Những đồi chè trên tiên cảnh
Chỉ cách thị trấn Bắc Yên chừng 15km, nhưng Tà Xùa có khí hậu rất khác biệt. Chính khí hậu lạnh và những dãy núi xếp lớp nơi đây đã khiến con đường đến xã Tà Xùa từ thị trấn Bắc Yên như đường lên “tiên cảnh”. Ở Tà Xùa có 3 đỉnh núi hợp thành một kỳ quan hùng vĩ trông tựa như sống lưng khủng long thời tiền sử.
Chúng tôi đã phải đi qua rất nhiều những tầng mây mù của trời cuối đông, chân tay cước đi vì lạnh. Nhưng gặp ngày đẹp trời thì dọc quãng đường ấy, sương tụ thành từng “biển mây” mênh mông trải dài khắp các thung lũng, bồng bềnh rất đẹp. Cứ chui qua một quãng mù mịt như thế lại thấy một biển mây ở phía sau lưng mình.
Những đồi chè trên đỉnh mây ở Tà Xùa. |
Đi qua chừng 5-6 tầng mây như vậy thì lên đến đỉnh trời Tà Xùa. Cũng bởi thời tiết quanh năm mây phủ mà Tà Xùa được biết đến là một điểm săn mây thú vị không thể thiếu trên bản đồ phượt của giới trẻ.
Nhưng Tà Xùa không chỉ có mây mà một thứ đặc sản khác hấp dẫn bao người ấy chính là những gốc chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Mùa A Khư (SN 1982), người Mông bản địa và cũng là một cán bộ Tư pháp – Hộ tịch ở xã Tà Xùa kể với chúng tôi rằng, bố anh năm nay đã 94 tuổi, còn minh mẫn, thường nói với con cháu rằng, từ ngày cụ còn bé tí, cây chè đã cao quá đầu người. Nhiều gốc chè xù xì, mốc trắng, to đến vài người ôm.
Bố của cụ (tức là ông nội của A Khư – PV) cũng từng không nhớ nổi cây chè có từ bao giờ vì lớn lên đã thấy cây chè “sừng sững” như một biểu tượng của quê hương mình. Cũng vì cây chè mà người Mông gắn bó và ở lại với mảnh đất này.
“Nếu căn cứ vào những gì mà ông nội và bố tôi truyền lại, tôi nghĩ cây chè ở nơi đây không dưới 300 năm tuổi. Nó không chỉ giúp nâng cao đời sống mà còn là biểu tượng cho sự sống lâu bền của người Mông, đặc biệt, cây chè còn có thể chữa nhiều bệnh”, A Khư nói.
A Khư thường mang nước, chè lên đỉnh núi và "thưởng trà" một cách ung dung, tự tại. |
Theo như lời kể của A Khư, bố mẹ, ông bà A Khư gìn giữ cây chè như báu vật. Mỗi năm có 3 vụ hái chè, một vụ thu hoạch kéo dài chừng nửa tháng. Chưa có nhà khoa học nào về đây xác định chính xác tuổi của chè, nhưng từ ông nội, đến bố đẻ và đến A Khư, con A Khư bây giờ, lớn lên đã thấy cây chè.
“Bố tôi kể rằng, khi còn sống, ông nội tôi cũng không biết cây chè có từ bao giờ. Rồi ông nội tôi già đi, bố tôi cũng dần già đi nhưng cây chè thì chỉ mốc trắng gốc và xù xì hơn chứ không thôi xanh tốt. Người dân gọi là cây chè cổ thụ, chè tiên cảnh”, A Khư hào hứng nói.
Bây giờ, người dưới xuôi lên Tà Xùa ngày một đông, nhất là dịp cuối tuần. Từ khoảng tháng Chín năm trước đến cuối tháng Ba năm sau, họ lên đây để “săn mây” hoặc đơn giản rời phố thị đến vùng đất không khói bụi để làm mới bản thân mình. Mỗi lần có khách lên, A Khư không ngại dẫn khách lên đồi chè nhà mình.
Theo lời A Khư, ở Tà Xùa hiện tại còn khoảng 400-500 gốc chè cổ thụ, tập trung ở 2 bản Mống Vàng và bản Bẹ. Riêng gia đình A Khư sở hữu khoảng 80 gốc, trong đó có nhiều cây cổ thụ. A Khư tự hào về cây chè quê mình đến mức, cặm cụi mở một con đường nhỏ từ 5 năm trước xuyên qua núi, đưa khách “đăng sơn thưởng trà” mà không thu bất cứ khoản phí nào. Con đường sắp hoàn thành và theo A Khư thì đây là một trong những điểm ngắm mây đẹp nhất ở Tà Xùa.
“Trên ngọn núi cao chót vót, gió lộng, mây trời vần vũ, núi hoang vu, mỗi lúc bình minh hay hoàng hôn xuống, mặt trời thu nguồn ánh sáng, như sà sát vào mặt người. Trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ ấy, một ấm chè nóng, thơm do tự tay vợ mình sao, có công sức của mình đã hái... cảm giác ấy rất tuyệt vời. Tôi yêu cái khoáng đạt ở quê mình, không bon chen, đố kỵ, người Mông nơi đây sống hòa thuận và đùm bọc lẫn nhau”, A Khư chia sẻ.
