Gia đình chỉ là cái vỏ bọc đáng nguyền rủa?
Suốt thời gian chung sống, tôi đã tin tưởng vợ, thì hà cớ gì, khi cô ấy nằm xuống, tôi lại phải nghĩ ngợi thế này?
Mới ngoài ba mươi, vợ tôi mất đột ngột sau một tai nạn, để lại hai đứa con trai nhỏ. Tôi bàng hoàng đối diện với cảnh gà trống nuôi con ra sao, suy sụp trước biến cố này. Thế nhưng, trong cảnh tang gia bối rối, tôi vẫn ngờ ngợ nhận ra, có điều gì đó hình như bất thường…
Ngày tang vợ, có khá nhiều người đàn ông lạ mặt đến viếng. Tôi thấy có những ánh mắt tò mò, dò xét, ái ngại, quan sát, ngạc nhiên… này nọ dành cho mình. Cũng chẳng tiện hỏi từng người rằng, anh là ai, quen biết như thế nào với vợ tôi... Chỉ đọng lại vài câu hỏi han mà tôi loáng thoáng nghe được, rằng chẳng phải vợ chồng họ ly thân, sắp ly hôn đó sao? Cứ tưởng họ sống vất vả khổ cực lắm chứ, ai ngờ gia đình cũng tươm tất vậy. Người nhà tôi còn kể lại rằng, có người đàn ông nọ còn xa gần ướm hỏi, có nghe vợ tôi kể chuyện, đang mượn nợ của những ai không?
|
Ảnh minh họa. |
Sau đám ma, tôi nhận được vài cuộc điện thoại với nội dung liên quan tới tiền, như thể vợ tôi đã vay mượn ai đó, và giờ họ tiếc, muốn tìm cách đòi lại. Tôi hỏi dò, xem vợ thiếu nợ nhiều ít thế nào, có gì chứng minh không, nhất là quen biết ra sao mà cho vợ tôi vay, thì họ lảng đi, cúp máy. Tôi buộc lòng phải lục lọi vật dụng cá nhân vợ tôi để lại, mới phát hiện ra cô ấy có khá nhiều món trang sức đắt tiền. Nhẫn, lắc tay, dây chuyền, bông tai, mỗi thứ hàng mấy bộ. Quần áo cũng nhiều thứ hàng hiệu mà đồng lương công chức của hai vợ chồng tôi khó mà sắm nổi. Tôi bắt đầu hoang mang, rà soát lại quá trình chung sống gần đây, mới vỡ lẽ vợ có những lúc hành tung khó hiểu, thi thoảng lại đi công tác qua đêm, trong cốp xe có khi để sẵn váy áo, đồ ngủ... Nhưng tôi vốn vô tâm và bận rộn, đã không để ý.
Tôi mang điện thoại của vợ, vốn đang được cài mật khẩu, ra tiệm để mở. Cả những thứ bảo mật liên quan đến thư điện tử, hay chát riêng trên mạng, tôi cũng nhờ người bẻ khóa giùm. Thực tâm, tôi không muốn xâm nhập vào những bí mật riêng tư của người đã khuất. Suốt thời gian chung sống, tôi đã tin tưởng vợ, thì hà cớ gì, khi cô ấy nằm xuống, tôi lại phải nghĩ ngợi thế này? Thế nhưng, chẳng muốn hình ảnh vợ trong lòng bị ảnh hưởng bởi những hoài nghi không đáng, tôi quyết định cứ tìm hiểu xem sao…
Mọi góc khuất trong cuộc sống của vợ tôi dần được phơi bày. Danh bạ điện thoại lưu vô số tên đàn ông. Tin nhắn, chát chít qua lại mới là điều bất ngờ nhất. Tôi tưởng như đang đối diện với lời lẽ của ai kia, chứ không phải vợ mình. Thậm chí, tôi đã ngỡ rằng, hẳn là nhầm lẫn gì đó, chứ vợ tôi làm gì có những tâm sự, những than thở, những òn ỉ xin xỏ mà tôi đang phải chứng kiến rành rành trước mắt. Cô ấy kể lể rằng hôn nhân là sai lầm, cuộc sống rất buồn và cô đơn, chồng vừa thô bạo vừa vô tình, đời sống gối chăn lạnh nhạt, gia đình chồng khó ưa, con cái thờ ơ này nọ...
Hóa ra, những thứ vật chất kia chính là “chiến lợi phẩm” mà cô ấy thu hoạch được sau những tin nhắn, cuộc điện thoại than van; ỉ ôi... Những dịp lễ tết này nọ, vợ tôi đều vòi vĩnh nhiều quà cáp từ các “mối” khác nhau. Cơ hội gặp gỡ tiếp xúc trong công việc đã cho cô ấy dễ dàng phát triển “khả năng bản thân” kiểu ấy, thật là… Tất nhiên, đời chẳng cho không ai cái gì. Những lần hẹn hò “tâm sự” vẫn còn rành rành, cứa nát trái tim tôi, người đàn ông khốn khổ vừa góa vợ đã phải chịu thêm một cú trời giáng…
Tôi thật sự không biết phải hiểu sao đây. Vợ tôi có vấn đề gì về tâm sinh lý? Hay chỉ là thói giải trí khó tin của một người phụ nữ kiệm lời, sống nội tâm, có vẻ bề ngoài khá dễ gây thiện cảm? Cô ấy đi lừa thiên hạ vì thiếu thốn, hay vì có sở thích bệnh hoạn? Tôi chỉ muốn hỏi thẳng người nằm dưới mộ sâu, vì sao nỡ đối xử với chồng con như thế. Rằng hà cớ gì, cô ấy phải diễn vở tuồng kia trong bao năm dài, để thỏa mãn cái tôi của mình, hay vì cô ấy coi gia đình chỉ là cái vỏ bọc đáng nguyền rủa?