Triều Hậu Lê phát triển thủy quân thế nào?

(Kiến Thức) - Các hoàng đế triều Hậu Lê đã dụng công vạch định và thực thi nhiều biện pháp khác nhau để phát triển thủy quân, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Dưới đây là một vài dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử.
Lê Thánh Tông và quy định về việc cắm cờ hiệu trên chiến thuyền
Việc sử dụng cờ trong quân đội không chỉ nhằm tạo dấu hiệu phân biệt mà còn tăng thêm vẻ uy nghi, hùng dũng; cũng như các lực lượng khác, thủy quân cũng dùng các loại cờ hiệu khác nhau, tuy nhiên việc cắm cờ trên tàu thuyền không phải không có những quy tắc nhất định. Vào năm Đinh Mùi (1487), Lê Thánh Tông đã đặt điều lệ về việc làm các loại vải để làm cờ và cách thức cắm cờ trên từng loại tàu thuyền.
Sách Lê triều hội điển chép về các chế độ, luật lệnh thời Hậu Lê, có đoạn ghi về quy định cắm cờ như sau: “Cờ lớn cắm ở đuôi thuyền, làm bằng vải thô. Cờ loại vừa thì từ Kiệu thị hầu Ưu trạch cho đến 6 thuyền lớn, mỗi thuyền cắm một lá cờ ở đuôi thuyền, tổng cộng là 14 lá. Đều chuẩn cho làm bằng vải thô, mỗi lá là 63 thước dọc, giá 2 quan 7 mạch 18 văn. Loại trung thì từ Thị tuyển, Thị vệ, Trung lục, Hải đạo và các thuyền khác, mỗi thuyền cắm một lá ở đuôi thuyền, tổng cộng 110 lá cờ. Mỗi lá chuẩn cho làm bằng vải thô, được 52 thước dọc, giá 2 quan 3 mạch 18 văn. Loại nhỏ, từ Thị nội, Thị trù, Thị vật, Trung hầu, Thị siêu và thuyền Long, Thiện hải cùng các thuyền mảnh, chử; mỗi thuyền cắm một lá cờ ở đuôi thuyền, tổng cộng 234 lá. Chuẩn cho làm bằng vải thô, mỗi lá 45 thước dọc, giá 1 quan 9 mạch 45 văn.
Cờ Tẩu kha, dùng lụa tốt làm; Hàng tả, Hàng hữu, mỗi thuyền cắm 2 lá; Hàng Thập quan, mỗi thuyền cắm 4 lá. Các thuyền Hành tùy, Thị hầu, mỗi thuyền cắm 1 lá, tổng cộng 84 lá, mỗi lá dài rộng 3 thước, làm bằng lụa tốt, cả diềm tổng cộng là 9 thước 4 tấc. Chuẩn cho giá tiền mỗi lá là 5 mạch 9 văn 4 phân 7 ly 4 hào”.
Lê Thế Tông đề nghị cho thủy quân sang giúp nhà Minh đánh cướp biển
Thời Minh, cướp biển Nhật Bản còn gọi là Ngọa khấu (Nụy Khấu, giặc lùn, Kenki) đã khiến cho khắp miền biển nước này bất ổn, không lúc nào yên, thuyền bè đi đánh cá, thương thuyền chở hàng hóa bị cướp bóc, chúng còn bắt và giết hại nhiều ngư dân, thương nhân… Cũng có một số lần tàu thuyền của Ngọa khấu còn xuống tận vùng biển Đông nhưng bị thủy quân nhà Hậu Lê đánh đuổi phải tháo chạy.
Bấy giờ nhà Lê Trung Hưng mới khôi phục kinh đô chưa lâu, binh lính được huy động đi đánh dẹp các lực lượng tàn dư của nhà Mạc khá đông, tuy nhiên vì trải qua nhiều năm chiến tranh nên việc binh nhung, võ bị được quan tâm phát triển, quân lính rất tinh nhuệ và nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Vì biết rõ vương triều Minh rất lo lắng trước việc Ngọa khấu hoành hành dữ dội, lại biết được quân Minh đang phải vất vả cứu viện Triều Tiên đang bị quân Mạc Phủ Nhật Bản là Phong Thần Tư Cát tấn công; tự tin vào sức mạnh của mình, triều Hậu Lê thời vua Lê Thế Tông đã đề nghị cho thủy quân Bắc tiến để giúp nhà Minh đánh Nhật Bản.
Binh lính chèo thuyền (Khắc gỗ trên song cửa đình Phù Lưu – Bắc Ninh thế kỷ 17).
Binh lính chèo thuyền (Khắc gỗ trên song cửa đình Phù Lưu – Bắc Ninh thế kỷ 17). 
Đề xuất của nhà Hậu Lê được đưa ra năm Bính Thân (1596) bằng một tờ biểu của chúa Trịnh Tùng đứng danh nghĩa vua Lê Thế Tông gửi cho vua Minh Thần Tông. Vì sợ quân Đại Việt có ý đồ khác nên triều Minh đã từ chối nhưng qua câu chuyện này cũng cho thấy chiến thuyền nước ta và lực lượng thủy quân lúc đó hùng mạnh như thế nào. Sự kiện thú vị đó được ghi trong một tài liệu của Nhật Bản là cuốn sách Nam quốc ký của Trúc Việt Dữ Tam Lang.
Trước đề xuất nói trên gần một năm, vào mùa thu, tháng 8 năm Ất Mùi (1595) thủy quân đã tham gia biểu dương lực lượng cùng các binh chủng khác tại bến Thảo Tân phía nam kinh thành Thăng Long khi triều đình cho tổ chức duyệt quân sĩ với số lượng lớn, binh lính tham gia đông tới 12 vạn người.
Lê Thần Tông quy định thủy binh phải đóng quân tập trung
Theo cách thức tổ chức quân đội, binh lính được chia thành các binh chủng, ở cấp nhỏ nhất được chia làm các nhóm, các đội; tất cả đều ở tập trung trong các đồn trại quy định để thuận lợi cho việc quản lý, thao diễn cũng như khi huy động chiến đấu.
Quy định này đối với lực lượng bộ binh, tượng binh, kị binh được tuân thủ chặt chẽ, riêng có thủy binh do điều kiện khác biệt vận động trên mặt nước nên quân sĩ thường ở tại các đồn trại ven sông, biển; trên tàu, thuyền. Việc này đã dẫn tới một số tùy tiện trong việc ăn ở của thủy quân khiến triều đình thấy rằng cần thay đổi điều đó nếu không sẽ dẫn đến những sự việc tiêu cực ảnh hưởng đến kỷ luật quân đội.
