Có người cho rằng Tết không còn vui như xưa vì khi ta lớn, những lo toan chất chồng níu chân ta tung tăng như thuở thơ bé. Lo vun vén xong chuyện nhà cửa, công việc trước Tết, nhiều người lại lo đối phó với những câu hỏi kém duyên ngày Tết.
Những anh chàng, cô nàng đến tuổi cập kê sẽ bị hỏi chuyện dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, ai chân ướt chân ráo đi làm dễ bị dồn vào thế bí với loạt câu hỏi làm ở đâu, lương bao nhiêu, thưởng Tết nhiều không... Còn người đã đi làm được 5-7 năm lại có nỗi niềm riêng với chuyện tiết kiệm tiền lấy vợ, mua nhà, tậu xe...
Có người trả lời khéo, người đáp cho qua chuyện, người lại cảm thấy không biết nên nói sao cho phải phép. Những câu hỏi tưởng chừng quan tâm ấy lại vô tình gạn đi ít nhiều sự háo hức đón Tết trong lòng người trẻ. Không khí ngày xuân có lẽ vì thế mà kém phần trọn vẹn.
Nhưng ngẫm lại thì, những câu hỏi trên chỉ là cách người lớn mở đầu câu chuyện. Nên thay vì phiền lòng, bạn có thể ngồi xuống hỏi thăm ông bà, họ hàng về công việc và cuộc sống. Chỉ cần lắng nghe một chút thôi, dù là câu chuyện vu vơ cũng có thể kết nối khoảng cách các thế hệ.
Tết có thể bớt đậm đà vì những câu hỏi kém duyên, nhưng với ai đi học, đi làm xa nhà, Tết vẫn là niềm hạnh phúc ngày đêm mong ngóng. Những lúc này, chở mẹ đi chợ Tết, cùng cha sơn lại nhà cửa hay trổ tài nấu nướng… không còn là nghĩa vụ mà bỗng hóa thứ đặc quyền ngọt ngào mang tên “tình thân”.
Một đặc quyền nữa những người con xa quê luôn mong ngóng suốt tháng ngày ở trọ, ấy là bữa cơm quây quần cùng cả nhà thay cho tô mì úp vội, chậu nước tắm lá mùi thơm phức do mẹ đun, hay giường ấm nệm êm chính tay cha kỳ công đóng.
Ngày còn nhỏ đi học, ở nhà với cha mẹ suốt năm nhưng chỉ có Tết là ta được vui trọn vẹn với đại gia đình, khi cô bác họ hàng tề tựu đông đủ bên mâm cơm mùng 1. Đến khi sống xa nhà, mỗi năm về quê không đủ một tháng, ta mới thấy chỉ có Tết là đông đủ anh em sum họp, cha mẹ ông bà ai cũng mắt cười, miệng cười đầy viên mãn. Cả năm mới có một dịp đông vui đến vậy, sao có thể nói Tết nhạt?
Hoặc hãy thử hỏi đám nhóc tì xem “Tết có vui không?”. Hẳn 10 đứa thì đến 9 đứa sẽ mắt sáng long lanh, miệng đồng thanh hô “Có”. Vì Tết với chúng là những ngày tạm xa bài tập về nhà, điểm số và chuyên cần. Tết là được ngủ nướng, ăn những món bánh kẹo ngày thường bị cấm và được cha mẹ chở đi chơi.
Lúc đấy bạn sẽ thấy bản thân Tết chẳng hề nhạt. Chỉ là bạn lựa chọn đối đãi với nhau, với Tết theo cách nào mà thôi.
Hãy khoan hồi tưởng về Tết thuở lên 5 lên 10, mà thử dành một phút ngẫm nghĩ về cuộc sống thời “ông bà anh”, hẳn bạn sẽ thấm thía câu nói “Nghèo lo mãi không được cái Tết”.
Ngày xưa khi cuộc sống khó khăn, ông bà ta phải dành dụm cả năm chỉ mong đến Tết bữa cơm được no đủ, gia đình được quây quần bên nhau.
Còn nhớ ngày xưa, người lớn lo chạy chợ kiếm tiền cho con trẻ niềm vui xúng xính quần áo mới, cho ngôi nhà đầu năm đầy ắp tiếng cười với những điều truyền thống giản đơn: mâm cơm cúng đủ đầy, nhà cửa gọn gàng tươm tất, con cái được mặc đồ lành lặn không vá víu… 28-29 Tết, cả đại gia đình xăm xắn cùng nhau gói những chiếc bánh chưng, hầm măng, kho thịt, căn nhà ấm mùi hương thắp trên bàn thờ là đã trọn vẹn niềm vui đầm ấm rồi.
