Tham dự Diễn đàn có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh; các lãnh đạo đại diện các Ban, Bộ, Ngành; các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các Hội ngành toàn quốc. Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra LHHVN Phan Tùng Mậu và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí LHHVN Phạm văn Tân đồng chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra LHHVN Phan Tùng Mậu nhấn mạnh, Để đánh giá vai trò của LHHVN thì các cơ quan quản lý cần phải xác định rõ vai trò của LHHVN là ai. Hiện nay, Hiến pháp quy định 6 tổ chức chính trị - xã hội, không có LHHVN. Tuy nhiên, trong Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị, chức năng và nhiệm vụ của LHHVN được nêu là tổ chức tập hợp đoàn kết và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, tham gia công tác Phổ biến kiến thức KHCN, Tư vấn phản biện và giám định xã hội, đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.
Diễn đàn "Vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thật Việt Nam trong sự phát triển đất nước". |
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí LHHVN Phạm Văn Tân, quá trình phát triển của LHH Việt Nam chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn từ 1983-1993, là tổ chức quần chúng tự nguyện của tất cả các Hội Khoa học và Kỹ thuật; Giai đoạn từ 1993-2010, là tổ chức chính trị - xã hội tự nguyện của trí thức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; Giai đoạn từ năm 2010 đến nay: LHHVN là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ có nhiều chức năng quan trọng thể hiện nhiều vai trò quan trọng: tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; làm cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí LHHVN Phạm văn Tân trình bày báo cáo. |
LHHVN đến nay đã thể hiện vai trò là tổ chức chính trị- xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. LHHVN thông qua các cấp Hội đã tập hợp các hội viên từ Trung ương đến địa phương, đã luôn chú trọng công tác chính trị- tư tưởng, bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước và tính tự tôn dân tộc, tinh thần vì cộng đồng, tính trung thực trong khoa học và đạo đức nghề nghiệp trong trí thức, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, diễn đàn quốc tế, LHHVN đã tham gia tích cực trong việc thúc đẩy ngoại giao nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. LHHVN là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được đánh giá là một thành viên quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ, vai trò quan trọng đặc biệt trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong các năm 2017, 2018, 2019, LHHVN đã liên tục tham gia các đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục- đào tạo, chương trình chăm sóc sức khỏe, chính sách người có công...
LHH Việt Nam cũng thể hiện là tổ chức trách nhiệm, giới thiệu đại biểu ưu tú của trí thức tham gia vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn, đặc biệt là các vấn đề khoa học công nghệ, chính sách với trí thức, LHHVN cũng làm tốt các hoạt động phổ biến kiến thức, công tác tư tưởng cho trí thức, đào tạo nguồn nhân lực. ..
Bên cạnh đó, LHHVN cũng khuyến khích sáng tạo khoa học và công nghệ như tổ chức triển khai thành công các cuộc thi sáng tạo khoa học: Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc; Lễ tôn vinh trí thức Hội tiêu biểu, tạo ra nguồn động viên, khích lệ rất lớn trong cộng đồng các nhà khoa học, thể hiện được vai trò và vị trí của LHHVN.
Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Ông Trần Ngọc Hùng đánh giá, hoạt động chung và hiệu quả của LHHVN còn nhiều hạn chế. Nhiều hội thành viên hoạt động theo dạng "ba không": không kinh phí, không định chế, không đủ sống. Luật về Hội không được thông qua, Luật về Hội vừa trình Quốc hội hoàn toàn mang tính chất là luật quản lý Nhà nước về Hội, không có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Hội.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. |
Tư vấn, phản biện xã hội là vấn đề rất lớn của LHHVN, đã có cố gắng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Nhiều hội viên tham gia phản biện theo kiểu "đánh trống ghi tên", có tình trạng không được mời phản biện do có quan điểm ngược với đơn vị tổ chức phản biện.
Ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, cần đổi mới việc tâp hợp các nhà khoa học giỏi trong công tác Hội, tập hợp các chuyên gia theo các khối ngành, lĩnh vực; không tiếp tục để hoạt động tư vấn phản biện chỉ được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan Chính phủ. Ông Hùng đề nghị, cần phải chuyển giao các dịch vụ công cho các tổ chức hội, tổ chức hội - nghề nghiệp. Chính phủ giao các Bộ phải lên danh sách các dịch vụ công sẽ giao cho các tổ chức Hội chịu trách nhiệm. Đây là hành động cần thiết để thưc hiện Chính phủ kiến tạo vừa thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh ủng hộ quan điểm của ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, cần xã hội hóa các dịch vụ công để giảm thiểu tối đa độ phình của bộ máy biên chế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh. |
Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Đăng Hùng đánh giá cao vai trò của LHHVN . LHHVN đã thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức cả nước, thu hút được trên 3,7 triệu hội viên (năm 2019), trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức (tăng 1,4 triệu trí thức so với năm 2010). Liên hiệp hội địa phương được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố (tăng 8 tỉnh so với năm 2010), tạo thành hệ thống đầy đủ từ Trung ương đến địa phương.
LHHVN cũng đã triển khai được nhiều hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thúc đẩy các phong trào sáng tạo, tôn vinh trí thức, hợp tác quốc tế về KH-CN, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; uy tín, vai trò và vị thế của LHHVN ngày càng được nâng cao trong hệ thống chính trị, trong xã hội và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh đặt câu hỏi, LHHVN là tổ chức của giới trí thức nhưng lại không được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, cụ thể là Luật về Hội chưa được thông qua gây nhiều vướng mắc trong hoạt động Hội. "Tại sao trong thời kỳ khoa học- công nghệ như hiện nay, đội ngũ trí thức không phải là một tổ chức chính trị xã hội?" - ông Lê Bộ Lĩnh đặt câu hỏi.
Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới trong xã hội từ lâu đã tồn tại câu nói:“Tri thức là sức mạnh”. Trong mấy thập kỷ qua, LHHVN đã và đang tích cực vận động, tổ chức cả hệ thống của mình vào cuộc, góp phần giải phóng năng lượng, sức sáng tạo KHCN cho các hội viên và mỗi hội ngành toàn quốc. Bởi lẽ, xét trên phương diện lý luận: giao diện và tương tác giữa con người (có tri thức, có trình độ) với máy móc, công nghệ trong sản xuất sẽ tạo ra giá trị gia tăng/giá trị thặng dư mới cho xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển.
Ý kiến của các nhà khoa học trên Diễn đàn là thẳng thắn, không né tránh và luôn mang tính xây dựng. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều kiến nghị trên cơ sở khoa học giúp các cơ quan chức năng giải quyết nhiều đề vướng mắc, đồng thời giúp dư luận hiểu rõ hơn các vấn đề trong cuộc sống dưới ánh sáng khoa học.
Thực tế triển khai Diễn đàn Trí thức trên báo cho thấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc đủ mọi ngành nghề trong hệ thống LHH luôn thể hiện tinh thần xây dựng, khoa học, có sức thuyết phục cao và được dư luận đánh giá tốt. Những ý kiến tâm huyết, khoa học của giới trí thức giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn khoa học hơn, đa chiều hơn, sát với thực tiễn xã hội, giúp họ điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn với tình hình xã hội và để chính sách đi vào đời sống một cách hiệu quả hơn.
Trong một số trường hợp chính các nhà khoa học đã làm rõ nhiều vấn đề vướng mắc và đưa ra giải pháp giúp các bộ ngành tháo gỡ khó khăn. Kết quả là nhiều ý kiến đăng tải trên Diễn đàn Tri thức đã được các cơ quan chức năng lắng nghe và có những điều chỉnh nhất định về cách tiếp cận và quyết sách sau đó.
Diễn đàn khoa học của tri thức đã thể hiện được vai trò của mình và đang có những đóng góp nhất định vào việc làm minh bạch hơn các chính sách và các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì thế, Diễn đàn khoa học của tri thức không chỉ cần được tiếp tục triển khai, mà còn cần nâng cao hơn nữa chất lượng phản biện để đóng góp thiết thực hơn vào công tác hoạch định chính sách của các bộ ngành và địa phương.
Khi trí thức, các nhà khoa học tham gia diễn đàn ngày càng nhiều, càng sôi nổi và thiết thực thì vai trò vị thế và uy tín của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thật Việt Nam sẽ càng lớn mạnh.
Nguồn: VTV1.