Về xã Phan Sào Nam (Phù Cừ), “thủ phủ” của cây vải trứng vào những cuối tháng 5, trên các ngả đường, nườm nượp xe ô tô chở vải đi tiêu thụ. Dưới ánh nắng chói chang, từng chùm vải chín đỏ rực xen lẫn màu xanh của lá tạo nên một bức tranh sống động.
Quả vải trứng có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon. |
Giống vải trứng thường được người dân nơi đây gọi với cái tên “vải ông Diệm” để ghi nhớ công của cụ Nguyễn Văn Diệm ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam-người đã mang cây vải trứng về trồng tại mảnh đất này.
Ông Nguyễn Văn Vì, cháu nội của cụ Diệm nay đã ngoài 60 tuổi nhớ lại: “Cây vải trứng của gia đình tôi được cụ Diệm trồng trước cổng nhà cách đây khoảng 150 năm. Cây vải hợp thổ nhưỡng, cho quả to, mã đẹp, vị ngon ngọt đặc biệt khác hẳn các loại vải người dân trong vùng vẫn trồng. Từ cây vải này, con cháu của cụ đã nhân rộng ra vườn nhà mình, cho bà con trong vùng, trong đó có những cây được chiết ghép cách đây 80 năm”.
Theo chia sẻ của các hộ dân trồng vải ở xã Phan Sào Nam, vải trứng thường thu hoạch sau vải lai chín sớm từ 7 – 10 ngày và thu hoạch trước vải thiều, khi chín cho quả to, khoảng 18 quả/kg (vải lai chín sớm khoảng 25 quả/kg), vỏ đỏ rực đẹp mắt, vị ngọt đậm.
Vải trứng khi thu hoạch để ngoài tự nhiên từ 3 - 4 ngày vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị. Một cây vải xòe tán chiếm diện tích 50 m2, cho năng suất từ 3 - 4 tạ quả mỗi vụ. Mỗi ha canh tác có thể thu trên 500 triệu đồng/năm.
Trên địa bàn xã Phan Sào Nam hiện có khoảng 1.000 cây vải trứng đang cho thu hoạch. Xác định đây là giống có chất lượng tốt, cần được nhân rộng, năm 2018, xã Phan Sào Nam đã thành lập HTX nông nghiệp Quyết Tiến để bảo tồn và phát triển giống vải quý này.
Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam cho biết: Những năm gần đây, giá trị của quả vải trứng ngày càng được nâng cao, được nhiều người biết đến, giá bán tại vườn thường dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/kg và khách hàng thường đến đặt mua từ khi quả chưa chín. Từ nay đến năm 2020, xã được tỉnh cho mở rộng chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng vải lên 79ha.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phù Cừ đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây vải trứng, từ đó mang lại thu nhập cao cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển giống vải quý này.
Đang tưới nước cho vườn vải trứng mới trồng trên diện tích 4 sào, ông Trần Quang Mười ở thôn Đồng Minh, xã Đoàn Đào chia sẻ: “Nhận thấy cây vải trứng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng giống vải này”.
Cùng thời điểm với gia đình ông Mười còn có 11 hộ nông dân ở xã Đoàn Đào trồng cây vải trứng với số lượng 500 cây. Cây vải giống được HTX nông nghiệp Quyết Tiến (xã Phan Sào Nam) ký hợp đồng cung cấp, tư vấn kỹ thuật chăm sóc…
Ông Lê Quang Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Đào cho biết: “Hiện nay, xã có trên 100 hội viên hội nông dân đăng ký mua cây vải trứng về trồng. Đến tháng 9.2019, HTX nông nghiệp Quyết Tiến sẽ bàn giao 2.500 cây vải trứng để chúng tôi cung cấp cho bà con. Khi đó, diện tích vải trứng trên địa bàn xã sẽ được mở rộng trên 11ha”.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết: Toàn huyện Phù Cừ hiện có gần 100ha vải trứng trong đó có khoảng 15 - 20ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch.
Để mở rộng và phát triển diện tích cây vải theo hướng hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, năm 2017, UBND huyện Phù Cừ đã ban hành kế hoạch 100KH-UBND về phát triển trồng cây vải lai chín sớm và cây vải trứng trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2020. Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn huyện có diện tích trồng vải khoảng từ 1.400 - 1.500ha, trong đó diện tích trồng vải trứng khoảng 220ha.
Bên cạnh cơ chế hỗ trợ bà con nông dân, huyện Phù Cừ đang tập trung xây dựng quy trình sản xuất thâm canh cây vải phù hợp, bảo đảm việc chuyển đổi mang lại hiệu quả cao. Mặt khác chú trọng tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để cây vải chiếm lĩnh thị trường, phát triển bền vững; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất vải; tập trung bình tuyển chọn dòng, xây dựng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp và thâm canh cây vải trứng…