Sách Lê triều hội điển cho biết vào năm Ất Sửu niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), Lê Thần Tông đã ban lệnh rằng: “Hễ là binh lính các đội thuyền phải theo viên quan cai quản các đội thuyền đó ở chung thành một đội, không được ở lẫn vào nơi phường phố hoặc ở riêng. Nếu trái lệnh, cho quan Đề lĩnh triệt bỏ nơi ở”.
Lê Dụ Tông răn cấm lính thủy cờ bạc, rượu chè
Nhằm ngăn chặn tình trạng cờ bạc, rượu chè trong binh lính dẫn tới làm giảm sức chiến đấu, tinh thần và kỷ luật nên vào năm Đinh Mùi (1727) niên hiệu Bảo Thái thứ 8, vua Lê Dụ Tông đã ban chỉ truyền lệnh cấm quân sĩ uống rượu, đánh bạc, đặc biệt là lực lượng thủy quân càng phải nghiêm chỉnh tuân theo.
Chỉ truyền của Lê Dụ Tông có đoạn viết: “Phàm quân sĩ Thị hầu và các doanh cơ đội thuyền không được uống rượu, đánh bạc. Trái lệnh, cáo với Binh phiên theo pháp luật mà luận tội. Quan quân mà không biết, tùy theo sự việc nặng nhẹ để định tội xét xử” (Lê triều hội điển).
Lê Hy Tông với việc tuyển thủy binh theo chiều cao
Tuân theo quy chế từ thời Lê sơ, triều đình thời Lê Trung Hưng cũng đã định quy chế rõ ràng về phép tuyển binh lính nói chung, trong đó có thủy quân. Đặc biệt dưới thời trị vì của Lê Hy Tông, giai đoạn dùng niên hiệu Chính Hòa (1680 -1705), việc tuyển chọn căn cứ vào chiều cao của mỗi người lính mà chia ra mức lương được hưởng. Cụ thể như sau: “Phàm tuyển binh lính, đều lấy thước tấc để định lệ khẩu phần. Cao 4 thước 4 tấc 5 phân trở lên, tuyển vào đội lính ăn lương 14-15 quan. Cao 4 thước 3 tấc 5 phân trở lên, tuyển vào đội lính ăn lương 13 quan. Cao 4 thước 3 tấc 4 phân, chọn vào đội lính ăn lương 12 quan. Cao 4 thước 2 tấc 5 phân, chọn vào đội thuyền binh ăn lương 9 quan. Cao 4 thước 1 tấc, chọn vào các đội thuyền binh ăn lương 8 quan…” (Lê triều hội điển).
Thuyền chiến thời Lê Trịnh qua nét vẽ của người châu Âu.
Thuyền chiến thời Lê Trịnh qua nét vẽ của người châu Âu. 
Vĩnh Khánh đế đặt lệ kiểm tra tài bắn cung nỏ của thủy binh
Vị hoàng đế thứ 23 của triều Hậu Lê do bị truất ngôi nên không có miếu hiệu vì vậy sách sử thường chép về ông là Lê Đế Duy Phường hay theo niên hiệu là Vĩnh Khánh đế.
Thuyền chiến Đại Việt thời Lê-Trịnh thế kỷ 18 (Tranh lụa tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam).
 Thuyền chiến Đại Việt thời Lê-Trịnh thế kỷ 18 (Tranh lụa tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam).
Kể từ năm Tân Sửu (1721) khi triều Lê bắt đầu lập trường Võ học, quy định phép thi võ, dần dần sau đó đặt thêm lệ khảo xét võ nghệ, tài sử dụng binh khí, sự am hiểu binh thư… nhằm tăng thêm sự tinh nhuệ, hùng mạnh của binh lính. Vào năm Canh Thìn (1730), năm thứ hai Vĩnh Khánh đế ở ngôi, triều đình đặt rõ hơn việc rèn tập của quan quân, nhất là việc sử dụng cung nỏ với lệnh truyền “Từ quan quản cho đến thuộc viên và binh lính, ai có tài sức được tập huyền nhũ (cách bắn nỏ kê ở ngực), ai kém cho tập huyền kiểm (kê ở má). Binh lính đều phải tập huyền kiểm” (Lê triều hội điển). Một năm sau, tức năm Tân Hợi (1731) lại có lệnh truyền cho thủy binh tập bắn nỏ, điều đó cho thấy sự quan tâm đến khả năng chiến đấu và việc rèn luyện sử dụng loại vũ khí đánh xa (cung, nỏ) ngày càng hữu hiệu hơn.
Cũng theo sách Lê triều hội điển thì lệ kiểm tra tài bắn cung, nỏ của quân lính tổ chức 3 năm một lần, lệ bắn cung tổ chức vào mùa thu các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu với tất cả các lực lượng. Riêng với thủy binh thì vào mùa thu các năm Dần, Thân, Tị, Hợi, triều đình sẽ “sai 2 viên quan võ, 4 viên Thị nội, 2 viên Câu kê khảo môn bắn nỏ của thủy binh”. Theo đó, “cứ 100 suất là 20 bó, mỗi bó là 5 hợp, mỗi hợp có 5 mũi tên. Định thưởng phạt có thứ bậc. Đối với cung thì được từ 45 tiếng (tức bắn trúng đích) trở lên là hạng ưu, được thưởng mỗi bó 5 quan tiền gián. Được 35 tiếng trở lên là hạng nhất, được thưởng mỗi bó 3 quan tiền gián. Được 30 tiếng trở lên là hạng nhì, được thưởng mỗi bó 2 quan tiền gián. Được 25 tiếng trở lên là hạng ba, được thưởng mỗi bó 1 quan tiền gián. Được 20 tiếng trở lên là hạng trung bình. Được 19 tiếng trở xuống bị phạt.
Đối với bắn nỏ thì được 50 tiếng trở lên là hạng ưu, thưởng mỗi bó 5 quan tiền gián. Được 40 tiếng trở lên là hạng nhất, được thưởng mỗi bó 3 quan tiền gián. Còn lại thưởng phạt cũng như thi bắn cung”.

