Trước khi trao cho chúng tôi cuốn hộ chiếu có dán visa vào Triều Tiên, ông Pak Sang Gil - tham tán tại Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam vui vẻ: “Hãy đến để thấy, Triều Tiên không chỉ có hạt nhân hay tên lửa!”
Trước ngày nhóm phóng viên VTC lên đường, một đồng nghiệp gửi cho tôi danh sách những việc làm và không nên làm tại Triều Tiên kèm theo cảnh báo: “Chỉ được quay phim hay chụp ảnh khi được phép. Sẽ luôn có người theo các bạn…”.
Còn anh bạn tôi, một hướng dẫn viên du lịch từng qua hàng trăm quốc gia nhắn nhủ thêm: “Không phải ai cũng đến được Triều Tiên. Cả thế giới không thể vào quốc gia này!”'
Vậy là tôi xách vali lên đường trong tâm trạng vừa mừng nhưng xen chút hoang mang.
Qua cửa kiểm soát hải quan, một nhân viên tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) nói với theo: “Làm việc ở đây hơn 5 năm, tôi chưa thấy ai có hộ chiếu phổ thông sang Triều Tiên cả!”.
Trước khi vào Triều Tiên, chúng tôi phải transit qua Bắc Kinh (Trung Quốc). Mỗi ngày chỉ 1 chuyến bay nên đồng hành cùng chúng tôi trên chuyến bay trước ngày Quốc khánh Triều Tiên (9/9) còn có nhiều nhà báo đến từ nhiều quốc gia.
Giống như tôi, khuôn mặt họ cũng thể hiện rõ sự lo lắng xen lẫn háo hức khi muốn tìm hiểu về quốc gia còn nhiều bí ẩn với thế giới.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ kiểm tra hành lý, thiết bị máy móc mang theo, chúng tôi được nhập cảnh vào Triều Tiên.
Bộ Live U - một thiết bị thu phát sóng trực tiếp phục vụ cho tác nghiệp phải để lại sân bay vì khi gửi danh sách thiết bị mang theo ở Việt Nam, chúng tôi không ghi đầy đủ thông số kỹ thuật.
Phóng viên VTC đợi lên chuyến bay tới Bình Nhưỡng. |
Chúng tôi ra khỏi sân bay quốc tế Bình Nhưỡng cùng với người hướng dẫn là nhân viên của Ủy ban Thông tin Triều Tiên.
Ông tiếp đón chúng tôi một cách cẩn trọng: “Các bạn là nhà báo, tôi biết các bạn sẽ hỏi nhiều…Nhưng thứ lỗi, nếu tôi không trả lời được các câu hỏi”…
Vậy là, chúng tôi im lặng lên xe…
Trái ngược với những hình dung của nhiều người, phố xá Bình Nhưỡng không hề có xe tăng, đạn pháo.
Đường sá thoáng đãng. Những chiếc xe con phóng với tốc độ cao…
Anh bạn quay phim người Brazil thốt lên: “Toàn xe sang cả…”
Những chiếc xe mang thương hiệu nổi tiếng Mercedes, Lexus, Volvo đều xuất hiện ở Bình Nhưỡng.
Phần lớn những xe này lắp biển nhà nước, các doanh nghiệp quốc dân hoặc các cơ quan ngoại giao…
Sau khi làm các thủ tục nhận phòng khách sạn và trao cho chúng tôi bản quy chế với phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Triều Tiên.
Người hướng dẫn dẫn chúng tôi và đoàn báo chí nước ngoài đi thăm hệ thống tàu điện ngầm. Đây là một trong những niềm tự hào của người Triều Tiên.
Chúng tôi đến trạm tàu điện Glory, được xây dựng từ những năm 1965 dưới thời Chủ tịch Kim Nhật Thành và mở cửa từ năm 1967. Với chiều sâu tới 200m dưới lòng đất, đây cũng là hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới.
Hướng dẫn cho đoàn chúng tôi là một cô gái tên Kim Yong. Chị cho biết: Tốc độ di chuyển bình quân của các tàu điện ngầm là 45 km/h.
Trong lúc chờ tàu, người dân có thể tranh thủ đọc báo, được dán trên các bảng tin… |
Hai năm một lần chính phủ sẽ đầu tư cải tạo lại các nhà ga và thay thế tàu cũ.
Đường phố ở Bình Nhưỡng không có hàng rong hay các khu chợ dân sinh. |
Sống ở một quốc gia tôn trọng tính kỷ luật nên mọi người dân luôn chủ động dọn dẹp phố phường, giữ gìn bộ mặt quốc gia. |
Ở Triều Tiên tuyệt nhiên không có chuyện người dân ăn mặc thiếu nghiêm túc ra đường.
Phụ nữ mặc đồ công sở váy dài dưới đầu gối, còn nam giới là quần âu áo sơ mi màu tối.
Một người hướng dẫn cho chúng tôi tiết lộ rằng, nam giới Triều Tiên thích diện những bộ quần áo có thể khiến người khác nghĩ rằng họ là quan chức.
Dịp đặc biệt, phụ nữ mặc Josen-ot – trang phục truyền thống, tương tự với Hanbok của Hàn Quốc. |
Đội cổ vũ Triều Tiên trong một sự kiện thể thao. |
Thành viên đội cổ vũ Triều Tiên. |
Có những khu nhà cao cấp dành cho các giáo sư đại học, các nhà khoa học, quan chức hay những vận động viên có thành tích thi đấu…
Các khu nhà bình dân được cấp cho các tầng lớp lao động. |
Phố Changjon là nơi tập trung những tòa nhà cao tầng hiện đại nhất ở Bình Nhưỡng với 18 khu tháp và tòa nhà cao tới 47 tầng.
Đây là nơi ở của tầng lớp ưu tú với các căn hộ cao cấp được ví như Dubai của Triều Tiên.
Khu phố này có khách sạn nổi tiếng Ryugyong, một tòa nhà hình tháp nhọn. Tháp được xây dựng từ năm 1987 và dự định sẽ hoàn thành trong 2 năm. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã bị hoãn cho tới tận năm 1992 - năm khởi đầu một thập niên tồi tệ với Triều Tiên với hàng loạt trận hạn hán và thiếu thốn lương thực.
Đến nay, khách sạn vẫn chưa đi vào hoạt động và những gì diễn ra bên trong vẫn là một “ẩn số”.
Không phải lo áp lực về nhà ở, người dân Triều Tiên còn được miễn phí về y tế, giáo dục.
Khi tôi ngỏ lời khâm phục những nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, một người trong đoàn hỏi luôn “Những gì miễn phí liệu có tốt không?”.
Không ai trả lời câu hỏi này…
Dân số ở Bình Nhưỡng khoảng 3,2 triệu người và có khoảng 1 triệu người được hưởng cuộc sống khá giả hơn hẳn so với mặt bằng chung.
Khi chúng tôi ngỏ lời muốn thăm một gia đình ở Bình Nhưỡng, câu trả lời vẫn là: “Không…”
“Các bạn hãy nhìn, tự cảm nhận và tự hiểu!”
Câu nói của người hướng dẫn càng khiến chúng tôi càng thêm tò mò hơn và tiếp tục muốn khám phá đất nước còn nhiều điều bí ẩn này.