Tại cuộc họp về kết quả công tác Quý III và nhiệm vụ Quý IV của Tổng cục Thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, ông Trần Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2 cho biết, về án kinh tế, tham nhũng, trong 9 tháng đầu năm, các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 24 nghìn tỷ đồng/gần 34 nghìn tỷ đồng có điều kiện.
Trong đó, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo, các đơn vị đã thi hành xong 1.600 tỷ đồng trong số gần 34.000 tỷ đồng có điều kiện.
Nói về nguyên nhân lượng tiền thi hành đối với các vụ án này còn chưa cao, ông Dũng cho rằng đây là các vụ án có giá trị lớn, nhiều tài sản còn vướng mắc về quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý như vụ Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Phan Văn Anh Vũ…
Việc thu hồi tài sản đại án Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Phan Văn Anh Vũ… chưa cao được lý giải do đây là các vụ án có giá trị lớn, nhiều tài sản còn vướng mắc về quyền sở hữu nên khó kê biên, xử lý. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, thu hồi tài sản do phạm tội mà có ở Việt Nam hiện nay là câu chuyện khá phức tạp, khó khăn. Với tội phạm tham nhũng kinh tế lớn gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước và xã hội, song việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
Luật sư Cường cho rằng, trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, ngoài việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội tham nhũng, mục tiêu thứ hai mà Đảng và Nhà nước đặt ra là thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, hiện nay kết quả việc thu hồi tài sản tham nhũng lại khá khiêm tốn.
Theo kết quả báo cáo công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, công tác thu hồi tài sản từ các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn mặc dù còn hạn chế nhưng đang có xu hướng chuyển biến tích cực, hiệu quả trong việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có ngày càng được nâng cao.
Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nội dung Chỉ thị trên chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại cũng như phương hướng để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, xuất phát từ những nguyên nhân, tồn tại thực tế.
Cụ thể, việc sử dụng tiền mặt trong lưu thông còn khá lớn dẫn đến việc các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi tham nhũng và dễ dàng cất giấu tài sản tham nhũng. Việc truy tìm tài sản tham nhũng là tiền mặt là rất khó khăn bởi việc chuyển giao cũng không có dấu vết, việc cất giấu lại càng dễ dàng nên với những tài sản tham nhũng là tiền mặt hoặc đã được chuyển hóa thành tiền mặt thì rất khó phát hiện và thu giữ.
Việc quản lý các tài khoản ngân hàng hiện nay còn lỏng lẻo, việc mở các tài khoản ngân hàng cũng như chuyển tiền ra nước ngoài còn dễ dàng nên các đối tượng thực hiện tội phạm tham nhũng dễ dàng sử dụng tài khoản mang tên người khác để nhận tiền tham nhũng và cũng từ đó chuyển tiền ra nước ngoài hoặc rút ra cất giấu khiến việc phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn.
Đối với các tài sản có đăng ký quyền sở hữu như đất đai, nhà ở, xe ô tô.. trên thực tế việc đứng tên hộ, tên giùm người khác còn khá phổ biến. Bởi vậy, các đối tượng tham nhũng rất dễ dàng nhờ người thân, bạn bè, đứng tên hộ tài sản do phạm tội mà có để cất giữ, che giấu tài sản phạm tội.
Việc công khai minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua được thực hiện chỉ mang tính hình thức, rất nhiều người kê khai không trung thực, khai là không có tài sản nhưng đời sống rất sung túc, ở trong biệt thự đắt tiền, đi xe sang, mặc hàng hiệu nhưng toàn là xe mượn, người khác đứng tên...
Việc quản lý tài chính, tiền tệ, quản lý kinh tế còn nhiều sơ hở, chưa chặt chẽ dẫn đến hành vi tham nhũng dễ dàng diễn ra và dễ dàng cất giấu tài sản tham nhũng bằng các hình thức rửa tiền, nhờ người khác đứng tên giùm. Ngoài ra nhiều đối tượng còn mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài rồi chuyển tiền ra nước ngoài trốn tránh sự phát hiện và xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Quy trình tố tụng kéo dài, việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tài sản do phạm tội mà có được thực hiện không triệt để ở nhiều nơi dẫn đến các đối tượng dễ dàng tẩu tán tài sản.
Đối với những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn nói riêng và các vụ án hình sự nói chung, việc khởi tố vụ án hình sự phải trải qua quá trình xác minh tin báo, có thể vài tháng thậm chí vài năm mới có kết quả khởi tố vụ án hình sự, rồi mới khởi tố bị can. Trong khi đó, khi phát hiện ra hành vi phạm pháp có thể bị bại lộ, các đối tượng phạm tội đã nhanh chân tẩu tán tài sản, sang tên tài sản cho người khác hoặc những người đứng tên hộ, dùng tài sản của các đối tượng này tiếp tục sang tên cho người thứ ba hoặc chuyển tiền ra nước ngoài.
Khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra tiến hành xác minh tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản của đối tượng phạm tội, đối tượng không có đứng tên tài sản nào cả mặc dù tài sản tham nhũng có thể hàng ngàn tỷ đồng...
Bản thân các đối tượng phạm tội tham nhũng đều là người có chức vụ, quyền hạn, có hiểu biết pháp luật nên thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sao quyệt, có đồng phạm và có rất nhiều cách để che giấu hành vi phạm tội cũng như tẩu tán tài sản. Số tài sản mà các đối tượng tham nhũng đứng tên là rất ít ỏi.
Trong khi đó, khi phát hiện, xử lý, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thiếu quyết liệt, không triệt để dẫn đến có thời cơ, cơ hội cho các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản, tiếp tục sang tên nốt các tài sản mà mình đang đứng tên cho người khác để trốn tránh nghĩa vụ dân sự với nhà nước, với cơ quan tổ chức có liên quan. Một số vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chậm trễ trong việc xác minh tài sản, chậm trễ trong việc ra các quyết định ngăn chặn như kê biên, niêm phong, cấm tẩu tán tài sản, phong tỏa tài sản... Đến khi xét xử không phát hiện được tài sản của các đối tượng phạm tội nên không có cơ hội để thi hành án…
Luật sư Cường cho rằng, đó là những nguyên nhân cơ bản khiến việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và thu hồi tài sản do tham nhũng, trong những vụ án tội phạm về chức vụ nói riêng.
“Tâm lý trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, che giấu hành vi phạm tội, tẩu tán tài sản là tâm lý chung của tội phạm, khi có điều kiện, thời cơ, các đối tượng phạm tội sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để che giấu hành vi của mình cũng như tẩu tán tài sản. Nhiều đối tượng khi bị phát hiện sẵn sàng không khai báo, không nộp lại tài sản do phạm tội mà có, kiên quyết giữ tài sản phạm tội bằng tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con” vì số tiền mà các đối tượng này đã tham nhũng được rất lớn, có thể khiến đời con cháu họ sống sung sướng lâu dài, bản thân họ không còn phải lo nghĩ cho con cháu của họ nữa”- luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố Phan Văn Anh Vũ:
Nguồn: VTV 1