Giờ Tết đã khác nhiều. Đời sống khá hơn, áp lực lo sao cho vẹn chữ “no” ngày Tết cũng vì thế nhẹ gánh đi nhiều. Ấy là khi ông bà, cha mẹ trông về khoảnh khắc “ấm” - ấm của tình đoàn viên.
Cả 365 ngày trôi qua, mỗi thế hệ trong gia đình đều có những mướt mải lo toan riêng. Chỉ ngày Tết là con cháu về đông đủ với cha mẹ, ông bà. Khi người lớn tuổi trong nhà, dù tóc bạc thêm mấy phần, vẫn thấy viên mãn với cảm giác được ở cùng gia đình thì người trẻ lại lo ngại những câu hỏi kém duyên đầu năm mới, khiến khoảng cách giữa người thân, họ hàng, bằng hữu bỗng trở nên xa hơn.
Đoàn viên” là cụm từ bật ra từ tiềm thức của người Việt mỗi khi nghĩ về Tết. Cứ nhìn thấy đào, mai khoe sắc là ai nấy đều mơ về khoảnh khắc ấm áp của sum vầy, của gia đình và tình thân. Khung cảnh cùng gói bánh chưng, ngâm măng, ngâm bóng, xếp lì xì… cứ thế ùa về khiến lòng nôn nao nghĩ đến phút giây gia đình bên nhau ấm áp tình thân.
Thế mà nay, mọi người dần cách xa chỉ vì những điều mà ai trong mỗi chúng ta cũng đều có thể thay đổi được: Thay vì vừa gặp đã hỏi han nhau những câu “tối kỵ”, hãy mỉm cười chúc nhau những lời may mắn; thay vì mải lướt điện thoại, hãy trân trọng từng giây phút hàn huyên bên nhau.
Đôi khi, chỉ là cùng xem một chương trình Tết rộn ràng trên TV cũng giúp ta đón một mùa xuân đúng nghĩa và trọn vẹn, tràn ngập tiếng cười bên gia đình. Điển hình như trong clip “Ngày Tết hỏi gì cho sang?” của TV LG OLED mới đây. Với những khoảnh khắc cả gia đình Jun Vũ sum vầy bên chiếc TV, clip đã lan toả tinh thần “Cùng nhau thư giãn mới là Tết vui”. Bằng cách thể hiện dí dỏm, clip giúp người trẻ nhìn thấy hình ảnh của chính mình khi đối diện với những câu hỏi oái ăm ngày Tết.
Bên cạnh đó, qua màn đối đáp hài hước từ TV LG OLED được trang bị tính năng nhận diện giọng nói thông minh kết hợp AI (trí thông minh nhân tạo), clip nhắn gửi: Ân cần, quan tâm nhau là cần thiết, nhưng sự quan tâm nếu đặt không đúng nơi, đúng lúc đôi khi sẽ khiến nhiều người rơi vào tình huống khó xử trong dịp vui như Tết.
Như nói thay nỗi lòng nhiều người, clip tuy mới ra mắt đã nhận về hơn 2,5 triệu lượt xem. VJ Thùy Minh hào hứng chia sẻ clip kèm lời nhắn: “Nếu gia đình bạn cũng trong bi kịch y hệt, thì chỉ cần sở hữu một chiếc TV thật xịn như LG OLED, tích hợp AI trí thông minh nhân tạo, trả lời câu hỏi đầy trí tuệ hóm hỉnh, tạo ra những lối thoát tuyệt vời cho những câu hỏi khó nuốt nhất”.
Đi kèm bài chia sẻ đầy tâm đắc trên còn là hashtag “cool ngầu” #ngungvoduyen, #hỏikhócóLGlo, #cùngnhauthưgiãnmớilàTếtvui. Bên cạnh loạt người nổi tiếng, các bạn trẻ cũng rủ nhau chia sẻ clip như lời nhắn gửi: Tết mà, sao phải làm khó nhau! Đừng biến những quan tâm đơn thuần thành áp lực cho người đối diện. Thay vào đó, sao không thử làm những việc đơn giản nhưng ý nghĩa như cùng xem một chương trình yêu thích trên TV, cùng thư giãn để tận hưởng Tết thật vui.