Thời gian gần đây, truyền thông phương Tây đã nhắc nhiều đến máy bay không người lái cảm tử Lancet của Nga, mô tả UAV này là loại vũ khí vô cùng lợi hại có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ukraine.
UAV Lancet có thể tấn công pháo binh và các phương tiện bọc thép hạng nhẹ. (Ảnh: Defensenews)
|
Lancet được coi là “cánh tay nối dài” của Nga, chuyên tấn công các mục tiêu trên đất liền, có khả năng vô hiệu hóa nhiều vũ khí hiện đại của đối phương. UAV có tầm hoạt động từ 40km trở lên, tùy thuộc vào từng biến thể. Nhờ có hệ thống liên lạc ổn định, hệ thống truyền tín hiệu truyền hình và radio, Lancet được coi là “bậc thầy” về tấn công chiến thuật. Các mục tiêu ưu tiên của UAV này là bệ pháo tự hành, pháo kéo, hệ thống tên lửa phòng không, trạm radar và nhiều loại vũ khí khác, vốn rất khan hiếm đối với Ukaine.
Nhiều video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy UAV Lancet làm hư hại hoặc phá hủy các thiết bị có giá trị của Ukraine do phương Tây viện trợ như xe tăng Leopard 2 và lựu pháo tự hành Caesar.
Việc đối phó với UAV này không hề dễ dàng. UAV Lancet có khả năng bay thấp để tranh radar, tính cơ động cao, mức độ phát nhiệt thấp và đường bay khó xác định, vì thế rất khó bị các hệ thống phòng không thông thường phát hiện hoặc bắn hạ. Trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng phương tiện và vũ khí, Ukraine khó có thể trang bị hệ thống phòng không để tiêu diệt UAV tại tất cả các địa điểm quan trọng.
Lưới chống UAV của Ukraine. Ảnh: Reuters
|
Sử dụng thiết bị tác chiến điện tử
Trong trường hợp đó, Ukraine có thể áp dụng biện pháp truyền thống là triển khai thiết bị tác chiến điện tử. Lancet được cho là sử dụng một kênh liên lạc không dây kết nối với trạm điều khiển ở một tần số nhất định, mặc dù điều này giúp nó hạn chế tiếng ồn khi hoạt động nhưng dải tần đó vẫn có thể bị gây nhiễu.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự và một số phương tiện truyền thông phương Tây, việc vô hiệu hóa UAV Lancet bằng thiết bị tác chiến điện tử cũng chưa phải là biện pháp tối ưu. Kiev chỉ có thể đối phó hiệu quả với UAV này khi chúng ở chế độ bay tự động. Một khi Lancet nhận lệnh tấn công và được điều khiển bởi người vận hành thì gần như không thể chống lại nó. Ngay cả khi bị mất kiểm soát do kênh liên lạc bị gây nhiễu, UAV Lancet vẫn tiếp tục di chuyển theo quỹ đạo đã được cài đặt trước. Trong trường hợp bị gây nhiễu cực mạnh, UAV có thể tự động ngắt liên lạc với kíp vận hành.
Theo quân đội Ukraine, cách duy nhất để chống lại máy bay không người lái Lancet là gây nhiễu trong phạm vi từ xa, song không phải đơn vị nào cũng có thiết bị tiên tiến, có khả năng phát hiện UAV này ở khoảng cách xa. Thông thường, các binh sỹ Ukraine chỉ có thể phát hiện ra UAV này khi chúng đến gần, nhưng khi đó họ hầu như không còn thời gian để thực hiện các biện pháp tự vệ.
Sử dụng lưới chắn bẫy UAV
Để phòng ngừa UAV, các binh sỹ Ukraine đã sử dụng biện pháp thủ công là sử dụng các tấm lưới che chắn khu vực xung quanh. Một số video và hình ảnh được đăng trên Telegram cho thấy những tấm lưới này được giăng xung quanh chiến hào, hoặc các vị trí pháo binh để ngăn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Biện pháp này gần như là cứu cánh duy nhất để bảo vệ những khí tài quân sự đắt đỏ và khan hiếm của Ukraine trước các cuộc tấn công của UAV Lancet. Dù thô sơ, nhưng ít nhất những tấm lưới chắn sẽ ngăn không cho UAV tiếp cận gần mục tiêu, giúp Ukraine giảm tổn thất về phương tiện và thiết bị.
Về mặt lý thuyết, khi UAV bay vào lưới, chúng sẽ bị phát nổ ở khoảng cách xa mục tiêu và không gây ra thiệt hại lớn. Ban đầu, một số đơn vị của Ukraine được cho là sử dụng lưới đánh cá. Nhưng những tấm lưới giá thành tương đối rẻ này đã làm dấy liên nhiều câu hỏi về tính hiệu quả. Sau đó, các binh sỹ Ukraine đã sử dụng lưới bằng kim loại với nhiều kích cỡ khác nhau để bao phủ mọi hệ thống từ tên lửa phòng không đến pháo kéo.
Tuy vậy, việc lắp đặt các tấm lưới chắn đang làm phức tạp thêm hoạt động của các đơn vị chiến đấu, chủ yếu là những xạ thủ vận hành pháo kéo. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, những cấu trúc nặng nề và cồng kềnh như vậy cần phải được lắp ráp hoặc tháo rời khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Tất cả các thao tác đều cần rất nhiều thời gian. Trong điều kiện giao tranh khốc liệt, việc di dời lưới có thể khiến các đơn vị pháo binh Ukraine dễ bỏ lọt mục tiêu và hạn chế tính cơ động.
Chưa kể, khi UAV phát nổ, một số mảnh vỡ của chúng vẫn có thể văng ra xa và tác động vào mục tiêu. Các mảnh vỡ này có thể vô hại đối với những phương tiện bọc thép nhưng lại gây ra mức độ tàn phá khác nhau đối với những hệ thống không có giáp bảo vệ.
Ngoài ra, để đối phó với các tấm lưới chắn của Ukraine, Nga được cho là đã triển khai UAV Lancet theo cặp. Chiếc đầu tiên có nhiệm vụ chọc thủng lưới phòng thủ và chiếc thứ hai sẽ bay vào bên trong để tiến tới mục tiêu. Chiến thuật này khiến Nga mất nhiều UAV hơn, song đối với Moscow, việc phá hủy các loại vũ khí quan trọng của đối phương vẫn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.