Lê Hiển Tông cho đóng hàng trăm chiến thuyền trong một năm

Lê Hiển Tông thường được biết tới như là một trong số ít vị vua có thời gian ở ngôi lâu nhất (47 năm) và có tuổi thọ cao nhất (70 tuổi). Thời gian trị vì của ông, nước Đại Việt về mặt xã hội cơ bản là bình yên, phát triển, đúng như sách “Đại Việt sử ký tục biên” viết: “Thời vua, giặc dã dẹp hết, bờ cõi yên lặng trong hơn 40 năm, an hưởng tôn vinh”.

Mặc dù quyền lực của vua không có nhiều, chỉ là biểu tượng cho sự chính thống như một đấng chí tôn tối cao của cả nước, chính vì thế dù chúa Trịnh có muốn làm gì trong việc cai quản quốc gia vẫn phải lấy danh nghĩa chiếu chỉ, mệnh lệnh của vua mà ban hành. Một thí dụ cho điều đó là sự kiện vào tháng 4 năm Giáp Tuất (1754) “Thao diễn thủy sư ở sông Nhị Hà, các quan làm lễ chầu mừng. Bấy giờ chúa Trịnh Doanh nghĩ trong cõi mới yên, muốn cho chư quân diễu võ dương oai, bèn tâu xin rước vua ngự giá cùng xem. Sai thủy sư bày trận thuyền ở trên sông, quân dung rất chỉnh tề, chèo đua ngược dòng, thuyền đi nhanh như bay. Vua xem rất hài lòng, xem gần đến tối mới về” (Đại Việt sử ký tục biên).

