Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, hút Shisha không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà nó còn có khả năng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm trong đó có căn bệnh ung thư. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Mỹ cho thấy, trong một lượt hút shisha kéo dài 1 giờ, một người có thể sẽ hít nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút một điếu thuốc lá. Trước đó, vào năm 2005, một nghiên cứu khác của tổ chức này cũng đã chứng minh, người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi cao gấp 5 lần người không hút.
Một nghiên cứu mới nhất của Anh tiết lộ, hút shisha sản sinh ra lượng khói độc CO cao hơn thuốc lá. Ngoài ra, theo các bác sĩ chuyên khoa về hô hấp, thì với đối tượng học sinh, sinh viên, khi hút trực tiếp shisha thì vẫn “nạp” vào cơ thể mình một lượng nicotine, mà được hút trực tiếp vào phổi sẽ khiến cơ thể bị tác động xấu tới hệ hô hấp, hệ thần kinh. Nguy hiểm hơn, những thành phần trong shisha như hương liệu, trái cây xay nhuyễn... thường có nguồn gốc không rõ ràng, chứa nhiều nguy cơ gây ngộ độc cấp cho người sử dụng. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, khả năng gây nghiện của shisha cao không kém ma túy.
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Ở Việt Nam, shisha mới được du nhập vào chưa lâu, và thật sự mới trở thành “trào lưu” trong giới trẻ cách đây một vài năm. Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học về loại thuốc này vẫn chưa nhiều. Liên hệ với ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam thì được biết: “Loại thuốc này mới xuất hiện ở Việt Nam với những tên gọi như shisha hay thuốc lào Ả Rập, nên bên Hội hiện vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu sâu về tác hại hại của loại thuốc này”.
Cùng quan điểm trên, thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Huyền Nga (Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội) khi trao đổi với Kiến thức cho biết, thành phần chính thức của shisha thì chưa có đề tài nào nghiên cứu và phân tích sâu. Tuy nhiên, đây là loại thực vật mà thành phần trong lá, rễ có chứa nicotin như thuốc lá, thuốc lào, đồng thời còn chứa các chất gây nghiện khác nên nó sẽ gây hại đối với sức khỏe khi sử dụng.
Ngoài ra, loại thuốc này nhập về Việt Nam rất đắt nên khi đưa ra thị trường thường chúng được trộn thêm rất nhiều thứ khác để tăng sự hấp dẫn và giảm giá thành, điều đó gây nhiều hiểm họa cho sức khỏe người sử dụng, như dị ứng, ngộ độc. Loại thuốc này dùng lâu ngày sẽ gây ảo giác, gây rối loạn hành vi, không kiểm soat được.
Còn thạc sĩ, Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng chuẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng – Hội Đông y Thành phố Hà Nội) cho biết, đây thực chất là một loại thuốc gây nghiện đối với người sử dụng, loại thuốc này có thể gây ra ảo giác khi dùng tuy nhiên nó không quá nặng như heroin. Đặc biệt, khi dùng nhiều, người sử dụng sẽ phải phụ thuộc vào nó và lâu dần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, từ đó gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Không những thế, sau một thời gian hít loại thuốc này, phần lớn các “con nghiện” đều rơi vào cảm giác mơ ảo và lệ thuộc về mặt tinh thần, trầm cảm, sống không thực tế, không mục đích. Từ đó sinh ra tiêu cực trong suy nghĩ và dễ tự tử khi thất vọng hoặc chán nản.
Theo lời khuyên của lương y Trung, tốt nhất là mọi người nên tránh xa những loại thuốc này, vì nói đến những loại thuốc hút, hít nghe đã thấy phản cảm chứ chưa kể đến việc sử dụng. Đồng thời, cơ quan quản lý cùng phải quản lý chặt trẽ hơn nữa để kiểm soát loại thuốc gây hại cho sức khỏe này.
Đồng quan điểm với lương y Vũ Quốc Trung, dược sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dược liệu Việt Nam) trong một trả lời gần đây cũng cho biết, thành phần chính của shisha khi đã thành phẩm bao gồm mật ong và thảo dược nhưng là thảo dược gây nghiện chứ không phải loại đơn thuần như nhiều người lầm tưởng. Điều nguy hại hơn ở chỗ khi được bán tràn lan trôi nổi trên thị trường thì shisha đã không còn được nguyên chất mà bị pha lẫn với tạp chất độc hại khác. Cũng theo dược sĩ Tiến, khi hút nhiều khói thuốc shisha như thế thì người sử dụng hít phải lượng khí CO có độc tính cao gấp 4-5 lần điếu thuốc lá, nếu vượt ngưỡng có thể gây tình trạng sốc thuốc nhẹ thì dẫn đến bất tỉnh, nặng sẽ gây… bại não!
Đối với các loại Shisha chế thêm rượu hoặc các loại ma túy khác thì độ nguy hiểm sẽ càng tăng lên. Bởi, khi rượu được chế vào shisha có thể gây dị ứng cho người hút, dẫn đến các triệu chứng như rát cổ, tê họng, bỏng… Thậm chí, nếu sử dụng phải rượu giả hoặc rượu không thích hợp, người hút còn có thể bị shock, ngạt thở, trụy tim, suy hô hấp, nếu không được cấp cứu kịp thời còn có thể bị tử vong. Nguy hiểm hơn, việc sử dụng shisha có chứa ma túy sẽ dẫn đến tình trạng nghiện từ nhẹ tới nặng, gây ảo giác liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ, tương tự như tác hại của hiện tượng "phê" ma túy.
Trước những cảnh báo về tác hại của loại thuốc này, Kiến Thức đã liên hệ tới các cơ quan chức năng, tuy nhiên, đại đa số đều cho rằng, đây là loại thuốc chưa bị cấm nhập khẩu, chưa bị cấm lưu hành nên khó có thể xử lý khi phát hiện, trừ khi phát hiện họ “chế” thêm các chất ma túy khác vào hút cùng.
Trả lời báo điện tử Kiến thức, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Trách nhiệm cấm lưu hành bất cứ loại thuốc nào là do Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) ra quyết định và chúng tôi chỉ là người tiến hành kiểm tra”. Theo ông Cường: “Không chỉ loại thuốc này, mà bất cứ loại thuốc nào nếu Bộ Y tế đã cấm sử dụng, mà ngoài thị trường vẫn lưu hành thì chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, tước giấy phép kinh doanh”.
Trả lời phỏng vấn báo chí, trung tá Trần Thanh Sơn, đội trưởng đội CSĐT tội phạm về ma túy quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết: “Hiện có hơn 200 loại ma túy bị cấm. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện đã được thay đổi hình dáng, màu sắc để trốn tránh pháp luật. Đối với Shisha, hiện chưa có trong danh mục thuốc cấm lưu hành. Tuy nhiên, chiếc bình hút shisha có hình dáng giống như chiếc bình dùng để hút đập đá (hàng đá), một loại ma túy tổng hợp bị cấm. Nếu phát hiện người nào sử dụng các loại ma túy tổng hợp cùng với shisha thì vẫn tịch thu và xử phạt”.