Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, ông Zelensky thường xuyên tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài ở thủ đô Kiev hoặc gọi điện, trao đổi với các nguyên thủ qua video trực tuyến và đến thăm binh sĩ Ukraine ở nhiều khu vực khắp đất nước.
Tuy nhiên, chuyến đi không báo trước đến Washington ngày 21/12 đánh dấu lần đầu tiên ông Zelensky công du nước ngoài kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Động thái nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Ukraine với Mỹ, đồng thời củng cố vai trò của Washington như chỗ dựa của Kiev trong xung đột.
Theo BBC, cho đến nay, Mỹ là nước viện trợ quân sự trực tiếp nhiều nhất cho Ukraine, với tổng giá trị các cam kết lên tới gần 20 tỷ USD, cao hơn của bất kỳ quốc gia nào khác.
Một quan chức Mỹ tiết lộ với CNN rằng, Tổng thống Mỹ Biden dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ an ninh bổ sung 1,8 tỷ USD cho Ukraine trong thời gian ông Zelensky thăm Nhà Trắng. Trong đó, Washington dự định cung cấp các hệ thống tên lửa Patriot mà Kiev mong muốn từ lâu cũng như các bộ dụng cụ chuyển đổi đạn dược đơn giản thành “bom thông minh”, có thể giúp binh lính Ukraine nhắm tấn công các tuyến phòng thủ của đối phương.
Quyết định phản ánh việc Mỹ đã điều chỉnh chính sách trợ giúp tương ứng với sự thay đổi chiến lược tập kích của Nga. Washington hy vọng, các hệ thống Patriot có thể giúp Kiev ứng phó tốt hơn trước những đợt tấn công tên lửa quy mô lớn của quân Nga vào các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine.
Chính quyền Biden trước đây từng bác bỏ lời kêu gọi của Kiev về việc phương Tây thiết lập vùng cấm bay ở không phận Ukraine, cũng như thận trọng trong việc chuyển giao khí tài để tránh leo thang xung đột thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu với Nga.
Wesley Clark, cựu Tư lệnh quân đồng minh tối cao NATO ở châu Âu nhận định, chuyến đi của ông Zelensky phản ánh một thời điểm then chốt, khi việc Washington nâng cấp viện trợ có thể quyết định số phận của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, đặc biệt vào mùa đông khắc nghiệt.
Một số nhà phân tích tin, chuyến công du của ông Zelensky cũng sẽ làm nổi bật chính sách đối ngoại và vai trò của ông Biden trong việc khôi phục liên minh phương Tây, vốn bị rạn nứt nghiêm trọng thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist tháng 11/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng bày tỏ hoài nghi về sự lung lay của NATO khi mô tả liên minh quân sự này “đang chết não”. Song, hiện Mỹ và các đồng minh NATO đang phối hợp chặt chẽ trong các nỗ lực trợ giúp Ukraine cũng như áp lệnh trừng phạt với Nga.
Theo giới quan sát, chuyến đi lần này của ông Zelensky cũng nhằm thúc đẩy sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ cho Ukraine. Động thái diễn ra ngay trước thời điểm đảng Cộng hòa (GOP) của ông Trump sẽ lên nắm quyền lãnh đạo Hạ viện Mỹ vào đầu năm 2023, có thể gây khó khăn cho các chương trình nghị sự của ông Biden.
Thực tế, một số nhà lập pháp GOP đã cảnh báo sẽ kiểm soát chặt hàng tỷ USD viện trợ cho Kiev. Họ thậm chí cho rằng, số tiền đó đáng lẽ nên được dùng để củng cố biên giới phía nam nước Mỹ trước sự bùng nổ làn sóng người di cư trái phép.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden và thăm Quốc hội Mỹ trong hôm nay (21/12).
Chính quyền Ukraine cho hay, cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga hôm nay (19/12) đã gây thiệt hại cho Kiev và khu vực lân cận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ chiến dịch phản kích chớp nhoáng của Ukraine, đồng thời cảnh báo Moscow sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn nếu quân đội của họ phải chịu thêm áp lực.