Câu chuyện trên không chỉ cho thấy các chúa Trịnh dù chuyên quyền đến đâu vẫn ít nhiều phải tôn xưng, tỏ ý thần phục vua Lê. Mặt khác, nó cũng cho biết việc rèn tập binh lính nói chung và thủy quân nói riêng đều được vua Lê chúa Trịnh quan tâm, chú trọng. Ngoài thao diễn trên sông, thủy quân cũng tiến hành các cuộc diễn tập chiến đấu trên mặt biển, như vào tháng 6 năm Đinh Dậu (1777), triều đình Lê Hiển Tông ban lệnh “Sai trấn ty Sơn Nam đóng thuyền đi biển vài trăm chiếc. Thao diễn phép đánh trận trên biển” (Đại Việt sử ký tục biên).

“Kỷ lục” buồn nhà Hậu Lê: 9 vua bị giết đau đớn

- Nhà Hậu Lê (1428 – 1789) chia làm hai thời kỳ là Lê sơ (1428-1527) và Lê trung hưng (1533-1789). Với 27 triều vua và gần 4 thế kỷ tồn tại, đây là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam.

Do tồn tại trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động mà đây cũng là triều đại nắm giữ “kỷ lục” về số vua bị giết hại…

Cái chết cay đắng của Lê Bang Cơ

Lê Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Lê sơ tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới vài tháng tuổi.

Thái hậu Nguyễn Thị Anh làm Nhiếp chính cho ông từ khi mới lên ngôi báu cho đến khi ông tự thân chấp chính vào năm 1452. Lên ngôi lúc còn nhỏ, Lê Nhân Tông tỏ ra là vị Hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với Vương triều.

Dưới triều Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng.

Dù sáng suốt và nhân từ, nhưng vua Nhân Tông vẫn bị anh cả là Lê Nghi Dân oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ. Trong khi đó, Nhân Tông không đề phòng gì vì luôn coi Nghi Dân là anh ruột.

Một đêm cuối năm 1459, Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Cái chết của ông khiến cho quan lại "nuốt hận ngậm đau", và thần dân "như mất cha mất mẹ”.

Quả báo dành cho Lê Nghi Dân

Lê Nghi Dân vốn được lập làm thái tử khi mới 3 tháng tuổi (năm 1440). Ông bị mất ngôi thái tử vào tay người em Bang Cơ của mình chỉ vì mẹ bị vua thất sủng. Sau khi giết Bang Cơ năm 1459, Lê Nghi Dân lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Hưng.

Do bất mãn, tháng 5/1460, các tể tướng đại thần là Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê đã bí mật bàn việc lật đổ vua Thiên Hưng. Vụ việc đó bị lộ, tất cả những người mưu phản đều bị bắt giết.

Do vua thay đổi nhiều pháp chế của đời trước, dùng những người thân tín của mình vào triều nên các cựu thần ngày càng không bằng lòng. Tháng 6/1460, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm… lại bàn nhau làm binh biến.

Sau một buổi chầu, Nguyễn Xí đã dẫn quân vào giữ chặt quân cấm binh, đóng các cửa thành và giết các bề tôi tin cẩn của vua Thiên Hưng. Hơn 100 người thuộc phe cánh của vua đã mất mạng.

Bản thân Lê Thiên Hưng bị bắt, phế truất làm Lệ Đức hầu và bị thắt cổ chết khi mới 22 tuổi, ở ngôi được một năm.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

“Vua quỷ” Lê Uy Mục đền mạng

Năm 1505, Lê Uy Mục lên ngôi sau khi vua Lê Túc Tông mất sớm ở tuổi 17. Trong thời gian trị vì, vị vua này đã bị gọi là “vua quỷ” vì ăn chơi vô độ, ham rượu chè, gái đẹp, tàn bạo giết hại nhiều người vô tội. Quyền hành trong triều rơi vào tay họ ngoại của vua.

Điều này làm dấy lên sự phẫn nộ trong quan lại, dân chúng cũng như dòng dõi họ Lê. Giản Tu Công Lê Oanh (vua Lê Tương Dực sau này) đã được lập làm minh chủ nổi dậy chống lại Uy Mục.

Tháng 11/1509, Lê Oanh sai Cẩm Giang Vương Lê Sùng ở Tây Đô đưa quân về Đông Kinh (Hà Nội). Uy Mục có ưu thế hơn, đã bắt giết Lê Sùng và mẹ của Lê Oanh. Sau đó, Lê Oanh vào chiếm kinh thành bắt được và bức tử Lê Uy Mục.

