Theo kế hoạch trình cổ đông, HVN dự kiến tổng doanh thu năm 2021 sẽ đạt 37.364 tỷ đồng và lỗ ròng hợp nhất lên tới 14.526 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 11.178 tỷ đồng của năm 2020.
Trước đó, Vietnam Airlines dự báo lỗ lên tới 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Vietnam Airlines đang có số nợ phải trả quá hạn tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Riêng trong quý 1/2021, Vietnam Airlines đã lỗ ròng gần 5.000 tỷ và đang chậm thanh toán khoảng trên 6.000 tỷ cho các chủ nợ, chưa kể số đã được giãn thời hạn trả. Như vậy, số lỗ của riêng quý 2 có khả năng lên tới trên 5.000 tỷ đồng.
Kịch bản bết bát này là hoàn toàn khả thi. Số lỗ gần 5.000 tỷ đồng của quý 1 được ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát đợt 3 đúng vào đợt cao điểm Tết Tân Sửu, làm sụt giảm nhu cầu thăm thân.
Sang quý 2, dịch tiếp tục bùng phát thêm đợt 4 với số ca nhiễm lớn hơn cả ba đợt trước cộng lại, khiến cho lượng khách đi du lịch nghỉ mát sa sút.
HVN dự lỗ 14.500 tỷ đồng năm nay. |
Ngoài ra cũng trong Đại hội, Vietnam Airlines trình cổ đông phương án phát hành 800 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Số vốn huy động sau đợt phát hành là 8.000 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu HVN theo phương thức chuyển giao quyền mua. Cổ đông được chuyển nhượng quyền mua 1 lần và chỉ được chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân trong nước. Hãng hàng không quốc gia dự kiến hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3 năm nay.
Đây là một phần trong gói hỗ trợ trị giá 12.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã phê duyệt cho Vietnam Airlines trước đó.
Gần đây, Vietnam Airlines cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân SeABank, SHB và MSB với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.