“Em đi vắng chưa đầy hai ngày mà bố con anh để bát đũa, xoong nồi, quần áo chất đống trong nhà tắm, bốc mùi lên. Tháng sau em đi công tác 1 tuần chắc mọi thứ ngập ra tận ngõ...”.
“Mấy việc vặt đó là của phụ nữ, anh làm sao được. Thế nên bố con anh không muốn em vắng nhà dù chỉ một lúc”.
Đó là mẩu đối thoại của vợ chồng Vân sau 2 ngày chị có việc phải về quê gấp. Trên thực tế không ít gia đình giống hoàn cảnh của Vân.
Vô số nguyên nhân
Vợ chồng Vân (Long Thành, Đồng Nai) đều là công chức nhà nước, làm việc cùng cơ quan. Chồng chị là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình, năm nào cũng được cấp trên biểu dương, khen ngợi. Dường như anh trở thành mẫu người lý tưởng khiến nhiều đồng nghiệp tỏ ra ghen tị với Vân vì có được một ông chồng giỏi giang, chịu khó. Thế nhưng chị chẳng hề vui bởi “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Ảnh minh họa. |
Nếu như công việc cơ quan Nam tích cực bao nhiêu thì về nhà anh lại lười bấy nhiêu. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều một mình vợ cáng đáng. Từ nấu cơm, rửa bát, giặt đồ, lau dọn nhà cửa đến đưa, đón con đi học… tất tật đều là “việc của đàn bà” nên chồng chị phó mặc cho vợ xoay xở. Những lúc ở nhà, Nam chỉ chơi game, xem phim, đọc báo hoặc cùng lắm là chơi đùa với các con đôi chút. Có lần Vân nhờ chồng cắm hộ nồi cơm, loay hoay mãi anh mới làm xong nhưng tối đó cả nhà phải ăn mì tôm vì… cơm bị sống. Từ đó chị chẳng nhờ chồng giúp mà tự nhủ, thà mình làm cố còn hơn.
Giờ nhìn “bãi chiến trường” ngổn ngang trong nhà tắm, chị Vân thở dài khi nghĩ đến chuyến công tác dài ngày sắp tới: đành phải xin nghỉ chứ đi rồi việc nhà bừa bộn biết lấy ai lo.
Ảnh minh họa. |
Tương tự, chị Phương (Thủ Đức, TP.HCM) cũng hay phàn nàn: Việc nhà sao nhiều thế, làm suốt ngày chẳng lúc nào ngơi tay! Thời mới cưới, chồng chị cũng hay chia sẻ việc nhà với vợ nhưng lúc đó lại quá chiều chồng nên chị Phương “ôm” hết. Lâu dần thành quen, anh chồng chịu khó ngày nào bỗng dưng lười, chẳng giúp gì vợ bởi anh cho rằng “mấy việc nhỏ, chỉ cần vợ làm là đủ”. Anh tự cho mình cái quyền xả hơi, thư giãn trong khi vợ trần thân bếp núc, quét dọn… bất kể chị đi làm về sớm hay muộn cũng đều phải tự lo. Thấy vậy nhiều người thân góp ý nhưng chị chỉ cười: “Mình làm quen rồi, ráng một chút có sao đâu”.
Còn chị Tâm (Tam Phước, Biên Hòa) lại tối ngày vất vả, hết việc ở công ty lại đến một núi việc nhà. Chồng chị tên Dũng, vốn là con nhà khá giả, được nuông chiều từ bé nên chẳng biết đến nỗi cực nhọc của “những việc không tên”. Dũng luôn có suy nghĩ, nam nhi đại trượng phu phải lo việc lớn chứ lo mấy việc vặt vãnh trong nhà sẽ làm cùn chí đàn ông! Nghĩ vậy nên Dũng thản nhiên phó thác việc nhà cho vợ.
Làm sao “cải tạo”?
Câu trả lời trước hết từ chính người phụ nữ. Sự lười biếng của chồng có một phần trách nhiệm ở người vợ.
Ảnh minh họa. |
Để giúp chồng “ngoan” hơn trước hết 2 người phải thống nhất với nhau không phân biệt việc của vợ hay việc của chồng, chỉ cần có thể làm và có thời gian thì cùng nhau làm cho nhanh chóng. Mặt khác, người vợ nên lựa chọn những lúc phù hợp để nhẹ nhàng giải thích cho chồng hiểu công việc ngày nay của phụ nữ không chỉ là quanh quẩn ở trong bếp, mà còn mở rộng ra ngoài xã hội. Chị em rất cần có thời gian nghỉ ngơi, giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp nên chồng phải tạo điều kiện cho vợ bằng cách “chia lửa” với vợ để giảm bớt gánh nặng việc nhà. Đồng thời, hãy khéo léo tạo cho chồng thói quen giúp vợ việc nhà từ những công việc nhỏ nhất, dễ làm, lâu dần sẽ đảm đang được nhiều việc khác. Chớ nản lòng, buông tay hoặc ôm đồm, gắt gỏng sẽ làm chồng tự ái, ỉ lại, lười càng lười thêm.
Thật ra việc nhà không hề vặt vãnh mà trái lại nó rất mất thời gian và tốn nhiều công sức. Không ít gia đình đã rạn nứt hạnh phúc chỉ bởi ông chồng vô tâm, phó mặc vợ tề gia nội trợ, tạo nên khoảng cách vô hình, thiếu gần gũi.
Dù chỉ làm một chút thôi cũng là sự động viên mang lại niềm vui, hạnh phúc ngọt ngào cho vợ bởi cảm giác được yêu thương, sẻ chia, thông cảm. Điều này tưởng chừng rất nhỏ nhưng “cái được” chẳng nhỏ chút nào!