Hận Uy Mục giết hại gia đình mình, Lê Oanh còn sai người dùng súng lớn, nhét xác Uy Mục vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt, chỉ lấy ít tro tàn về chôn tại quê mẹ tại làng Phù Chẩn. “Quỷ vương” Lê Uy Mục ở ngôi được 4 năm, thọ 21 tuổi.

Sau “vua quỷ”, đến lượt “vua lợn” Lê Tương Dực

Lê Oanh sinh năm 1495, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông. Dưới thời Lê Hiến Tông, ông được phong làm Giản Tu công. Sau khi giết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập mình làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức là vua Tương Dực Đế.

Đi theo vết xe đổ của Lê Uy Mục, Lê Tương Dực chơi bời xa xỉ truỵ lạc, bỏ bê việc nước. Dân chúng oán ghét và khinh bỉ Tương Dực, nên gọi ông là vua lợn. Triều chính trở nên hết sức rối ren, bên ngoài khắp nơi loạn lạc.

Dù tình hình căng thẳng nhưng Lê Tương Dực không đoái hoài. Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản là người có công trạng, nhiều lần can ngăn không được mà còn bị vua cho người đánh bằng trượng. Sản bất mãn, mưu với thái sư Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm lập vua khác.

Mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng một ngày tháng 5/1516 Trịnh Duy Sản đem binh vào cửa Bắc Thần giết “vua lợn”. Lê Tương Dực ở ngôi được 7 năm, hưởng thọ 21 tuổi.

Cuộc đời bão tố và cái chết của Lê Chiêu Tông

Lê Chiêu Tông (1506 – 1526), có tên húy là Lê Y, chắt của vua Lê Thánh Tông, là vị vua thứ 10 của nhà Lê sơ. Lúc mới 11 tuổi, ông được đại thần Trịnh Duy Sản và Lê Quảng Độ lập làm vua khi dấy quân lật đổ Lê Tương Dực.

Trong thời gian trị vì của Lê Chiêu Tông, triều đình bị thao túng bởi Trần Chân, con nuôi của Trịnh Duy Sản. Vua nghe lời gièm pha, sợ uy quyền của Trần Chân nên sai người dụ Chân vào triều rồi giết Chân cùng các thủ hạ thân tín.

Nhóm thủ hạ còn lại của Trần Chân phục thù, mang quân từ Sơn Tây đánh kinh thành, khiến vua phải tháo chạy. Với sự lãnh đạo của Mạc Đăng Dung, quân triều đình đánh bại những kẻ nổi loạn. Dung lần lượt được phong làm Minh quận công, rồi thái phó, quyền thế dần dần át cả vua.

Chiêu Tông không muốn bị Đăng Dung khống chế, bí mật bàn cùng các nội thần hạ bệ Đăng Dung. Nhưng kế hoạch bị đổ vỡ, Chiêu Tông phải trốn chạy. Sau đó Đăng Dung tuyên bố phế truất ông và lập em ông là Lê Xuân lên ngôi (Lê Cung Hoàng). Như vậy, trong nước lúc này có 2 vua là Chiêu Tông và Cung Hoàng.

Các tướng thân cận của Chiêu Tông đem quân giúp vua, khôi phục lại được thanh thế và đẩy lùi quân của mạc Đăng Dung. Nhưng do nội bộ bất hoà, nhiều tướng lại bỏ theo phe của kẻ tiếm quyền. Từ đó quân của Mặc Đăng Dung làm chủ tình hình.

Ngày 28/10/1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long giam lỏng. Đến tháng 12/1526, ông bị Đăng Dung sai người giết chết, thọ 24 tuổi, ở ngôi được 6 năm.

Lê Cung Hoàng chết trong tủi nhục

Vua Lê Cung Hoàng (1507 – 1427) có tên húy là Lê Xuân là vị vua cuối cùng của Thời Lê sơ. Ông là em ruột Lê Chiêu Tông, chắt của Lê Thánh Tông, được Mạc Đăng Dung lập lên để giữ danh chính khi Chiêu Tông trốn thoát vào năm 1522.

Sau khi Chiêu Tông bị giết, vai trò lá chắn của Cung Hoàng không còn. Đã đến lúc để Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê.

Ngày 15/6/1527, Mạc Đăng Dung đem quân vào kinh, bắt vua nhường ngôi. Triều thần lúc đó hầu hết đã là người của Đăng Dung hoặc theo Đăng Dung, tự khởi thảo chiếu nhường ngôi cho vua.

Mạc Đăng Dung xưng hoàng đế, tức là Mạc Thái Tổ, lập ra nhà Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức.

Lê Cung Hoàng bị giáng xuống làm Cung Vương rồi giam cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội. Vài tháng sau, Đăng Dung ép mẹ con Cung Hoàng phải tự tử. Lê Cung Hoàng ở ngôi được 5 năm, thọ 21 tuổi.

