Vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hiện đang là một trong những sự kiện nóng dư luận. Người dân hy vọng các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên. Nhân vụ việc này, Kiến Thức xin gửi tới bạn đọc bài viết tư liệu thú vị về cách ứng xử khôn khéo, "lấy dân làm gốc" của vua chúa Việt xưa khi giải quyết những sự vụ đụng tới lợi ích của người dân.
Phải sòng phẳng với dân
Trong thời vua Minh Mạng, nhà vua này đã nhiều lần chỉ dụ cho quan lại phải sòng phẳng với dân mỗi khi có việc cần huy động sức dân. Theo sách "Đại Nam thực lục" (tập 2), năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua cho đào sông Vĩnh Định ở Quảng Trị để thông đường cho thuyền bè.
Để làm việc này, vua sai quan Phó đô thống chế Phan Văn Thúy trông coi việc đào sông và cấp cho cờ khâm sai cùng lệnh bài phụng chỉ. 3.700 người dân của Thừa Thiên và Quảng Trị được huy động đến đào và được cấp tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp tiền 5 quan gạo 2 phương 15 uyển). Vật liệu cần dùng thì quan phải mua, không được lấy ở dân.
Nhà vua dụ cho Phan Văn Thuý rằng: “Gần đây ít mưa, giá gạo hơi cao, trẫm thực chẳng muốn làm nhọc sức dân ; duy con sông ấy công tư đều lợi, mà người đến làm lại cấp tiền gạo, chẳng chút ngại phí, ấy cũng là cái ý lấy công thay chẩn. Ngươi nên lấy ý ấy bảo rõ cho dân biết. Còn tiền gạo chi phát không nên uỷ riêng cho lại dịch, mà chúng bớt xén, để cho dân ta nhờ được của kho mà vui lòng đến làm việc”.
Tranh vẽ vua Minh Mạng. Ảnh minh họa. |
Trong câu chuyện này có điều đáng nói là những vật liệu cần dùng cho công việc thì quan phải mua chứ không được viện cớ phục vụ công việc mà lấy lạm của dân. Mặt thứ hai là ngay trong chỉ dụ của mình, vua Minh Mạng cũng nói rõ rằng lúc bấy giờ giá gạo cao (tức là đời sống đang khó khăn), ông không muốn làm nhọc sức dân vào việc phu phen tạp dịch nhưng việc đào con sông này để thông thuyền bè buôn bán, lợi cả cho nhà nước lẫn cho dân. Bởi vậy ông chẳng ngại phí của công quỹ mà đầu tư tiền gạo để đào.
Có điều đặc biệt là người dân đi làm việc thì được phát gạo phát tiền. Điều này là đặc biệt bởi vì thời phong kiến, một năm mỗi suất đinh phải đi phu vài tháng. Đi phu tức là đi lao động công ích không có thù lao. Nhưng ở đây vua Minh Mạng huy động dân đi đào sông và vẫn phát tiền gạo vừa là để cứu tế tình trạng khó khăn cho dân mà vừa làm việc thổ mộc nên ông mới nói rằng: “ấy cũng là cái ý lấy công thay chẩn”.
Một lần khác, cũng liên quan đến việc phải huy động dân chúng, vua Minh Mạng lại thể hiện rõ quan điểm sòng phẳng với dân. Vẫn theo sách Đại Nam thực lục, năm 1825, dinh Quảng Nam muốn xây cầu đá trên đường quan nên tâu lên vua xin bắt dân làm việc. Trong dụ phê trả lời vua viết rằng : “Trẫm mỗi khi dùng nhân công, tất sai thuê mướn, vốn muốn lợi cho dân ; bọn ngươi lại muốn chia việc cho dân là sao vậy ? Nếu người lấy sự thuê mướn làm khó thì trẫm sai người khác làm thay, sau khi xong việc, thử nghĩ xem bọn ngươi còn mặt mũi nào làm châu mục nữa ?”. Bởi vậy, sau đó các quan ở dinh Quảng Nam bèn tâu xin thuê làm. Vua ra lệnh hằng ngày phải phát tiền gạo hậu cấp cho người làm.
Vua Tự Đức yêu cầu phải hỏi ý kiến dân
Thời Nguyễn, đê sông Hồng nhiều lần bị vỡ. Cũng trong thời gian đó, trong triều đình tồn tại 3 quan điểm là giữ đê, phá đê và đào thêm sông. Theo sách Đại Nam thực lục (tập 7), năm 1847, năm đầu tiên vua Tự Đức nối ngôi, quan Khoa đạo là Phạm Xuân Quế tâu lên rằng: “Đê điều thuộc tỉnh Hà Nội, sửa đắp nhiều chỗ không hợp, xin đem sự nghi trù tính cho sau này được tốt mà thi hành”.
Một đoạn đê sông Hồng ở địa phận tỉnh Hưng Yên ngày nay. Ảnh minh họa. |
Trả lời cho tờ tâu này vua Tự Đức thận trọng yêu cầu phải xem xét kỹ và hỏi ý kiến người dân để tìm ra một phương án thích hợp nhất mà làm. Vua nói : “Đắp đê để chống nhau với nước sông, cố nhiên là người xưa đã thất sách. Nhưng sau khi đã có đê rồi, lại không thể nhất khái bác bỏ đi được, cần nên xét kỹ tình hình, châm chước theo sự thuận tiện của dân, mà phân biệt những chỗ đê nào nên bỏ, đê nào nên đắp cho xác đáng, mới là thoả thiện.
Tức như một hạt Hà Nội, 4 mặt giáp sông, những huyện ở thượng lưu hạ lưu, thế nước chảy xiết, cố nhiên không thể không đắp đê để phòng nước to tràn vào để giữ cho dân ; còn các huyện ở giữa, thì thế đất rất thấp, nên cho tuỳ theo từng nơi sở tại, đắp qua con đê nhỏ, để giữ lúa chiêm, còn đến mùa nước to, để cho nước tràn qua dễ vào cũng không hại gì, vì nước vào dễ thì lại rút ra sớm, thế phải như vậy. Từ trước tới nay vẫn làm như thế, nước không phí uổng, dân khỏi khó nhọc công không, mà cũng không có hại về việc đê vỡ.
Thế mà gần đây tỉnh thần lại đem những đê đã bỏ xin sửa đắp lại, thành ra bị vỡ lở. Nay chuẩn cho viên Tổng đốc tỉnh ấy là Tôn Thất Bật hội đồng với các viên Bố, án là bọn Vương Hữu Quang, Nguyễn Xuân Bảng đem các điều trong tập của khoa đạo tâu bày xét kỹ và khám lại, dò hỏi tình dân về việc các đoạn đê bỏ ấy nên để lại hay nên bỏ đi như thế nào, làm bản tâu lên chờ Chỉ tuân hành”.
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng mặc dù thời phong kiến vua quan và triều đình chuyên quyền nhưng họ cũng không phải luôn luôn làm mọi việc theo ý mình. Nhất là khi những việc đó có can hệ đến cuộc sống của hàng ngàn hàng vạn người dân. Bởi lẽ người xưa thấm nhuần câu nói rằng: “Bần cùng sinh đạo tặc”, nếu rất đông đảo dân chúng bị đẩy vào tình cảnh bần cùng thì sẽ phát sinh bất bình và từ đó xã hội mất ổn định.