Trong chiến đấu phòng ngự ở trên bộ ngày nay, bên cạnh tích hợp các loại vũ khí hiện đại, quân đội nhiều nước trên thế giới sử dụng mìn để đánh xe cơ giới, máy bay trực thăng. Bởi đây là giải pháp được các nhà quân sự đánh giá là hiệu quả cả về kinh tế, kỹ thuật và chiến thuật.
So với tên lửa, mìn được xem là vũ khí có sức phá hoại ghê gớm nhưng rẻ tiền, dễ sử dụng. Nguồn ảnh: hfboard |
Vũ khí lợi hại
Trong chiến đấu phòng ngự, để ngăn chặn sức đột pháp, tiêu diệt các loại xe tăng, thiết giáp, phương tiện cơ giới khác của đối phương… quân đội các nước thường dùng các biện pháp chủ yếu: Thiết lập hệ thống vật cản không nổ tự nhiên, nhân tạo; xây dựng hệ thống vật cản nổ; sử dụng vũ khí chống cơ giới trên bộ, trên không, bố trí sẵn các bãi chống đổ bộ đường không…
Trong hệ thống vật cản nổ thì mìn là thành phần chủ yếu. Việc sử dụng mìn chống tăng là giải pháp được coi trọng hơn cả và thường được bố trí ở những nơi nhiều khả năng đối phương chọn là vị trí đột phá, mở cửa. Bởi mìn có trọng lượng nhẹ, dễ cơ động, mang vác, vận chuyển so với các loại hỏa khí, hỏa lực khác. Mìn có thể được vận chuyển với số lượng lớn và đưa vào tác chiến nhanh. Đặc biệt, mìn chống xe cơ giới thường có giá thành thấp hơn các loại bom, đạn khác mà vẫn đảm bảo hiệu suất chiến đấu, gây nhiều bất ngờ cho đối phương.
Mìn dễ mang váng, dễ bố trí, an toàn cho người sử dụng. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Thực tế các cuộc chiến tranh đã xảy ra, trong tác chiến phòng ngự, căn cứ vào địa hình, ở khu vực phía trước tiền duyên, bên phòng ngự thường bố trí sẵn các bãi mìn có chính diện, chiều sâu lớn, đủ để ngăn cản sức đột phá của đối phương bằng xe tăng, thiết giáp. Xin nói thêm là, tính đến thời điểm hiện nay, phương pháp “tấn công” trận địa, khu vực phòng thủ của đối phương bằng tăng, thiết giáp kết hợp với bộ binh và đổ bộ đường không bằng trực thăng vẫn được xem là hình thức chiến thuật chủ yếu và nguy hiểm nhất, bởi nó tận dụng được hỏa lực mạnh, sức cơ động cao của các phương tiện, đột phá nhanh, gây bất ngờ và giành thế chủ động trong tác chiến để tiến vào trung thâm sâu trận địa phòng ngự.
Do việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong thiết kế, chế tạo, nhất là trong cải tiến cơ cấu rải mìn, phóng mìn, tăng uy lực sát thương khi nổ nên các loại mìn chống cơ giới hiện đại cũng đa dạng, hữu dụng hơn so với cơ cấu nổ của các loại mìn đánh xe tăng, thiết giáp truyền thống mà vẫn bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ.
Ưu điểm chính của việc sử dụng mìn chống phương tiện cơ giới mặt đất trong tác chiến phòng ngự là gây được bất ngờ, làm thiệt hại đáng kể người, phương tiện của đối phương. Phương pháp này không tốn nhiều nhân lực trong bố trí, nhưng đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng vị trí, phương pháp bố trí và tính bảo mật trong thực hiện. Chính nhờ những ưu điểm này mà bên phòng ngự có điều kiện làm giảm tốc độ hành quân, tiến công của bộ binh, xe cơ giới, kìm giữ đối phương trước tiền duyên phòng ngự, tạo điều kiện cho các loại hỏa lực phát huy hiệu quả.