Cuộc trỗi dậy không thành của Lê Anh Tông

Lê Anh Tông (1532 - 1573), tên thật là Lê Duy Bang, là vị vua thứ ba của thời Lê trung hưng.

Trong thời kỳ này, quyền hành của các chúa Trịnh tăng lên rất nhiều. Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền bính. Trịnh Cối thất bại phải sang hàng nhà Mạc.

Năm 1572, thấy quyền hành Trịnh Tùng lớn quá, Lê Cập Đệ bàn mưu với Lê Anh Tông mưu trừ khử Tùng để lấy lại quyền bính cho nhà Lê. Kế hoạch bị lộ, Cập Đệ bị đao phủ của Trịnh Tùng giết chết. Lê Anh Tông bỏ hành cung chạy trốn cùng 4 người con trai lớn ra Nghệ An.

Năm 1573, Trịnh Tùng đưa con trai thứ năm còn nhỏ tuổi của ông là Lê Duy Đàm lên ngôi vua và sai quân về Nghệ An bắt Anh Tông. Vua bị đưa về triều giám sát ngày đêm và bức chết. Khi đó ông 42 tuổi, ở ngôi được 17 năm.

Bi kịch của Lê Anh Tông lặp lại với cháu nội Lê Kính Tông

Lê Kính Tông (1588 – 1619), có tên húy là Lê Duy Tân, là vị vua thứ 5 của thời Lê trung hưng. Ông lên ngôi khi mới 11 tuổi.

Vào lúc này, chính quyền nhà Lê đã trở thành bù nhìn, mọi quyền hành thực sự nằm trong tay chúa Trịnh. Ông nội của Kính Tông là Lê Anh Tông (Duy Bang) đã bị Trịnh Tùng sát hại vì chống lại Trịnh Tùng.

Từ năm 1600, Trịnh Tùng đã cơ bản dẹp được nhà Mạc ở miền Bắc, mâu thuẫn mới nổi lên giữa họ Trịnh và họ Nguyễn khi Nguyễn Hoàng tự ý bỏ vào vùng Thuận - Quảng. Nhân cơ hội này, tàn dư nhà họ Mạc lại nổi lên.

Trong tình hình đó, vào năm 1619, Lê Kính Tông cùng Trịnh Xuân mưu giết chết Trịnh Tùng để giành lại địa vị. Nhưng kế hoạch thất baik, Trịnh Xuân bị tống vào ngục, còn nhà vua bị bức thắt cổ chết. Lê Kính Tông thọ 31 tuổi, ở ngôi 20 năm.

Lê Duy Phường sống oan khuất, chết cay đắng

Lê Duy Phường (1709 – 1735) là vị vua thứ 12 của thời Lê trung hưng. Là cháu ngoại chúa Trịnh Cương - người nắm thực quyền khi đó - ông đã có nhiều hậu thuẫn để lên ngôi vua năm 1729, khi 21 tuổi, với niên hiệu là Vĩnh Khánh.

Tháng 10/1729, Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên nối ngôi. Cũng như các đời trước, việc triều chính do Trịnh Giang định đoạt, vua Vĩnh Khánh không có thực quyền. Trịnh Giang còn muốn thay đổi ngôi vua do Trịnh Cương đã sắp đặt để ra oai với thần hạ.

Năm 1732, vua Vĩnh Khánh bị ép ra ở cung riêng. Tháng 8 năm đó, Trịnh Giang vu cho vua Vĩnh Khánh tư thông với vợ Trịnh Cương, rồi phế bỏ, lập con trưởng của Dụ Tông (anh cả của Duy Phường) là Lê Duy Tường lên ngôi, tức Lê Thuần Tông. Tháng 4/1735, Lê Thuần Tông mất, Trịnh Giang lập em Duy Phường là Lê Duy Thận làm vua, tức là Lê Ý Tông.

Duy Phường bị dời đến ở một ngôi nhà ở bên ngoài. Tháng 9/1735, Trịnh Giang sai người thắt cổ giết chết ông. Lê Duy Phường ở ngôi 3 năm , thọ 27 tuổi.

Xem vua Lê xử tội xâm phạm mồ mả

(Kiến Thức) - Theo Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức), trường hợp “ăn trộm đồ thờ trong lăng miếu, tượng thánh, áo mũ thờ thì xử chém, tịch thu điền sản sung công”.

Theo pháp luật hiện hành, cụ thể tại điều 246 của Bộ luật Hình sự quy định hình phạt đối với tội danh xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến một năm và cao nhất là bị phạt tù đến 5 năm. Đây thực ra không phải là vấn đề mới mà từ mấy trăm năm trước, pháp luật phong kiến đã có những quy định rõ ràng, cụ thể đối với việc xử lý các hành vi vi phạm tội danh này.

