Với nhu cầu của người dùng ngày càng tăng cao, thị trường gọi xe công nghệ đang ngày càng phát triển và trở nên phổ biến. Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường này bất ngờ xuất hiện thêm hai ứng dụng mới có tên là Unicar và ZuumViet.
ZuumViet lựa chọn màu áo tím để nhận diện thương hiệu. |
Theo đó, Unicar là ứng dụng gọi xe công nghệ do một nhóm bạn trẻ tại Nghệ An phát triển, với các dịch vụ như gọi xe, vận chuyển hàng hóa, thuê xe với chi phí giá rẻ cho khách hàng. Mục tiêu của Unicar nhằm đem lại giải pháp công nghệ mang tính thực tiễn cao, với chi phí tiết kiệm nhất cho khách hàng.
Trên Unicar được giới thiệu bao gồm các dịch vụ như: Uni Car (đưa đón bằng ô tô); Uni Bike (đưa đón bằng xe máy); Uni Fast (giao hàng nhanh); Uni Truck (vận tải ký gửi hàng hóa); Uni Rent (cho thuê xe tự lái). Tuy nhiên, Unicar mới chỉ đang được thử nghiệm tại Nghệ An, và thời gian tới sẽ mở rộng ra Huế, Đà Nẵng.
Ứng dụng gọi xe công nghệ Unicar vừa xuất hiện trên thị trường. |
Trong khi đó, ZuumViet đang trong quá trình tuyển dụng tài xế để chuẩn bị ra mắt ứng dụng. Các dịch vụ của ZuumViet được giới thiệu gồm: ZuumBike (xe máy); ZuumCar (4 chỗ, 7 chỗ); ZuumLux (ứng dụng gọi xe sang như Audi, BMW). ZuumViet lựa chọn màu áo tím để nhận diện thương hiệu.
Về cước phí đi xe, ZuumBike thông tin sẽ thu khách hàng 11.000 đồng/2km đầu và 3.200 đồng cho mỗi km tiếp theo. Với ZuumCar sẽ là 24.000 đồng/2km đầu và 8.900 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Nếu đi xe sang, khách hàng phải trả 60.000 đồng/2km đầu và 20.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Trên trang thông tin ZuumViet cho hay, hãng này đưa ra mức chiết khấu đối với tài xế là 25% (đã bao gồm các mức thuế).
Trước đó, sự cạnh tranh giữa các hãng Grab, GoViet... diễn ra hết sức khốc liệt ở thị trường Việt Nam. (Ảnh Zing.vn). |
Trước khi ZuumViet và Unicar xuất hiện, thị trường gọi xe công nghệ đang cạnh tranh nhau hết sức khốc liệt với các hãng như Grab, GoViet, Be, Fast-Go… Việc Unicar và Zuumviet nhảy vào thị trường gọi xe công nghệ khiến dư luận không khỏi thắc mắc: Liệu Grab, Be, GoViet... có lo?
Theo báo Người Lao Động, để cạnh tranh với các đối thủ, hãng Grab đang triển khai thử nghiệm "chuyến xe hẹn giờ", áp dụng cho dịch vụ GrabCar cho thị trường Hà Nội. Với "chuyến xe hẹn giờ", người dùng Grab có thể đặt trước các chuyến xe GrabCar, tối đa 7 ngày so với thời điểm cần di chuyển.
Trong khi đó, với thị trường giao thức ăn, hãng Grab dẫn số liệu của hãng nghiên cứu Kantar cho biết 87% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát lựa chọn GrabFood là dịch vụ thường xuyên sử dụng nhất. Về số lượng tài xế, Grab cho biết hãng có 190.000 đối tác tính đến tháng 5/2019.
Đối với GoViet, hãng này cũng tuyên bố năm 2019, dịch vụ giao đồ ăn Go-Food của hãng tiếp nhận hàng trăm nghìn đơn hàng mỗi ngày. Tháng 8/2019, GoViet công bố đang hợp tác với 125.000 tài xế.
Còn Be cho biết, đã thu hút được hơn 40.000 tài xế.
Zing.Vn dẫn kết quả nghiên cứu của ABI Research cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, đã có 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam. Trong số này, Grab chiếm tới 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.
Đứng thứ hai là Be (tham gia thị trường từ tháng 12/2018). Thống kê của ABI, Be hoàn tất 31 triệu cuốc xe trong 6 tháng năm 2019, giành được 16% thị phần.
GoViet, chỉ xếp thứ ba với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần. 1% còn lại thuộc về FastGo và các ứng dụng khác.
Hiện Grab và GoViet đang thu 20% chiết khấu từ đối tác tài xế, Be thu ở mức 25% nhưng có đóng bảo hiểm cho tài xế...