Theo đó, VietABank dự kiến phát hành hơn 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:43 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Mức giá này dựa trên giá trị sổ sách của VietABank tại thời điểm cuối năm 2018 là 12.099 đồng/cổ phiếu.
Thời gian phát hành sẽ do HĐQT VietABank quyết định sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
VietABank sắp tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng |
Về tình hình kinh doanh trong năm 2019, VietABank là ngân hàng duy nhất suy giảm ở khoản mục chính của các nhà băng là thu nhập lãi thuần với hơn 8% xuống mức 1.019 tỷ đồng.
Thêm vào đó, hoạt động dịch vụ của VietABank cũng lỗ thuần thêm 13 tỷ đồng, cao gần gấp đôi mức lỗ của năm trước. Mua bán chứng khoán đầu tư cũng suy giảm 20% xuống còn hơn 2 tỷ đồng.
Đổi lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối đã thoát lỗ từ 978 triệu sang có lãi gần 10 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi thuần từ hoạt động khác đột biến tới 221 tỷ đồng, tương ứng tăng vọt 208%.
Do đó, dù chi phí hoạt động ngốn hơn 601 tỷ đồng (tăng gần 7%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 338 tỷ (giảm 27%) nhưng VietABank vẫn lãi ròng 244 tỷ đồng, tăng mạnh 106% so với năm 2018.
Năm 2019, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 281 tỷ đồng, như vậy với kết quả 302 tỷ đồng thì nhà băng này đã vượt 8% chỉ tiêu đề ra.
Tài sản của VietABank tại thời điểm cuối năm 2019 tăng nhẹ hơn 7% lên mức 76.474 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng khả quan 12,42% khi đạt 42.625 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng cũng tăng 14,65% với 47.428 tỷ đồng.
Việt Á không công bố đầy đủ phần thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ tình hình nợ xấu cũng như cơ cấu cổ đông của nhà băng này như thế nào.
Còn theo dữ liệu năm 2010, cổ đông lớn của VietABank là Văn phòng Thành ủy TP HCM với 12% và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn 6,75%.