Theo báo cáo của 9to5Google, Google đã công bố số liệu thống kê theo tháng về việc phân phối phiên bản Android các thế hệ từ trước cho đến nay. Tuy Android 5.0 Lollipop đã phát hành từ cuối năm ngoái và bắt đầu trổi dậy từ tháng trước, nhưng cho đến lúc này chỉ mới có 3,3% điện thoại Android là đang chạy hệ điều hành mới nhất này. Một số chuyên gia và trang tin nước ngoài đánh giá đây là một con số nhỏ nhoi đáng thất vọng.
Bảng số liệu trên một lần nữa minh họa cho vấn đề mà Google gặp phải mỗi khi hãng này phát hành một phiên bản mới cho hệ điều hành của mình. Đó là Google có rất ít vai trò hay thực quyền để phổ cập nhanh việc sử dụng phiên bản mới.
Trong khi Apple xây dựng và phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm, đồng thời luôn đảm bảo rằng các phiên bản iOS mới được cài đặt nhanh chóng, thì Google lại không chịu trách nhiệm về phân phối hệ điều hành của mình. Thay vào đó, việc phân phối hệ điều hành Android đến tay người dùng phụ thuộc vào các nhà sản xuất smartphone, như Samsung, HTC,... Và các nhà sản xuất này thường hay triển khai phiên bản Android mới cực kỳ chậm, khiến cho đa phần người dùng Android phải tiếp tục trải nghiệm phiên bản cũ không còn hợp thời trong sự phát công nghệ như vũ bão ngày nay.
Tuy nhiên, việc phổ cập chậm các phiên bản Android mới là một thực tế không thể tránh khỏi, và phải nhìn nhận là các phiên bản thế hệ sau này đã cải thiện và tốt hơn rất nhiều so với các phiên bản đầu tiên. Việc triển khai cập nhật Lollipop chậm chưa phải là chuyện đáng báo động và cũng không đến nỗi khiến người dùng chán nản, thất vọng. Về mặt kỹ thuật, Lollipop có sự thay đổi rất sâu sắc về mặt kiến trúc và giao diện, do đó các nhà sản xuất smarphone phải mất kha khá thời gian để cập nhật lại toàn bộ giao diện tùy biến và các ứng dụng của mình, để có thể tương thích tốt với Lollipop và tránh nhiều lỗi không đáng có, nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Việc cập nhật chậm đôi khi có thể được viện dẫn là sự suy yếu tiềm năng đối với Android, nhưng lịch sử đã minh chứng hệ điều hành này luôn không ngừng phát triển sau mỗi năm khi ra mắt một phiên bản mới. Các số liệu trên tuy trông đáng thất vọng, nhưng thà chậm mà chắc, còn hơn nhanh mà mất đi... lòng tin của người dùng.