Cũng chính từ những yếu tố hữu dụng này nên mìn đã trở thành “sát thủ” đáng gờm đối với tất cả các loại phương tiện cơ giới đường bộ và được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Các chuyên gia quân sự xem mìn là “chìa khóa” hóa giải bài toán hiệp đồng quân, binh chủng, tấn công vào mục tiêu phòng ngự của đối phương.
Tấn công sườn xe tăng, xe thiết giáp
Ưu điểm nổi trội của mìn chống phương tiện cơ giới đã dần bị khắc chế khi đối phương sử dụng các loại phương tiện rà, phá mìn cơ giới hiện đại để vừa mở đường nhanh, vừa tấn công, đột phá vào trung tâm phòng ngự. Các nước có nền quân sự, quốc phòng mạnh trên thế giới đã ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu, chế thử và sản xuất các loại xe tăng, thiết giáp có khả năng mang các thiết bị dò, quét mìn; tích hợp giáp phản ứng nổ (hệ thống phòng ngự tích cực của xe tăng, xe cơ giới) để chống vũ khí chống tăng các loại.
Mìn chống tăng TM-83 của Nga có thể tấn công vào sườn xe tăng. Nguồn ảnh: Russia 2 |
Để đối phó với các ưu điểm nổi bật của xe tăng, xe cơ giới hiện đại, các nhà khoa học quân sự đã nghiên cứu, chế tạo các loại mìn chống tăng, chống xe cơ giới với nhiều ưu điểm nổi bật mới. Các loại mìn này được sản xuất trên cơ sở sử dụng tia laser và cảm biến âm thanh, cảm biến địa chấn, cảm biến hồng ngoại thụ động, tiêu diệt, phá hủy xe tăng, xe thiết giáp của đối phương hiệu quả lớn hơn nhiều so với các loại vũ khí khác. Trong đó, đáng chú ý là những loại mìn hiện đại tấn công vào sườn và phía bên trên của xe tăng, xe thiết giáp.
Các chuyên gia đã thiết kế ống phóng đế phóng mìn vào 2 bên sườn, tiêu diệt xe tăng, xe cơ giới đối phương. Để nâng cao hiệu quả phát hiện và phá hủy mục tiêu, các chuyên gia đã nghiên cứu, lắp đặt các cảm biến trên quả mìn. Các thiết bị cảm biến sẽ phát hiện và ghi nhận xe tăng, thiết giáp của đối phương ở các khoảng cách nhất định rồi tự động phóng mìn. Khi đến gần mục tiêu, mìn sẽ tự động gây nổ. Sự ra đời của mìn chống xe tăng, xe cơ giới theo phương pháp này giúp bên phòng ngự không phải bố trí các bãi mìn trước trận địa.
Binh sĩ Nga bố trí mìn chống tăng TM-83. |
Theo đó, mìn được đặt tại các bãi ở cách xa mục tiêu. Thông qua các cảm biến (âm thanh, địa chấn, nhiệt lượng, hồng ngoại) mìn sẽ phát hiện ra xe tăng, thiết giáp đối phương di chuyển. Lúc đó, hệ thống điều khiển sẽ tự xác định vị trí thuận lợi nhất để phóng mìn. Tuy nhiên, loại mìn sẽ bị hạn chế tác dụng vì gió, vật cản, tốc độ chuyển động của mục tiêu. Đặc biệt, do mìn được thiết kế dạng nổ lõm nên dễ bị “giáp phản ứng nổ” của mục tiêu khắc chế.
Để không bị “nổ trước”, các nhà khoa học quân sự đã cải tiến, lắp đầu đạn hiệu ứng nổ lõm cho mìn, kết hợp giữa xuyên và phá hủy xe tăng. Tiêu biểu là mìn tiến công sườn xe TM-83 do Nga chế tạo có tốc độ luồng xuyên phá vượt tốc độ âm thanh. Cụ thể, trên đường bay của nó, các hệ thống phòng thủ tích cực không cản được, kể cả các vật cản như lá chắn sườn xe, “giáp phản ứng nổ” và các vật cản khác. Theo tính toán, loại mìn này có khả năng tiêu diệt, phá hủy 90% xe tăng, xe thiết giáp của đối phương.