Từ 0h sáng 23/8, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai thực hiện chiến dịch kiểm soát, siết chặt các phương tiện và người tham gia giao thông, bảo đảm thực hiện giãn cách nghiêm cũng như bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong đợt cao điểm này, TP HCM được sự hỗ trợ của hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ từ Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 4, Quân khu 7, Học viện Quân y và lực lượng tại chỗ phối hợp với chính quyền địa phương đứng chốt kiểm soát người dân không ra đường, thành lập Tổ y tế cơ động làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, tiêm vắc xin, tư vấn hỗ trợ điều trị F0 tại nhà; tổ chức tuần tra, chốt chặn, hỗ trợ triển khai gói an sinh, đi chợ giúp dân…
Lực lượng quân đội trực chốt kiểm soát COVID-19 tại TP HCM. Ảnh: NLĐ |
Vì nhân dân phục vụ
Nhấn mạnh 3 chức năng cơ bản của Quân đội là chiến đấu, công tác và sản xuất khi trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho rằng, khi có chiến tranh, có giặc thì đánh, không có giặc thì làm công tác huấn luyện, tham gia công tác theo nhiệm vụ, chức năng của quân đội.
Theo tướng Thước, không phải đến đợt dịch lần này quân đội mới ra quân. Trước đó, từ bão lũ, sạt lở, cháy rừng… lực lượng quân đội đều tham gia. Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, lực lượng quân đội đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.
Toàn quân đã triển khai hơn 1.900 tổ, chốt chống dịch với trên 13.000 lượt người, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của trên 22.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270.000 người; tổ chức 10 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, chuyển đổi công năng 1 bệnh viện đa khoa quân dân y thành bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, thành lập 1 trung tâm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nặng với hàng ngàn bác sĩ, nhân viên quân y.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
“Bây giờ tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam, nhân dân đang chống dịch như chống giặc. Dịch cũng là một loại giặc, bộ đội góp sức cùng nhân dân chống lại đại dịch, đó cũng là một chức năng công tác. Lực lượng quân đội dưới sự lãnh đạo điều hành của địa phương, thực hiện chức năng công tác của mình. Các đội quân y đã lên đường, nếu còn nhu cầu nữa lại tiếp tục lên đường. Còn một lực lượng của quân khu 7 tăng cường cho công an để làm công tác an ninh trật tự tại các chốt kiểm soát COVID-19…” - tướng Thước nói.
Tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh, đến thời điểm này, lực lượng quân y được huy động hơn 1.000 cán bộ, học viên từ Học viện Quân y vào TP HCM, còn lại các lực lượng quân đội khác đều từ Quân đoàn 4, Quân khu 7 và lực lượng tại chỗ.
“Cũng giống như đợt bão lụt miền Trung, lực lượng quân đội 'vì nhân dân phục vụ' sẵn sàng đối mặt với gian khó, hiểm nguy để cùng nhân dân miền Nam chống dịch” - tướng Thước nói.
Đại tướng Phan Văn Giang cùng các đại biểu động viên cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y trước giờ lên máy bay vào tiếp ứng miền Nam chống dịch. |
“Phải coi chống dịch như cuộc chiến”
Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh nhấn mạnh, hiện tình hình dịch bệnh tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam rất phức tạp, dù đã trải qua thời gian giãn cách dài nhưng số ca nhiễm của TP HCM chưa thuyên giảm. Do đó, việc việc huy động lực lượng quân đội tham gia chống dịch là cần thiết.
“Bây giờ dịch COVID-19 đang tấn công chúng ta chứ không phải ta tấn công. Làm thế nào để ngăn chặn COVID-19 không lây lan ra cộng đồng, biện pháp giãn cách, cách ly rất quan trọng. Do dịch COVID-19 tại TP HCM rất phức tạp, các lực lượng địa phương chưa đủ sức để làm được việc này nên cần huy động các lực lượng quân đội, công an tham gia để thực hiện nghiêm giãn cách xã hội” - tướng Hoàng Kiền nói.
Theo thiếu tướng Hoàng Kiền, TP HCM có đến gần 10 triệu dân, cùng với khoảng 3,4 triệu dân ở các tỉnh thành đến làm ăn sinh sống. Nếu thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm sẽ rất khó khăn, nhất là nơi đông người dân nhưng không có nguồn bảo đảm. Làm thế nào cho công tác hậu cần để người dân yên tâm giãn cách “ai ở đâu thì ở đó” là cực kỳ phức tạp. Không có quân đội tham gia, không ai giải quyết được hiệu quả vấn đề này.
“Tôi đã từng viết bài đề xuất quân đội phải tham gia chống dịch. Thứ nhất tham gia chống dịch bằng phương pháp không để dịch lây lan, thực hiện giãn cách nghiêm. Thứ hai phải đưa quân đội vào để cung cấp hậu cần cho nhân dân. Người dân không có ăn, người ta phải ra ngoài đường, nhiều người tìm cách về quê”- tướng Kiền nêu ý kiến.
Thiếu tướng Hoàng Kiền. |
Tướng Hoàng Kiền cho rằng, vừa qua, việc bảo đảm lương thực, thực phẩm và cuộc sống người dân của TP HCM chưa được tốt. Thành phố áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội thêm một tháng nhưng người dân gặp nhiều khó khăn nên ào ào kéo nhau về quê do chưa tin việc bảo đảm cuộc sống của họ trong thời gian giãn cách. Thực tế đòi hỏi phải có lực lượng quân đội có con người, phương tiện, hậu cần mới có thể làm được. Bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm chứ không chỉ là chuyện mua bán nữa. Muốn giữ được không để dịch lây lan, phải cách ly xã hội nhưng phải bảo đảm cho người dân không ai bị đói.
Bộ đội trao túi an sinh đến các hộ dân khó khăn. Ảnh: Lao động thủ đô |
“Quân đội phải coi cuộc chống dịch như cuộc chiến. Cuộc chiến phải giải quyết vấn đề phải ngăn chặn không cho dịch lan rộng, muốn “đánh dịch” phải “chặn dịch”, phải giãn cách, cách ly không để dịch lây lan. Công tác hậu cần cho cuộc chiến này trước đó chưa được tính kỹ. Muốn “ai ở đâu ở đó”, không di chuyển để kiểm soát dịch phải có giải pháp cung cấp thực phẩm cần thiết, không để người dân ra chợ, tập trung đông người. Việc lực lượng quân đội được huy động để cung cấp lương thực, thực phẩm, đi chợ giúp dân là rất cần thiết và mang nhiều ý nghĩa”- tướng Kiền nói.
Ông cho rằng, với truyền thống bách chiến bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, với trách nhiệm, tính kỷ luật cao, người dân hoàn toàn có thể tin tưởng, cán bộ, chiến sĩ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giúp TP HCM sớm khống chế được dịch bệnh trước ngày 6/9.
>>> Mời độc giả xem thêm video Những chuyến "tiếp quân" cho miền Nam: Sức nước" lòng dân chống COVID-19:
Nguồn: Zing