Những ấm chè nóng hổi, hương vị thanh, ngọt đặc trưng không đâu có được. |
Kỷ niệm đi bộ 40km “bắt” vợ
Bên cạnh A Khư luôn là người vợ hiền, xinh đẹp, lặng lẽ mỉm cười trong tất cả những câu chuyện giữa A Khư với khách như bao người phụ nữ Mông khác, và để có được sản phẩm chè độc đáo ra thị trường vai trò người phụ nữ Mông là hết sức quan trọng.
Qua trò chuyện với A Khư được biết, người Mông ở Tà Xùa có một bí quyết sao chè độc đáo, tạo nên hương vị chè riêng, sánh vàng mà không chát, không đắng. Uống ngụm chè qua cuống họng thấy ngay vị thanh, ngọt đậm đà. Một phần bởi những búp chè được ngậm sương quanh năm, không cần chăm bón bằng bất cứ thứ gì, hoàn toàn sinh trưởng tự nhiên nên càng quý.
Thêm vào nữa, việc sao chè thường do phụ nữ làm, đã bao đời nay như vậy nên đến bây giờ vẫn thế. Bí quyết sao chè chỉ được truyền cho con gái trong nhà, mẹ chồng truyền lại cho con dâu chứ không phải là con trai của mình. Đó là một điều khác biệt và cũng tạo nên sự khác biệt của cây chè nơi đây.
Nói về vợ, A Khư không giấu được niềm tự hào, bởi cô vợ “phải đi bộ một ngày, một đêm đường rừng mới “bắt” về được”. Chuyện “bắt” được vợ của A Khư từng khiến nhiều người nể phục, xôn xao dư luận trong vùng.
Ngày đó, A Khư đi chơi ở bản xa nhất của xã Hồng Ngài phía ngọn núi cao trước mặt nhà mình. Nếu theo đường chim bay thì từ nhà A Khư đến nhà vợ bây giờ chỉ chừng 10km. Nhưng đi theo đường rừng núi thì phải gần 40km. Không có phương tiện nên khi gặp cô gái xinh đẹp, hai người trò chuyện thấy hợp nhau rồi cứ thế, cô gái nắm tay theo A Khư về tận Tà Xùa. Hai người đi bộ suốt một ngày một đêm mới về đến nhà.
Theo tục lệ của người Mông nơi đây, ngay khi kéo được cô gái đồng ý về làm vợ, A Khư nhờ 2 người lớn trong gia đình sang nhà vợ để thông báo và hỏi thủ tục xin cưới. Nếu không, sau một ngày con gái “mất tích”, gia đình sẽ đi tìm và thông báo với cơ quan chức năng.
“Hồi ấy tôi không nhiều tiền, ăn nói cũng không có duyên, nhưng chẳng hiểu sao vợ lại đồng ý theo tôi về nhà với quãng đường xa như vậy. Ai cũng ngạc nhiên khi biết tôi đi bộ “bắt” được vợ trong một ngày. Vậy mà như duyên trời định, hai vợ chồng sinh sống hạnh phúc cho đến bây giờ”, A Khư vui vẻ nói.
Câu chuyện về những gốc chè cổ thụ và người vợ “bắt” được sau một ngày đi bộ khiến thời gian trôi nhanh hơn. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã trải qua 2 ngày khám phá vùng “đất thuốc” của người Mông ở đỉnh trời Tây Bắc.
Theo kinh nghiệm của A Khư, khoảng 10 ngày nữa, thời điểm giữa tháng Ba chính là lúc cây chè cho búp đến độ nhất, thích hợp để thu hoạch. Người hái chè phải lưu ý không hái chè sau 9h sáng và trước 3h chiều, bởi khi ấy có ánh nắng gắt, chè sẽ dễ bị hỏng sau khi hái.
Những lá chè bình thường khi sao lên, bán với giá chừng 1 triệu đồng/kg. Nhưng riêng với những búp non (người Mông gọi là tôm chè – PV) thì giá có thể gấp đôi hoặc hơn thế nữa. Ngoài thức uống, người Mông thường dùng cây chè để chữa bệnh. Họ quan niệm rằng, uống chè thường xuyên mỗi ngày sẽ tăng sức đề kháng, giúp con người sảng khoái, khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật.
Khi mắc một số bệnh như thủy đậu, sốt nhẹ có thể lấy lá chè đun lên làm nước lau người, bệnh sẽ khỏi mà không cần dùng thuốc kháng sinh. Tôm chè sau khi chế biến vẫn còn một lớp lông tơ trắng gọi là tuyết chứa các vi chất rất có lợi cho sức khỏe. Đặc điểm này tạo nên thương hiệu chè Shan Tuyết trên đỉnh Tà Xùa hấp dẫn bao người.