Dựng lều, đốt lửa trông cây cảnh Tết trong đêm mưa lạnh
(Kiến Thức) - Những túp lều tạm được tiểu thương dựng bằng phông bạt cũ, cạnh những chậu cây cảnh Tết giữa trời mưa rét như cắt da cắt thịt.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết Nguyên Đán chính là cơ hội tốt để những tiểu thương từng gắn bó với nghề buôn bán hay cho thuê đào, mai, quất cảnh... cả chục năm nay tranh thủ kinh doanh kiếm tiền. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc họ phải lay lắt ngủ ngoài trời để trông cây. Những ngày vừa qua, thời tiết ở Hà Nội liên tục đổ mưa kèm theo giá buốt khiến những chợ cây cảnh Tết héo hắt người xem. Những ông chủ hàng thì phải đương đầu với giá lạnh.
|
Đào cảnh thời điểm này đã ngập tràn phố phường ở Hà Nội. |
Theo khảo sát của Kiến Thức vào chiều tối 12/1, tại dọc các con đường lớn như Hoàng Hoa Thám, Hồ Tây, Lạc Long Quân, hay đường Láng... hàng trăm chậu đào, bưởi, quất cảnh... được bày la liệt cả dãy phố dài. Dòng người đông đúc vội vàng hối hả chạy qua nhưng lượng người ghé vào hỏi thăm mua sắm mặt hàng cây cảnh Tết này chỉ lác đác, ở mức độ cầm chừng. Không những thế, cơn mưa cuối năm khiến đường xá ướt át, rét buốt đã gây không ít phiền toái cho những chủ hàng cây cảnh Tết.
|
Nhưng trời mưa rét khiến hàng nào cũng vắng bóng người mua. |
“Kiếm được đồng tiền vất vả lắm. Nắng thì có cái tội của nắng, đào nở toe toét, khách chê không ai mua. Mưa rét có cái khổ của mưa rét, bởi thời tiết này, đến mình cũng chỉ muốn trùm chăn đi ngủ huống hồ là khách, nên ở đây đa phần chỉ thấy những người bán đứng nhìn nhau…”, cô Hà, một tiểu thương trồng đào nói.
|
Các tiểu thương mang bưởi từ Hòa Bình xuống bán. |
Cũng theo quan sát của Kiến Thức, những tiểu thương tại các khu vực này,chấp nhận sương gió, mưa rét ban ngày để bán hàng, và ngay cả khi màn đêm buông xuống, những túp lều tạm bằng phông bạt cũ được dựng ngay cạnh những chậu mai, đào, quất,… giữa trời mưa rét như cắt da cắt thịt để làm chỗ nghỉ ngơi, dựa lưng sau một ngày dài buôn bán, đồng thời, đây là chỗ để trông coi cây cảnh Tết.
|
Các tiểu thương dựng lều trông cây cảnh. |
|
Một chiếc lều tạm bị mưa gió làm ướt hết chăn màn. |
|
Các tiểu thương đang tranh thủ vận chuyển cây để bày bán. |
|
Mưa gió làm cho cánh hoa bị táp nên người trồng tranh thủ đi tỉa tót lại cho cây chờ khách đến |
|
Hoặc chắn gốc cây, vì đào là giống ưa ít nước. |
Trong lều có đầy đủ chăn gối, ấm chén, bát đũa, nồi cơm điện, mỳ tôm… để các tiểu thương tự nấu thay vì phải đi ăn cơm bụi. Mỗi lều thường có đến hai ba người, thay phiên nhau trông. Và cứ ngày cũng như đêm, những đống lửa nhỏ lại được nhóm lên xua đi cái lạnh.
|
Những đống lửa nhỏ lại được nhóm lên xua đi cái lạnh. |
|
Các tiểu thương ngồi trông đào. |
Chia sẻ với Kiến Thức, một số tiểu thương trồng cây cảnh Tết cho biết, mấy vừa qua, trời mưa rét, việc ngồi trông cây cảnh, rồi vận chuyển cây cho khách khiến các ngón chân, ngón tay của họ sưng phù lên vì rét. Đêm đến ngủ trong lều phải đắp 3-4 cái chăn nhưng cũng chẳng ngủ được, hoặc ngủ chập chờn vì nỗi lo mất đào.
“Ngủ ở đường nên cũng ngủ tranh thủ thôi. Chợp mắt được một lúc lại tỉnh giấc trông cây vì nếu không thức trông coi cẩn thận, nhỡ may bị lấy trộm 1-2 cây cảnh, mà lấy đúng chậu cây cảnh giá trị lên đến vài chục triệu đồng thì mất Tết như chơi.” – bác Được (55 tuổi) tâm sự.
|
Lều tạm của bác Được được dựng khá chắc chắn |
|
Bác Được tranh thủ thái hành để nấu cháo ăn cho đỡ đói, rét. |
Bên cạnh đó, dù trời mưa, nhưng các tiểu thương vẫn mặc áo mưa mỏng, nón lá... tạm bợ “phơi mặt” cùng đào, quất... chờ khách. “Mong trời mau tạnh để có thể trang điểm lại cho cây thì mới có khách. Chứ giờ nhìn cây như vừa trải qua bão táp thì còn khách nào muốn rước về chơi. Giờ chúng tôi mới mong bán được hàng thu hồi vốn để kịp về quê đón Giao thừa”, một tiểu thương trồng bưởi cảnh giãi bày.