Những cái tên như Vị Khê, Phù Đổng, Cơ Giáo, Kim Phúc,... chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với những người yêu thích cây cảnh thế khủng giá cao ở Việt Nam. Đó là những làng nghề trồng cây cảnh nổi tiếng bao đời nay với những "quái vật" hàng tỷ đồng. Mời bạn đọc Ngon Sạch Lạ cùng "vi hành" những làng nghề cây cảnh độc đáo này:
Làng cây cảnh Vị Khê (Nam Trực, Nam Định)
Thành Nam vốn nổi tiếng với 4 làng “Vị”: Vị Hoàng và Vị Xuyên với chuối ngự tiến vua, hoa quả để cúng tiến, Vị Lương với ẩm thực và Vị Khê với nghề cây cảnh “danh bất hư truyền”…
Làng cây cảnh Vị Khê nằm ven sông Hồng (Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) là một làng nghề truyền thống đã có tuổi đời hơn 800 năm và được mệnh danh là đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh ở Việt Nam. Nơi đây nổi danh với cây cảnh, cây thế, bonsai... được uốn tỉa chăm sóc công phu thành các dáng, thế, đầy nghệ thuật và đẹp mắt.
Vị Khê, Điền Xá không chỉ là làng hoa mà còn là làng cây cảnh với đa, sung, lộc vừng, sanh, si, tùng, tùng La Hán...Với nhiều kiểu dáng thế cây phong phú, đa dạng như long thăng, long giáng, trực, trực quân tử, trực siêu, thế huyền, thế song phục, huynh đệ, mẫu tử tương thân, phụ tử tương tuỳ...
Mỗi thế cây, dáng cây còn được tạo thế với những vẻ đẹp khác nhau và mang một triết lý khác nhau. Để tạo được dáng cây, những nghệ nhân có khi phải dành cả cuộc đời với sự tỉ mỉ, kiên trì, uốn tỉa tạo dáng cho từng nhánh cây, chồi cây, có khi phải mấy năm mới hình thành một nhánh cây đẹp.
Những nghệ nhân cây cảnh ở Vị Khê bảo rằng, dù có tỉa, có uốn theo dáng nào đi nữa, với những triết lý thổi hồn vào từng thế cây, ông cha ta cũng luôn hướng đến chân - thiện - mỹ, cái gốc trường tồn của sự sống bao đời. Tâm hồn thanh khiết của bậc tiền nhân được lưu giữ trên mỗi góc vườn, nhành cây nhắc nhở con cháu về tính nhân văn của nghề truyền thống. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Làng cây cảnh Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội)
Đến thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội), không khó để tìm thấy những biệt thự mini được trang hoàng lộng lẫy, bên trong lại tiện nghi, sang trọng như dinh thự của các "đại gia" bất động sản. Mặc dù cái thời "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đã qua từ lâu, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn chưa thể quên được bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời họ: Đó là khi họ bén duyên với nghề trồng cây cảnh.
Cây cảnh Phù Đổng có rất nhiều loại nhưng chủ yếu có năm nhóm chính: Nhóm cây thế - thân mộc (như sung, si, lộc vừng), nhóm cây chơi lá (như cau vua, trúc..), nhóm cây thế – thân lá, nhóm cây thân thảo và nhóm lan (phong lan, địa lan).
Cây cảnh Phù Đổng đang có mặt ở khắp nơi trong nước từ Bắc chí Nam, thậm chí còn xuất sang các nước trong khu vực Đông Năm Á. Mỗi ngày ở Phù Đổng có hàng chục người tới hỏi mua cây cảnh, đồng thời trong làng cũng có khoảng 50 người chở cây cảnh đi các nơi giao bán.
Vào Phù Đổng bây giờ, đi trên những con đường làng dải bê tông phẳng lỳ hai bên đường là những ngôi nhà ngói hoá, cao tầng nhiều kiểu dáng hiện đại mọc lên san sát. (Ảnh: Vietnamnet/ VTC)
Làng cây cảnh tỷ phú ở Hải Sơn (Hải Hậu, Nam Định)
Xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định những năm gần đây "thay da đổi thịt" nhờ nghề trồng cây cảnh. Nhiều hộ trồng từ 1 mẫu trở lên có thu nhập từ hàng tỷ đồng. Hiện nay xã có gần 100 tỷ phú trẻ, tiêu biểu như tỷ phú Trần Văn Trung, Vũ Văn Tuynh, Nguyễn Văn Thành, Hoàng Văn Xuyên, Trần Văn Quyết, Trần Văn Chinh, Vũ Văn Giang, Hoàng Việt Dũng,…
Ở đây, vườn nhà chỉ có trồng cây cảnh và không hề có một chút diện tích đất trống nào, từ bờ mương, bờ sông đến bờ ruộng. Nghệ nhân, tỉ phú Trần Văn Trung hiện có hơn 20 mẫu với gần 5000 cây cảnh các loại.
Ở Hải Sơn hiện có gần 100 tỉ phú, đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Nghề trồng cây cảnh đã tạo ra việc làm có thu nhập cao cho hàng ngàn người. Người Hải Sơn không chỉ tạo dáng cây ở địa phương mà còn đi uốn, tỉa cây cảnh trong khắp cả huyện Hải Hậu. (Ảnh: VOV5)
Làng cây cảnh Kim Phúc (TP. Vinh, Nghệ An)
Nhờ làng nghề phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, đem lại thu nhập ổn định, con cái có điều kiện học tập tốt hơn. Cuộc sống người dân ngày càng nâng cao, nhà nhà thi đua cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích vườn ươm, cây cảnh. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Cây cảnh làng Cơ Giáo (Thường Tín, Hà Nội)
Nhờ việc buôn bán cây cảnh "gặp thời" mà người làng Cơ Giáo đã có cuộc sống khấm khá hơn. Việc trồng cây, chăm sóc, tạo dáng và thế cây cũng tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động.
Anh Tào Xuân Hợp - người làng góp chuyện: "Công việc là một phần, ngoài ra việc chăm sóc tạo dáng cho cây cũng rèn được nhiều đức tính lắm. Tạo dáng cho cây mà hấp tấp, nóng vội là coi như hỏng". Làng cây cảnh Cơ Giáo còn có hẳn một đội hơn 40 người chuyên làm các loại chậu cây, phục vụ các vườn trong làng. (Ảnh: Cây cảnh Việt Nam)