ĐHĐCĐ thường niên vừa qua của CTCP Chứng kháon Trí Việt (HoSE: TVB) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu vỏn vẹn 62 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng.
Trong khi đó năm 2022, TVB thực hiện được 156 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ khủng gần 318 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của TVB |
Tại Đại hội, cổ đông TVB đã có rất nhiều chất vấn liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Cổ phiếu của TVB đang trong tình trạng hạn chế giao dịch, Công ty có biện pháp gì để đưa cổ phiếu ra khỏi diện này không? Liệu cổ phiếu có bị đình chỉ hay huỷ giao dịch không?
Cổ phiếu TVB bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào buổi chiều các ngày trong tuần do công ty chậm nộp BCTC kiểm toán 2022 quá 45 ngày so với quy định. Nguyên nhân công ty chậm nộp BCTC kiểm toán là do các vướng mắc hành chính.
Để đưa cổ phiếu TVB ra khỏi diện hạn chế giao dịch, công ty đã hoàn thiện các thủ tục hành chính với cơ quan chức năng. Ngày 16/6 đã hoàn thành BCTC kiểm toán 2022 và công bố cùng ngày.
Cho đến thời điểm này, công ty đã khắc phục được nguyên nhân gây ra tình trạng hạn chế giao dịch. Công ty sẽ tiếp tục làm việc với Sở GDCK TPHCM để sớm đưa cổ phiếu ra khỏi diện hạn chế giao dịch.
Cổ phiếu TVB bị hạn chế giao dịch ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư, công ty có phương án gì để khắc phục quyền lợi cho nhà đầu tư không?
Việc cổ phiếu TVB bị đưa vào diện hạn chế giao dịch là do nguyên nhân khách quan không ai mong muốn. Xem lại diễn biến giá cổ phiếu thì tính từ ngày TVB bị hạn chế giao dịch là 23/5 đến nay đã tăng khoảng 20-25% trong khi mức tăng của VNIndex trong khoảng thời gian này là 4-5%.
Vì vậy, so sánh với biến động chung của thị trường chứng khoán thì cổ phiếu TVB trong khoảng thời gian này tăng gấp 6 lần so với bình quân chung của toàn thị trường.
Giá cổ phiếu TVB đang rất thấp, dưới giá trị thực. Ban lãnh đạo có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này để lấy lại niềm tin nhà đầu tư không?
Trong thời gian qua, ban lãnh đạo đã bàn bạc và đưa ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như cải thiện hình ảnh nhằm thúc đẩy yếu tố nội tại của cổ phiếu.
Cụ thể, công ty đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự và tái cấu trúc hoạt động kinh doanh dưới định hướng tập trung vào các mảng thế mạnh. Công ty vẫn luôn cố gắng tối ưu hoá việc sử dụng nguồn vốn và các nguồn lực để tăng hiệu quả kinh doanh. Thực tế cổ phiếu TVB đã tăng khoảng 55% so với thời điểm cuối năm 2022.
Tại sao có sự chênh lệch lớn trong báo cáo năm 2022 tự lập và kiểm toán khi từ có lãi 18,6 tỷ sang lỗ 317,8 tỷ đồng?
Nguyên nhân do trích lập dự phòng phải thu các rủi ro thu hồi nợ. Công ty vẫn tích cực liên lạc với đối tác để nắm sát tình trạng các khoản phải thu và theo sát, đôn đốc thu hồi công nợ/tài sản. Khoản thu hồi được sẽ ghi nhận vào lợi nhuận năm 2023.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của TVB giảm nhiều so với năm 2021, vậy kế hoạch 2023 như thế nào, TVB sẽ tập trung vào những hoạt động chính nào?
Căn cứ nguồn lực hiện tại của công ty, sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán, quy mô thanh khoản thị trường đã giảm chỉ còn bằng 1/3 đến 1/2 so với thời kỳ năm 2021. TVB đã quyết định sẽ thu hẹp phạm vi hoạt động kinh doanh, tập trung chính vào hoạt động tự doanh nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn và các nguồn lực của công ty.
Doanh thu chính của TVB đến từ hoạt động tự doanh chứng khoán, công ty có kế hoạch gì đối với hoạt động này trong năm 2023?
Chiến lược của công ty trong thời gian tới là tập trung vào hoạt động tự doanh, trong đó phân bổ 90% vào các cổ phiếu bluechip và vốn hoá lớn, vừa. Trong đó khoảng 50-70% đầu tư trung - dài hạn, 30-50% đầu tư ngắn hạn dứoi 3 tháng.
Đồng thời, phân bổ 5-10% để đầu tư ngắn hạn 1-3 tháng với một số cổ phiếu vốn hoá vừa/nhỏ có cơ bản tốt và có khả năng có biến động giá mạnh trong ngắn hạn.
Phương án xử lý của công ty đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG để bảo toàn vốn như thế nào?
Ban lãnh đạo TVB đánh giá thời điểm hiện tại hoạt động kinh doanh của HPG đã có tín hiệu phục hồi tích cực so với quý 3 và quý 4/2022.
Với việc biên lợi nhuận gộp cải thiện và không còn chịu tổn thất lớn do chênh lệch tỷ giá. TVB cho rằng giá thị trường HPG vẫn đang thấp hơn giá trị hợp lý và kỳ vọng cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới là nhờ vào các yếu tố như kết quả kinh doanh cải thiện khi chi phí nguyên liệu đầu vào là quặng sắt và than cốc đã giảm đáng kể so với cuối năm 2022.
Đồng thời nhu cầu từ thị trường xây dựng và bất động sản về cuối năm 2023 nhiều khả năng sẽ phục hồi nhờ các chính sách giảm lãi suất cũng như các chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường.
Vì vậy, với mục tiêu đầu tư dài hạn, TVB xác định giá cổ phiếu HPG sẽ còn tiếp tục tăng nên công ty vẫn tiếp tục nắm giữ.
Được biết, tại thời điểm cuối tháng 3/2023, TVB đang ghi nhận giá trị gốc đầu tư nhiều nhất vào cổ phiếu HPG là 171 tỷ đồng (giá trị hợp lý chỉ còn 90 tỷ đồng) và FPT 178 tỷ đồng (giá trị hợp lý 183 tỷ). Còn lại nắm lượng ít tại NKG 17,4 tỷ đồng, MWG 65 tỷ đồng, MBB hơn 5 tỷ đồng. Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/6, cổ phiếu HPG dừng tại mức 23.650 đồng/cp, ghi nhận tăng hơn 9% trong vòng 1 năm qua. Thanh khoản vẫn rất sôi động khi bình quân gần 26 triệu cổ phiếu được sang tên mỗi ngày. Về tình hình kinh doanh, quý 1/2023 của HPG ghi nhận doanh thu thuần 26,6 ngàn tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gần 400 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ. Tại thời điểm cuối quý 1/2023, HPG nắm giữ 85 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn, tăng 5 ngàn tỷ so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 35 ngàn tỷ đồng và lượng tiền này được kỳ vọng sẽ dùng cho dự án ở Dung Quất. Hàng tồn kho của Hòa Phát duy trì ở mức 34,3 ngàn tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn của Hòa Phát ở mức 68 ngàn tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 50 ngàn tỷ đồng, tăng gần 4 ngàn tỷ so với đầu năm. |