Chủ nhật vừa rồi, cố vấn Tổng thống Ukraine ông Igor Zhovkva đã trả lời xác nhận với tờ Financial Times rằng, quốc gia này sẽ từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.
Việc Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO, khiến nhiều người tin rằng xung đột Kiev - Moscow sẽ sớm đi tới hồi kết. Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Giới phân tích nhận định, việc Ukraine từ bỏ mọi nỗ lực gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, chỉ là một trong số nhiều yếu tố khiến xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của mình, Nga đã tuyên bố mục tiêu của chiến dịch nhằm "phi quân sự hoá và phi phát xít hoá" Ukraine. Với mục tiêu này, rõ ràng Moscow vẫn chưa đạt được, khi quân đội Ukraine vẫn đang tiếp tục chống trả quyết liệt các đợt tấn công ở miền Đông.
Ngoài ra, ngay sau xác nhận của phía Ukraine về việc không gia nhập NATO, tổng thống nước này ông Zelensky đã khẳng định rằng: "Tất cả thành phố của chúng ta, Sievierodonetsk (Severodonetsk), Donetsk, Lugansk, chúng ta sẽ lấy lại hết".
Nhiều thành phố của Ukraine đã biến thành "bình địa" sau 5 tháng hứng hoả lực từ cả hai phía. Ảnh: Foxnews. |
Điều này có nghĩa, ngay cả khi Nga muốn giữ nguyên hiện trạng ở Ukraine, Kiev cũng không đồng ý, và sẽ nỗ lực tới cùng để giành lại những phần lãnh thổ đã mất. Trong một bài phát biểu mới đây, Tổng thống Ukraine khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để khôi phục hiện trạng lãnh thổ nước này vào thời điểm trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng với tương quan lực lượng hiện tại, việc Ukraine có thể khôi phục lại toàn bộ hiện trạng lãnh thổ như trước giai đoạn xảy ra xung đột, là điều rất khó khăn. Cần phải nhớ rằng, trong cuộc xung đột Ukraine kể từ năm 2014, Nga luôn chiếm thế chủ động, bản thân Kiev cũng từng rất muốn lấy lại bán đảo Crimea, nhưng không thể thành công.
Ở tình trạng hiện tại, binh lực của Ukraine rõ ràng là thua thiệt Nga rất nhiều. Ví dụ như ở trên không và trên biển, dù vẫn còn ít nhiều thiệt hại, nhưng quân đội Nga đang gần như làm chủ. Trên đất liền, xung đột giữa các bên đã chuyển từ "toàn diện" sang "tiêu hao" với không gian xung đột gói gọn ở khu vực miền Đông.
Việc thu hẹp không gian giao tranh, giúp Nga có thể dồn toàn lực, giáng đòn mạnh vào Donbas để sớm giải tào khu vực này. Trong khi đó, với việc dựa vào viện trợ từ phương Tây, Ukraine tỏ ra kém lợi thế, khi bị thiếu hụt nghiêm trọng các loại hoả lực hạng nặng.
Vậy nên, sẽ rất khó để có thể nhìn thấy sự kết thúc của cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhất là khi các mục tiêu quan trọng và cũng không kém phần "tham vọng" của cả hai bên, đều chưa thể đạt được. Chưa kể tới việc, nỗ lực đàm phán giữa các bên dường như cũng đã gián đoạn từ lâu.