Trong đời sống xưa, ông cha ta thường nói: “Sống cái nhà, già cái mồ”, ý nói rằng khi còn sống mỗi người dân đều được pháp luật bảo vệ về chỗ ở và khi chết đi cũng được pháp luật bảo vệ “nơi an nghỉ cuối cùng”. Bản thân ai cũng mong được “mồ yên, mả đẹp”, tuy nhiên trong thực tế lại nảy sinh các yếu tố phức tạp khiến chính quyền phải ban bố các luật lệnh nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến mồ mả với những động cơ khác nhau, nhất là xử lý nghiêm những kẻ thất đức, đê hèn, ác độc.

Vào thế kỷ XI cùng với sự phát triển của chế độ phong kiến trung ương tập quyền, nền kinh tế, văn hoá và xã hội Đại Việt đã có những bước tiến quan trọng tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động lập pháp phát triển, thể chế hoá và ngày càng hoàn thiện hơn. Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là bộ Hình thư được ban hành năm Nhâm Ngọ (1042) trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử pháp quyền; tiếc là bộ luật này cùng với các bộ luật khác được ban hành dưới triều Trần, Hồ như Quốc triều thống chế (1230), Hình luật thư (1290), Hình thư (1344), Đại Ngu quan chế hình luật (1401) đều bị giặc Minh đốt phá, cướp bóc trong thời gian chúng xâm lược nước ta, nay đã thất truyền hết vì vậy chúng ta không rõ được nội dung của nó cũng như các điều luật liên quan đến tội xâm phạm đến mồ mả được quy định như thế nào?

Từ khi nhà Hậu Lê được thành lập, đặc biệt là dưới thời gian trị vì của hoàng đế Lê Thánh Tông, hoạt động lập pháp được tích cực đẩy mạnh và mang lại những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực pháp luật và điển chế, đủ khả năng điều chỉnh giải quyết các quan hệ xã hội phức tạp trên mọi lĩnh vực đời sống. Đối với việc xử lý các hành vi xâm phạm mồ mả, triều đình đã ban hành các quy định khác nhau, được thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp để dần dần tạo thành luật lệ có tính ổn định, nghiêm minh. Tùy động cơ, mục đích, tính chất mà áp dụng các hình thức xử phạt như đánh roi, phạt trượng (đánh bằng gậy), phạt tiền, biếm (giáng chức, hạ tư cách), đồ (bắt đi làm người hầu hạ, phục dịch), lưu (đi đày), xử chém.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 19 tháng giêng năm Tân Sửu (1481) quan Đô cấp sự trung Vũ Mộng Khang dâng sớ tấu trình các việc, trong đó có phần đề xuất xử lý hành vi chặt phá tre, cây ở vườn và khu mộ đề nghị phạt đánh trượng và biếm; nếu cày và phá mộ của người xưa thì đều xử tội lưu. Vua Lê Thánh Tông xem tấu xong liền phê chuẩn. Đến ngày 29 tháng 4 năm Giáp Thìn (1484), vua lại định lệnh cấm mồ mả chôn sau không được che lấp hướng của những mồ mả chôn trước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết nguyên do như sau: “Trước đó, phó sứ Thanh hình hiến sát sứ ty xứ Yên Bang là Nghiêm Quang tâu rằng: "Mộ của quan viên và dân chúng chưa có phân biệt, cho nên kẻ dân mọn ngu tối thấy người có quan tước thì cho là do mạch đất mà được thế, khi có người nhà chết thì đua nhau chôn ở đằng trước, sát phạm đến nấm mồ. Con cháu nhà có mồ bị vi phạm, thường đem việc đó kiện tại cửa quan thì lại chưa có quy định riêng, nên cũng khó lòng xét rõ phải trái. Vậy có nên chiếu theo chức phẩm cao thấp mà quy định đất để mồ mả rộng hẹp hay không?". Đến đây Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo bàn rằng: "Đất để mồ mả của quan viên và dân chúng trong nước, có khi là ruộng đất công, có khi là ruộng đất tư. Nếu kẻ nào lấy ruộng tư làm đất để mồ mả thì kích thước rộng hẹp cũng phải theo hướng đất trước sau cho phải. Người để mồ sau không được cậy là ruộng đất tư của mình mà chôn sát, che lấp mồ chôn trước. Kẻ nào cố ý vi phạm thì con cháu họ hàng nhà chôn trước kiện tại quan tư sở tại, bắt mồ chôn sau phải dời đi chỗ khác và bắt phải nộp tiền tạ lễ theo như luật pháp". Thấy hợp tình hợp lý, Lê Thánh Tông chuẩn y theo lời bàn ấy.

