Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, trong đó chia các nhóm sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với đất không có giấy tờ.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp.
"Quá trình cấp sổ đỏ, nhất là các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng thì căn cứ thực tế sử dụng đất, lịch sử quản lý đất đai là điều hết sức quan trọng. Phải khẳng định khi cấp giấy chứng nhận cho người dân mà để xảy ra tranh chấp, phức tạp hơn càng không nên. Đồng thời, chỉ có cán bộ trực tiếp gắn bó với người dân, trực tiếp nắm quỹ đất ở địa phương, trực tiếp quản lý di biến động của đất đai trong suốt quá trình lịch sử sử dụng đất đai mới nắm được việc này. Trong đó, phải đảm bảo đất không có tranh chấp, sử dụng ổn định. Ổn định có nghĩa sử dụng vào mục đích, thời gian nhất định", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật đất đai mới sẽ giúp tạo thuận lợi cho người dân trong cấp sổ đỏ, quy định rõ điều kiện mới về chính sách, còn lại là việc tổ chức thực hiện và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Để làm tốt chính sách này, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân phải đảm bảo ba yếu tố. Trong đó, yếu tố về pháp luật phải có đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp, được UBND cấp xã xác nhận. Tiếp đến là yếu tố thực hiện thì chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, thậm chí các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải xem xét việc thực hiện có gây khó khăn cho người dân không: "Việc này không thể quy định cụ thể trong luật. Nhưng trong Nghị định sẽ đưa vào trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ trong trường hợp này để hạn chế tối đa gây khó khăn, phiền hà cho người dân".
Tiếp nữa, Thứ trưởng Lê Minh Ngân chỉ rõ ý thức của người dân phải đảm bảo việc đề xuất cấp sổ đỏ đúng pháp luật, không để xảy ra mâu thuẫn xã hội trong quá trình thực hiện chính sách: "Đây là chính sách rất tốt vừa kế thừa của các Luật Đất đai trước đây và căn cứ vào thực tiễn hiện nay để có chính sách đó. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện các chính sách dưới luật, đồng thời, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở TƯ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để giám sát việc thực thi chính sách cho tốt".
Liên quan đến bảng giá đất sẽ được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2026, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, sau khi đã đánh giá rất kỹ lưỡng, qua nhiều lần họp, phân tích, Quốc hội đã thông qua và giữ nguyên phương án như đã trình là bảng giá đất sẽ ban hành hằng năm.
Về chuẩn bị cơ sở xây dựng bảng giá đất trong bối cảnh bỏ khung giá đất để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, tránh gây ách tắc, đồng thời từ khi luật được thông qua đến khi ban hành bảng giá đất mới (1/1/2026) phải mất gần 2 năm, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, trong quá trình xử lý chuyển tiếp đã có quy định cụ thể.
Theo đó, năm 2025 vẫn sử dụng bảng giá đất của Luật Đất đai 2013, có điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo phù hợp với giá đất thị trường theo nguyên tắc định giá đất của luật này để áp dụng.
Để chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng cho bảng giá đất mới từ 1/1/2026, luật đã quy định bảng giá đất xác định theo khu vực, vị trí. Trong đó, với các khu vực, địa phương đã có bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu về giá đất thì bảng giá đất xác định đến thửa đất, theo giá trị thửa đất đó. Cùng với đó, khuyến khích các địa phương tăng cường đầu tư kinh phí, nhân lực, giải pháp... để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo chủ trương, theo luật. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xong nội dung này.