Theo cáo trạng, năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) theo quy định từ Chính phủ và để có tiền sử dụng vào những việc khác, Tạ Bá Long (cựu Chủ tịch HĐQT GPBank) và Đoàn Văn An (cựu Phó Chủ tịch HĐQT GPBank) đã dùng các công ty “sân sau" phát hành 3.380 trái phiếu bán cho Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance), thu về 3.380 tỷ đồng.
Thu được số tiền trên, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An dùng hơn 3.124 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ GPBank, trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Hơn 255 tỷ đồng còn lại, Long và An sử dụng vào hoạt động đầu tư, kinh doanh tại 3 công ty “sân sau” gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Thành Trung (viết tắt là Công ty Thành Trung), Công ty TNHH Đại Lải (viết tắt là Công ty Đại Lải) và Công ty CP Ngôi sao Chí Linh (viết tắt là Công ty Chí Linh).
Cựu Chủ tịch GPbank Tạ Bá Long (giữa) tại phiên tòa tháng 12-2017. |
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc GPBank tăng vốn điều lệ lên 3.018 tỷ đồng, do không có tiền trả gốc và lãi cho EVNFinance, Long và An đã bàn cách rút tiền của chính ngân hàng do các đối tượng quản lý để trả nợ.
Cụ thể, Long và An đã dùng công ty Thành Trung và công ty Sao Bắc ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower (số 109 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Hợp đồng hợp tác đầu tư dự án “Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank” để rút 3.900 tỷ đồng của GPBank. Số tiền này được Long và An dùng trả nợ gốc, lãi cho EVNFinance và sử dụng, chi tiêu hết.
Ngày 13-7-2016, Ngân hàng Nhà nước có Kết luận giám định xác định hành vi của Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã vi phạm quy định tại Điều 140, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, gây thiệt hại cho GPBank số tiền 3.900 tỷ đồng và 858 tỷ đồng tiền lãi (tính đến ngày khởi tố vụ án, 13-7-2015).
Cáo trạng truy tố xác định với vai trò Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Thành Trung (Công ty Thành Trung là công ty của gia đình Tạ Bá Long, sở hữu 58,19% cổ phần tại Công ty cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Thủ đô (chủ sở hữu tòa nhà Capital Tower), Hoàng Công Hợp (con rể Tạ Bá Long) biết rõ Công ty Thủ đô chưa có phương án phân chia diện tích Tòa nhà Capital Tower cho các cổ đông.
Nhưng theo chỉ đạo của Tạ Bá Long, Hợp đã ký thỏa thuận đặt cọc bán 58% Tòa nhà Capital Tower cho GPBank nhằm giúp bố vợ nhận và sử dụng 2.200 tỷ đồng tiền đặt cọc của GPBank vào việc mua lại trước hạn và trả lãi cho số trái phiếu mà Công ty Thành Trung đã bán cho EVNFinance, trả nợ và cho Công ty Chí Linh vay.
Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của bị can Hoàng Công Hợp là giúp sức tích cực Tạ Bá Long khi gây thiệt hại 2.200 tỷ đồng cho GPBank.
Quá trình điều tra, cựu Chủ tịch Gpbank khai nhận, tháng 12-2008, sau khi Hoàng Công Hợp trở thành con rể, Tạ Bá Long đã làm thủ tục cho con rể là sở hữu 33,75% cổ phần tại Công ty Thành Trung. Do là Chủ tịch HĐQT GPBank, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Trung nên Tạ Bá Long đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông để bầu Hoàng Công Hợp làm Chủ tịch HĐQT, đại diện Công ty Thành Trung.
Sau đó, Hoàng Công Hợp đại diện Công ty Thành Trung ký thỏa thuận đặt cọc bán 58% diện tích của tòa nhà Capital Tower cho GPBank và người đại diện của ngân hàng là Tạ Bá Long.
Quá trình điều tra, Hoàng Công Hợp có biểu hiện tâm thần nên sau đó bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I. Và trong thời gian con rể cựu Chủ tịch GPbank điều trị bệnh thì Tạ Bá Long và Đoàn Văn An lần lượt bị xử phạt 5 năm tù và 13 năm tù, tại phiên tòa sơ thẩm hồi cuối năm 2017 về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tháng 8-2018, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có thông báo về việc Hoàng Công Hợp hết các triệu chứng tâm thần, không cần phải tiếp tục điều trị nội trú tại bệnh viện. Trên cơ sở đó, cơ quan tố tụng quyết định phục hồi điều tra và tiến hành các bước xử lý tiếp theo đối với Hoàng Công Hợp.