Là con gái quê nên từ nhỏ Thi đã được mẹ tập tành làm quen với những công việc nội trợ. Trở thành thiếu nữ, tuy không phải thuộc hàng công dung ngôn hạnh nhưng Thi luôn là điểm ngắm của các bà mẹ có con trai muốn đi hỏi vợ.
Bên cạnh nhà Thi là nhà cô hai Tím. Cô hai luôn miệng xuýt xoa phải chi cô có con trai, cô cưới Thi về làm dâu. Một hôm chợt nhớ mình có thằng cháu kêu bằng dì tên Bình ở Sài Gòn đang đi làm cho công ty xây dựng. Mẹ Bình nổi tiếng đảm đang nên bà rất kén dâu, bởi vậy quá ba mươi mà Bình vẫn chưa tìm được cho mẹ nàng dâu ưng ý. Cô thử làm mối cho hai bên, không ngờ Bình mới gặp Thi đã đem lòng cảm mên. Thi cũng có cảm tình với Bình. Sau hơn một năm qua lại, họ cưới nhau.
Thi theo chồng về làm dâu thành phố, ai cũng trầm trồ Thi có phước, lấy được chồng Sài Gòn, con một, nhà giàu, đẹp trai. Chỉ mình Thi, nỗi lo làm dâu xứ lạ cứ canh cánh bên lòng. Chồng cô là con trai duy nhất, có nghĩa là cô phải làm dâu, hầu hạ mẹ chồng đến trọn đời (ba chồng cô mất từ lâu).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
May mắn, mẹ chồng cô là người tử tế, sống tình cảm, rất mực thương con, ngoại trừ việc bà rất kỹ tính và thuộc típ người “con chó chạy qua nói con mèo con cái cũng phải vâng”. Tuy nhiên, do Thi biết ý chiều chuộng không cãi lại lời bà nên mọi việc đâu vào đấy, Bình thấy thế rất vui mừng vì hơn ai hết, anh là người biết tính mẹ rõ nhất.
Cuộc sống cứ thế trôi qua êm đềm. Một năm sau, Thi có thai. Không thể nào kể xiết nỗi vui mừng của mẹ chồng chị. Bà chăm sóc, tẩm bổ Thi chu đáo, bà đếm từng ngày mong cháu nội ra đời.
Ai ngờ, chỉ còn đúng một tháng nữa Thi sinh thì bà bị một cơn tai biến. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng một cánh tay và một bên chân bà yếu hẳn đi. Việc đi lại khó khăn, bản thân bà cũng cần người chăm sóc nên chuyện nuôi con dâu đẻ bà không thể đảm đương. Thế là, mẹ Thi dưới quê phải sắp xếp việc đồng áng lên chăm con gái và cháu ngoại.
Tuy không đi đứng được nhưng chuyện trong nhà nhất cử nhất động, mẹ chồng Thi đều tham gia và không ai được làm nghịch ý. Trong khi mẹ Thi ở dưới quê chuẩn bị lỉnh kỉnh mang lên nào là nước cơm rượu để Thi uống, rượu ngâm gừng để Thi xoa bóp chân tay, dây cứt quạ phơi khô để Thi uống sổ lòng, thì mẹ Bình không cho đụng đến “mấy thứ nhà quê ấy”. Bà bảo, bà đã chuẩn bị sẵn tổ yến, rượu thuốc, dầu nóng mua tận Hong Kong.
Mẹ Thi kêu Bình mua hẳn mấy cái bóng đèn tròn để dưới giường sưởi ấm cho Thi thì mẹ Bình gạt phắt “thành phố nóng thế này sưởi kiểu đó cháu nội tôi sẽ nổi rôm sảy”, bà cho cháu bà nằm máy lạnh “mát mẻ, đẹp da”. Mấy xâu dâu tằm ăn phôi khô mẹ Thi tỉ mỉ ngồi kết mấy đêm liền để đeo cho cháu ngoại ngủ không bị giật mình, bà nội cũng không cho đeo.
Tưởng vậy là bà không mê tín dị đoan, hóa ra không phải. Bà cũng sợ em bé bị vặn mình, không cho giặt đồ bằng máy giặt. Đồ đạc em bé chỉ được bóp nhẹ rồi phơi ngoài nắng. Buổi tối, em bé quấy khóc, bà ngoại phải vác lên vai đi tới đi lui suốt đêm. Thi thấy vậy nói mẹ bỏ em bé lên võng ru. Em bé thích quá ngủ ngon lành. Mẹ chồng Thi biết được, bà không cho, sợ nằm võng em bé bị cong lưng. Mẹ Thi lại vác cháu lên vai đi suốt đêm mỗi khi nó quấy khóc.
Bà sui càng bày vẽ, mẹ Thi càng bở hơi tai, đôi lúc cảm thấy tự ái nhưng rồi bà nghĩ không dễ gì một đứa con gái quê mùa ít học như Thi lại lọt vào một gia đình chồng có đầy đủ điều kiện tốt như vậy, thương con gái, bà nhẫn nhịn. Ngoài việc chăm con gái và cháu ngoại, bà còn kiêm luôn cả việc đi chợ, nấu ăn, quét dọn nhà cửa, lau chùi toilet.
Thi xót mẹ mình nhưng cũng biết ý mẹ chồng, cô cố nhắm mắt làm ngơ, thầm mong ngày tháng qua mau cho cô chóng khỏe cho mẹ về quê. Nhưng đến khi tận mắt chứng kiến cảnh mẹ cô bưng mâm cơm lên mời mẹ chồng, bị mẹ chồng sai lấy giùm cái thìa, rót giùm ly nước, thì cô không thể nhịn được nữa. Cô kể lại tất cả cho Bình nghe bằng một thái độ vô cùng bức xúc nếu không muốn nói là phẫn nộ.
Bình rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy thái độ của vợ nói về mẹ chồng. Bình an ủi Thi, để anh tìm cách nói với mẹ. Nhưng từ nhỏ vốn quen răm rắp nghe lời, chưa lần nào dám làm trái ý mẹ nên anh giống như người đứng trước một vấn đề nan giải. Anh càng cố hòa hoãn, Thi càng bức bách. Từ chỗ nói qua nói lại, họ dần to tiếng cãi vã.
Vì còn non ngày tháng nên sự tức giận làm Thi ngất đi, cả nhà náo loạn lên. Biết được sự việc, mẹ Bình đổ thừa bà sui xúi giục con gái, mẹ Thi lẳng lặng về quê, Bình phải mướn người về giúp việc. Thi buồn bã trở nên trầm cảm, không nói không cười. Ngôi nhà tưởng có tiếng trở thơ sẽ đầy ắp tiếng cười. Nào ngờ…
Có lẽ phải khó khăn lắm mẹ chồng – nàng dâu họ mới có thể trở lại những ngày tháng êm đềm xưa cũ. Thời gian sẽ làm phôi phao mọi vết thương lòng, nhưng để tìm được tiếng nói chung thì không dễ dàng gì. Mới hay, quan hệ mẹ chồng nàng dâu có muôn hình vạn trạng, nó biến hóa khôn lường, đòi hỏi người trong cuộc luôn phải tỉnh táo và quan trọng là phải cư xử với nhau bằng tấm lòng thương yêu chân thành.