Vietcombank có thể lãi 44,6 nghìn tỷ năm 2023 nhưng nợ xấu tăng

(Vietnamdaily) - Sức khỏe tài chính của tệp khách hàng mà Vietcombank đang quản lý đều có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những biến động của thị trường. Theo đó, chất lượng tài sản của Vietcombank vẫn cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.

SSI Research vừa công bố báo cáo phân tích Vietcombank (HoSE: VCB) với nhận định thận trọng trong hoạt động cho vay và quản lý rủi ro chặt chẽ sẽ là một lợi thế trong 2023.

Dự kiến sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu mới với tỷ lệ 6,5%

Năm 2023, Ban lãnh đạo Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng LNTT dự kiến đạt ít nhất 12%.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại ở mức 13% trong năm 2023 do Vietcombank lựa chọn ưu tiên chất lượng hơn tăng trưởng. Các khoản giải ngân cho vay mới sẽ được phân bổ đồng đều hơn giữa khách hàng bán buôn và bán lẻ. Xét về cơ cấu ngành, các ngành như sản xuất, chế biến, điện tử, khu công nghiệp, sẽ là các ngành được ưu tiên giải ngân hơn. Trong khi đó, ngành thủy sản, chăn nuôi và bất động sản sẽ cần được cân nhắc cẩn trọng hơn.

Vietcombank dự kiến tăng trưởng cho vay bán lẻ dưới 20% trong năm 2023, trong đó cho vay kinh doanh hộ gia đình sẽ là động lực chính. Để hỗ trợ mức tăng trưởng này, tiền gửi dự kiến sẽ tăng 9%.

Biên lãi ròng (NIM) Vietcombank ổn định nhờ tối ưu hóa cơ cấu tài sản. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) có khả năng mở rộng từ mức hiện tại là 75%.

Ngoài ra, Vietcombank kỳ vọng tiền gửi sẽ tăng dần trong vài tháng đầu năm và sau đó tăng nhanh vào cuối năm. Điều này sẽ giảm thiểu tác động của việc gia tăng lãi suất tiền gửi đối với chi phí vốn tổng thể. Lãi suất cho vay sẽ được định giá lại sau khi lãi suất huy động thay đổi. Gói ưu đãi giảm 50 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện tại đến hết tháng 4/2023 ước tính sẽ tác động đến thu nhập lãi ròng gần 700 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí tín dụng trong khoảng 0,8%-0,9%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%; và tỷ lệ dự phòng trong khoảng 150%- 200%, bao gồm khoản hoàn nhập dự phòng liên ngân hàng dự kiến trong năm 2023.

Thu nhập ròng ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank dự kiến tăng từ 22% trong năm 2022 lên 35% trong 5 năm tới. Mô hình bancassurance sẽ thay đổi từ mô hình giới thiệu sang mô hình trực tiếp trong năm 2023. Do đó, mức tăng trưởng hoa hồng dự kiến là 60% so với cùng kỳ trong năm 2023 và Vietcombank kỳ vọng sẽ giành được vị trí số 1 về thị phần phí bảo hiểm năm đầu tiên (FYP) vào năm 2025 (từ vị trí thứ 5 trong năm 2022).

Kế hoạch tăng vốn được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2024. Hệ số an toàn vốn (CAR) lý tưởng được đặt ở mức 11%. Do đó, Vietcombank dự kiến sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu mới với tỷ lệ 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện.

Vietcombank co the lai 44,6 nghin ty nam 2023 nhung no xau tang
 

Ít bị ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp

Nhận định về Vietcombank trong năm 2023, SSI Research cho rằng nhà băng này ít bị ảnh hưởng bởi những thách thức trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp nói chung, đặc biệt liên quan đến Novaland. Do quan điểm cho vay chặt chẽ hơn, các khoản cho vay đối với ngành bất động sản thấp (4% chủ đầu tư và 25% cho vay mua nhà) có thể có mức độ rủi ro thấp hơn tương đối so với các ngân hàng TMCP tư nhân.

Bên cạnh đó, bộ đệm tín dụng tốt và khả năng hoàn nhập dự phòng là những động lực chính giúp lợi nhuận của Vietcombank có thể vượt trội hơn.

Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của tệp khách hàng mà Vietcombank đang quản lý, bao gồm cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, đều có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những biến động hiện tại của thị trường. Theo đó, chất lượng tài sản của Vietcombank vẫn cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.

Mặc dù chất lượng tài sản của toàn ngành suy giảm trong quý 4/2022, nhưng có thể thấy Vietcombank đã đi ngược xu hướng. Ngân hàng đã xóa 3,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu (0,28% tổng dư nợ) trong quý, nhưng không phải trích lập dự phòng bổ sung. Thay vào đó, Vietcombank đã hoàn nhập dự phòng 8 nghìn tỷ đồng nhờ thu hồi các khoản nợ khó đòi trong quý.

Theo đó, tổng số dư dự phòng giảm xuống còn 24,8 nghìn tỷ đồng, trong đó 16,3 nghìn tỷ đồng là số dư dự phòng cụ thể. Tuy nhiên, mức này vẫn lớn hơn nhiều so với tổng số dư của (i) khoản vay tái cơ cấu Covid-19 khoảng 1 nghìn tỷ đồng (0,09% tổng dư nợ), (ii) nợ xấu khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (0,68% tổng dư nợ, giảm 13% so với quý trước) và (iii) nợ Nhóm 2 khoảng 4 nghìn tỷ đồng (0,36% tổng dư nợ, đi ngang so với quý trước).

