Trong văn bản gửi đi hôm 24-4, Phó tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thanh Sơn đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét phân bổ lại các chuyến bay cho các hãng nội địa. Vietjet Air cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hãng này đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan quản lý và hiện nay, được phân bổ 6 chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội với TPHCM và các đường bay khác khá hạn chế. Tuy nhiên, Vietjet Air lại nhận thấy rằng, đội tàu bay của JPA hiện đang nằm sân, không khai thác và các chuyến bay được cấp phép, mở bán của Jetstar Pacific lại được khai thác bởi đội tàu của Vietnam Airlines.
Các hãng hàng không Việt cạnh tranh dữ dội về quyền được cấp phép bay trong thời dịch Ảnh: Bamboo Airways. |
Do vậy, Vietjet Air đề nghị Cục Hàng không xem xét chấn chỉnh việc Vietnam Airlines vi phạm quy định phân công lịch bay của Cục Hàng không giai đoạn tới 30-4-2020. Cụ thể, thay vì Vietnam Airlines chỉ được bay 6 chuyến khứ hồi thì tháng 4 đã mở bán 8 chuyến khứ hồi giữa Hà Nội- TPHCM trong năm ngày cuối tháng 4.
Vietjet Air cũng yêu cầu cơ quan quản lý xem xét chấn chỉnh việc JPA không đưa đội tàu của mình vào khai thác từ tháng 4-2020 mà các chuyến bay lại được khai thác bởi đội tàu Vietnam Airlines - vốn là hãng đang nắm cổ phần chi phối tại JPA. Hãng Vietjet Air cho rằng như vậy là cạnh tranh không bình đẳng, chuyển nhượng thương quyền không đúng theo Nghị định 89/2019 (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2016/CP quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không).
“Như vậy, việc phân bổ chuyến bay cho Jetstar Pacific nhưng không dùng đến gây lãng phí, cản trở việc đi lại của người dân”, Vietjet Air nhận định và đề nghị thu hồi giấy phép bay của JPA để phân bổ cho các hãng khác.
Sau công văn nói trên của Vietjet Air một ngày, hôm 25-4, Cục Hàng không ra văn bản gửi Vietjet Air, Bamboo Airways và JPA yêu cầu các hãng này chỉ được phép mở bán các chuyến bay đã được cấp phép trong thời điểm này. Đối với những chuyến đã được mở bán không theo phép bay đã cấp, các hãng hàng không phải hoàn trả tiền vé cho khách hàng mà không thu bất cứ khoản tiền nào. Nếu không, Cục Hàng không sẽ thanh tra xử lý việc không đền bù cho khách.
Văn bản hôm 25-4 của Cục hàng không xuất phát từ việc Vietjet Air bị nhiều khách hàng tố cáo vẫn mở bán các chuyến bay trong thời điểm dịch Covid-19 nhưng khi hủy chuyến không thông báo, không trả lại tiền cho khách mà chỉ giữ quyền bảo lưu tiền vé trong tài khoản. Khi đặt chuyến mới, khách có thể phải trả thêm chi phí tùy tình hình lúc đó, nếu giá mới đắt hơn
Trên trang web của mình, Vietjet Air dẫn lại quy định Thông tư 14/2015 của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, hãng được phép miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong các trường hợp hủy chuyến, trong đó có dẫn ra trường hợp hủy chuyến không thể thực hiện hoặc chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các trường hợp bất khả kháng khác.
Nói một cách khác, hiện tại, Vietjet Air chưa thực hiện hoàn tiền cho khách và vẫn mở bán những chuyến bay chưa được cấp phép. Trong khi quy định tạm thời là chỉ có 6 chuyến khứ hồi/ngày trên trục Hà Nội-TPHCM và các đường bay khác mỗi chuyến/ngày.
Quay trở lại trường hợp các chuyến bay của JPA do Vietnam Airlines khai thác. Theo thông báo của Vietnam Airlines hôm 16-4 thì hãng này cùng JPA thực hiện các chuyến bay liên danh. Tức là hành khách mua vé của Vietnam Airlines nhưng bay trên một số chuyến bay do JPA khai thác, chứ không phải như văn bản của Vietjet Air là dùng tàu của Vietnam Airlines.
JPA là công ty con mà Vietnam Airlines chiếm 68,85% vốn và đang trong quá trình tái cơ cấu để chuyển hầu hết 98% vốn về cho Vietnam Airlines sở hữu khi Qantas và Vietnam Airlines đang đàm phán những bước cuối cùng.
Vietnam Airlines và JPA đã bắt đầu hình thức “code share” cho thương hiệu kép từ hai năm nay. Mô hình hoạt động của JPA sau tái cơ cấu đang được bàn đến là tiếp tục là công ty con của Vietnam Airlines, chịu sự chi phối hoàn toàn của công ty mẹ và thực hiện các chuyến bay do công ty mẹ chỉ định.