Ngày 2/6, sau khi "tỷ phú ve chai" nhận 5 triệu yen từ Công an quận Tân Bình, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người nhặt ve chai ở TP HCM, cùng luật sư đã tới ngân hàng tiến hành các thủ tục hỗ trợ giao dịch. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đây khi các vấn đề liên quan tới việc nộp thuế số tiền nói trên bắt đầu phát sinh.
Trao đổi với phóng viên về trường hợp của chị Hồng, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho biết, nếu áp dụng sòng phẳng, người nhặt ve chai không phải nộp thuế cho khoản tiền 5 triệu yen.
Theo ông Đức, khoản tiền chị Hồng nhận được không nằm trong bất cứ trường hợp nào phải chịu truy thu thuế. Tuy nhiên, trong tình huống các cơ quan thuế "sử dụng câu chữ" để áp luật, khả năng chị ve chai phải nộp thuế cho số tiền nói trên vẫn có thể xảy ra.
Một luật sư thuộc Hội luật gia Bình Phước cho rằng, thu nhập cá nhân là hàng tháng. Còn trong trường hợp này, khoản tiền chị Hồng nhận được là thu nhập bất thường. Do đó, chị Hồng phải có nghĩa vụ đóng thuế cho khoản này.
“Hiểu nôm na, trường hợp của chị Hồng giống như trúng số. Như vậy, khoản thu nhập bất thường của chị Hồng theo đúng luật là phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Không thể nào nói chị Hồng được lãnh toàn bộ số tiền 5 triệu yen mà không phải đóng bất cứ loại thuế nào được”, vị này phân tích.
Cũng theo luật sư này, đây có thể là việc chưa có tiền lệ nên ngành thuế sẽ có những lúng túng bước đầu. Tuy nhiên, trong trường hợp của chị Hồng, truy thu thuế vẫn là việc cần phải làm.
Trường hợp truy thu thuế chị ve chai còn bỏ ngỏ do luật chưa có quy định rõ ràng. (Ảnh: Trường Nguyên) |
“Chúng ta nên căn cứ vào luật. Thu nhập bất thường thì sẽ chịu thuế ra sao, ở mức nào? Chúng ta cũng không nên nói rằng, chị ve chai nghèo khổ và chúng ta tạo mọi điều kiện hết mức, bằng cách cho chị nhận đủ số tiền trên. Nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội thì mọi người đều phải thực hiện như nhau”, luật sư này nói thêm.
Một lãnh đạo ngành thuế tại Hà Nội cho biết, trường hợp của chị ve chai còn bỏ ngỏ do luật không có quy định rõ ràng và chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, chị Hồng vẫn nên nộp thuế bởi khoản tiền 5 triệu yen, về mặt nào đó có thể coi là thu nhập bất thường. Theo quy định, các thu nhập này vẫn bị tính thuế.
Nếu chị ve chai sống ở nước ngoài?
Trường hợp của chị ve chai tương đối giống với câu chuyện kinh điển thường xuất hiện trong các cuốn sách về luật pháp trên thế giới, có tên "Cesarini vs United States".
Năm 1957, cặp vợ chồng tại Mỹ mua một chiếc piano cũ trong phiên bán đấu giá với mức 15 USD. 7 năm sau, trong một lần lau chùi, 2 người phát hiện 4.467 USD cũ được giấu bên trong chiếc đàn. Sau đó, họ đem số tiền này tới ngân hàng, yêu cầu đổi thành tiền mới rồi khai báo với cơ quan thuế.
Tuy nhiên, sau đó 1 năm, hai người đã nộp đơn lên tòa án và yêu cầu loại bỏ số tiền 4.467 USD trên khỏi các khoản truy thu thuế. Cặp vợ chồng cho rằng, khoản tiền họ tìm thấy không thể được tính là thu nhập và do đó, không phải chịu thuế.
Chị ve chai làm thủ tục nhận 5 triệu yen. |
Mặc dù vậy, các cơ quan có thẩm quyền tại Mỹ đã bác đơn của họ và vẫn tính thuế khoản tiền nói trên. Lý do những cơ quan này đưa ra là các khoản thu nhập, bất kể đến từ nguồn nào, đều phải chịu áp thuế. Vì thế, tòa án tại Mỹ vẫn quyết định thu khoản thuế 836,51 USD của đôi vợ chồng này.
Mới đây nhất, năm 2014, một cặp vợ chồng tại Mỹ tình cờ phát hiện kho báu có trị giá khoảng 10 triệu USD trong khu đất của gia đình. Sau đó, họ nộp thuế 50% giá trị kho báu, đúng với quy định của luật pháp tại đây.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trường hợp của chị ve chai một lần nữa cho thấy những điểm chưa chặt chẽ trong luật pháp tại Việt Nam. Đối chiếu với các trường hợp ở nước ngoài, khi các điều luật rõ ràng và cụ thể, không có gì khó khăn để xử lý, giải quyết.