng trong ngành hàng không, sẽ giảm 0,6% trong năm 2020. Mức giảm này chủ yếu đến từ sản lượng các chuyến bay quốc tế giảm 1,3%.
Kéo theo đó, lợi suất hành khách năm 2020 giảm thêm 0,5% từ mức thấp năm 2019 khi cho rằng Vietjet sẽ tiếp tục giữ giá vé máy bay ở mức rẻ nhằm thúc đẩy nhu cầu và đạt công suất tải tương đối cáo trong giai đoạn bùng phát dịch.
Tuy nhiên, khi 1 đối thủ tiềm năng mới là Vinpearl Air đã dừng kế hoạch tham gia thị trường hàng không, VCSC vẫn cho rằng áp lực cạnh tranh trong những năm tới sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đây.
Điểm sáng là tổng lợi nhuận của Vietjet sẽ được hỗ trợ bởi doanh thu bán máy bay. VCSC giả định rằng Vietjet sẽ thực hiện 18 giao dịch bán và cho thuê lại, từ đó, khoản lãi từ các giao dịch bán và cho thuê lại máy bay dự kiến chiếm 68% tổng lợi nhuận của Vietjet trong năm 2020.
Biến động cổ phiếu VJC và HVN trong vòng 3 tháng qua (nguồn VietstockFinance) |
Trong khi đó trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 23/3, cổ phiếu VJC ghi nhận đã lao dốc hơn 32,7% trong vòng 3 tháng qua, xuống mức 95.800 đồng/cổ phiếu.
Không kém cạnh, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines lao dốc tới 45%, xuống mức 18.550 đồng/cổ phiếu.