Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) ghi nhận doanh thu thuần lao dốc 79% từ hơn 13.577 tỷ về còn hơn 2.809 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn chiếm tới 3.421 tỷ đồng (tăng 70%) nên giá vốn âm tới 612 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp 2.060 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng ghi âm 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 200 tỷ đồng. Cộng thêm khoản lỗ 28 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 3 tỷ) từ liên doanh liên kết và 3 tỷ từ hoạt động khác khiến lợi nhuận sau thuế của Vietjet âm 971 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 1.700 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của Vietjet |
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm mạnh 64% về còn 13.779 tỷ đồng. Đồng thời, Vietjet cũng lỗ ròng 925 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 3.681 tỷ đồng.
Năm 2020, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu thuần 36.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng. Như vậy, 3 tháng còn lại của năm, Vietjet sẽ rất khó khăn để đạt được kế hoạch đề ra là có lãi?
Nói về kết quả thua lỗ, Vietjet cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên ngành hàng không toàn cầu và là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm về nhu cầu đi lại giữa các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không ngoại lệ.
Sau khi được phép bay trở lại, Vietjet đã vận chuyển được hơn 3 triệu lượt khách trong quý 3/2020 và tích luỹ vận chuyển hơn 10 triệu khách trong 9 tháng đầu năm 2020.
Vietjet đã mở mới thêm 8 đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, đưa tổng đường bay nội địa lên 52 đường bay. Tần suất khai thác của Vietjet trong tháng 7 đạt 300 chuyến/ngày, tăng 27% so cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đại dịch lần 2 vào cuối tháng 7 đã ảnh hưởng kết quả kinh doanh quý 3, trong đó số chuyến bay nội địa giảm 35% xuống 15 nghìn chuyến bay, tổng số chuyến bay trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt gần 60 nghìn chuyến.
Đồng thời, Vietjet cũng tổ chức được gần 250 chuyến bay quốc tế, chuyên chở hành khách và vận chuyển hàng hoá về nước. Do đó, lỗ 9 tháng chỉ hơn 925 tỷ là số lỗ thấp hơn so với dự kiến của Vietjet.
Trong kỳ, Vietjet đã triển khai thực hiện các giải pháp kinh doanh mới như bắt đầu dịch vụ tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không Nôi Bài, tăng cường chuyến bay hàng hoá, doanh thu phụ ... Vietjet cũng đang nộp hồ sơ tại Ngân hàng Nhà nước xin thủ tục ví điện tử.
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của Vietjet giảm nhẹ hơn 7% về mức 45.304 tỷ đồng. Trong đó phải thu dài hạn chiếm tới 15.501 tỷ đồng, tăng gần 8%; phải thu ngắn hạn cũng tăng gần 14% lên 18.907 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương cũng như đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh 58% xuống còn hơn 2.718 tỷ đồng. Do đó, Vietjet phải dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tới 575 tỷ đồng.
Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt chiếm 8.716 tỷ đồng và 1.712 tỷ đồng.