Tuy nhiên, so với thời điểm cuối 2021, nợ xấu vẫn tăng 27,6% so với cùng kỳ chủ yếu xuất phát từ nhóm khách hàng doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu của các phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân lần lượt là 1%, 0,6% và 0,4%.

Tỷ lệ nợ xấu trong cho vay mua nhà vẫn ở mức thấp là 0,3% nhưng có thể tăng trong thời gian tới do thu nhập của người mua nhà có thể giảm. Trong năm 2022, cho vay mua nhà chiếm 55% tổng dư nợ cho vay bán lẻ của Vietcombank. Trong đó, 60% là các khoản cho vay mua nhà đã hoàn thiện, 20% là cho vay các dự án đang xây dựng, còn lại là cho vay các nhóm khác (trong đó có cho vay với mục đích sửa chữa nhà).

SSI Research cũng cần lưu ý rằng Vietcombank đã trích lập 9,9 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cho một ngân hàng yếu kém trong kỳ. Điều này cũng tương tự như trong quý 4/2021 khi ngân hàng trích lập dự phòng 3 nghìn tỷ đồng cho khoản vay liên ngân hàng, sau đó đã được hoàn nhập trong quý 1/2022. Do đó, SSI Research cho rằng (một phần) khoản 9,9 nghìn tỷ đồng này có thể sẽ được hoàn nhập trong năm 2023.

Có thể lãi 44,6 nghìn tỷ nhưng nợ xấu tăng

Với những nhận định đó, SSI Research dự báo Vietcombank có thể đạt 44,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, tăng 19,4% so với cùng kỳ.

Đi kèm với đó là giả định tăng trưởng tín dụng chỉ 13% và tăng trưởng tiền gửi vẫn duy trì 10%.

SSI Research cho rằng Vietcombank sẽ lựa chọn ưu tiên chất lượng hơn tăng trưởng trong năm 2023. Điển hình trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đi ngang.

Lãi suất cho vay tại Vietcombank có tính cạnh tranh và ngân hàng có thể tăng lãi suất cho vay tương ứng với lãi suất huy động. Tuy nhiên, SSI Research giả định Vietcombank sẽ có các gói ưu đãi dành cho khách hàng. Trong nửa cuối 2023, ngân hàng sẽ tiếp tục có các gói ưu đãi lãi suất cho khách hàng với tác động tương tự như gói ưu đãi sẽ kết thúc vào tháng 4/2023. NIM của Vietcombank dự kiến sẽ giảm 17 điểm cơ bản trong năm 2023, vào khoảng 3,23%. 

Về tỷ lệ nợ xấu (NPL), SSI Research cho rằng rủi ro tín dụng trong ngành sẽ có ảnh hưởng nhất định đến Vietcombank, đặc biệt là ở dư nợ cho vay bán lẻ. Bất chấp vị thế của Vietcombank so với các ngân hàng khác, SSI Research vẫn cho rằng nợ xấu có thể sẽ tăng mạnh từ 0,68% của đầu kỳ lên 1,30%. 

SSI Research giả định rằng kế hoạch phát hành riêng lẻ của Vietcombank sẽ có những tiến triển nhất định vào cuối năm 2023/đầu năm 2024. Theo đó, kỳ vọng ngân hàng sẽ có thể tăng vốn thêm khoảng 1 tỷ USD (dựa theo mức giá thị trường hiện tại).

Vietcombank: Lãi trước thuế tăng 39%, năm 2023 nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém

(Vietnamdaily) - Trong năm 2023, một trong sáu trọng tâm mà Vietcombank sẽ tập trung là triển khai đúng tiến độ đối với phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém. 

Ngày 9/1/2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) tổ chức Hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023.

Theo lãnh đạo VCB, năm 2022, ngân hàng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, huy động vốn được điều hành phù hợp với với tăng trưởng tín dụng; cơ cấu huy động vốn, tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng.

Cụ thể, huy động vốn thị trường 1 đạt khoảng 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Tỷ trọng hy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021; Huy động vốn bán buôn tăng trưởng 10,4%; Huy động vốn bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021; tín dụng tăng trưởng vượt mốc khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao.

Vietcombank, BIDV và VietinBank được hưởng lợi từ Thông tư 26?

(Vietnamdaily) - VNDirect cho rằng các NHTM quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank sẽ được hưởng lợi từ Thông tư 26/2022 mới.

Ngày 31/12/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 26/2022 (TT 22/2019 sửa đổi) nhằm điều chỉnh cách tính tỷ lệ cho vay/huy động vốn (LDR) tại các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, Thông tư 26/2022 mới vẫn giữ nguyên cách tính tổng cho vay và quy định trần tỷ lệ LDR duy trì ở mức 85%. 

Tin mới

LynkiD được vinh danh giải vàng Make In Vietnam

LynkiD được vinh danh giải vàng Make In Vietnam

(Vietnamdaily) - Ngày 15/01/2025, giải thưởng Make In Vietnam 2024 đã chính thức gọi tên LynkiD – Nền tảng tích điểm đổi trải nghiệm cho giải Vàng “Sản phẩm công nghệ tiềm năng” và Top 10 sản phẩm công nghệ số.