Khám nghiệm xương cốt (tranh khắc gỗ dân gian).
Khám nghiệm xương cốt (tranh khắc gỗ dân gian). 

Bấy giờ, để trọng đãi nhân tài khoa cử, triều đình còn phong chức tước cho cả cha mẹ những người đỗ đạt, vừa là để động viên họ gắng sức cho quốc gia lại có dụng ý nhắc nhở đến phần âm đức của cha mẹ đã nuôi dạy con cái trưởng thành, đó cũng là cách cho người con báo hiếu để vinh hiển phụ mẫu. Do trong dân gian quan niệm về địa trạch, phong thủy có quan hệ đến may rủi, hung cát của đời người, cho rằng mồ mả cha ông chôn ở nơi huyệt địa tốt, hình thế đẹp kết phát giúp con cháu vinh hiển phú quý nên dẫn tới tình trạng xâm lấn mồ mả của những gia đình giàu có, quyền lực vì tin rằng táng hài cốt người thân nhà mình ở gần vị trí đó cũng sẽ có ngày kết phát. Còn những gia đình quyền quý thì sợ nhất là người ngoài vô tình hay cố ý phạm vào long mạch mà phá hư ảnh hưởng tốt, khiến có thể mình và con cháu gặp những tai ương khủng khiếp. Bởi đó, sau khi bàn định với triều thần, Lê Thánh Tông cho vẽ hẳn hình một khuôn viên ngôi mộ gọi là “mộ địa bộ đồ” để kèm vào chỉ dụ cấm phạm tới địa ranh của mộ. Người nào có hành vi chặt hạ cây cối, xẻ rãnh đào mương hoặc lén chôn người chết trong vòng khuôn viên sẽ bị phạt tiền cỗ và nộp tiền tạ lỗi 20 quan. Từ nhà vua ban hành luật lệ đến dân chúng được luật lệ bảo vệ quyền lợi, tất cả đã có niềm tin vào ảnh hưởng huyền bí của âm phần, cho dù ảnh hưởng ấy có thực hay không, nhưng việc tin tưởng ấy chính là nòng cốt tinh thần cái tâm đức, cho đạo hiếu là đạo hệ trọng nhất của con người.

Theo sách Hồng Đức thiện chính thư thì tùy theo chức phẩm cao thấp mà khuôn viên mộ rộng hay hẹp: “Quan nhất phẩm thì bốn phía quanh mộ rộng 90 bước chân; Nhị phẩm 80 bước; Tam phẩm 70 bước; Tứ phẩm 60 bước; Ngũ phẩm 50 bước; Lục phẩm 40 bước; Thất phẩm 30 bước; Bát phẩm, Cửu phẩm và dân thường là 18 bước”. Sau đó, trong Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức có quy định thêm về nội dung hạn định phần mộ như sau: “Con nối dõi là quan Nhất, Nhị phẩm thì đất mộ được 2 mẫu; quan Ngũ, Lục phẩm được một mẫu; quan Thất, Bát phẩm thì được 40 thước 5 thốn; quan Cửu phẩm cho đến quan không có phẩm trật được 12 thước 5 thốn”.

Bên cạnh đó luật cũng rất nghiêm khắc đối với những vụ việc liên quan đến phần mộ, đặc biệt là xâm phạm lăng mộ của vua chúa, chẳng hạn “kẻ ăn trộm cây cối trong lăng nhà vua sẽ bị tội đánh 100 trượng, đồ 3 năm” (Hồng Đức thiện chính thư). Trong Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) có một số điều luật quy định cách xử lý với các hành vi phạm tội xâm phạm lăng mộ vua chúa với các mức khác nhau: “Những kẻ không có phép mà lẻn vào quanh Thái miếu, vào cửa Sơn lăng, mộ vua thì bị tội đồ làm khao đinh. Leo tường vào thì bị tội đồ làm tượng phường binh” (điều 50); “Ai chặt tre, gỗ, đào đất ở các vườn lăng miếu thì bị lưu đầy châu ngoài” (điều 85); “Ai gây hỏa hoạn trong sơn lăng, mồ mả vua thì bị lưu đầy châu gần. Làm cháy lan đến cây cối thì bị xử thêm một bậc, bồi thường tổn hại ấy” (điều 86); trường hợp “ăn trộm đồ thờ trong lăng miếu, tượng thánh, áo mũ thờ thì xử chém, tịch thu điền sản sung công” (điều 431).

Đối với việc xâm phạm mồ mả của quan chức, dân thường thì tùy theo trường hợp cụ thể mà có cách xử lý tương ứng, “nếu ăn trộm cây cối ở phần mộ nhà khác sẽ bị tội trượng 80. Ai cố ý phá hủy phần mộ của người khác sẽ bị phạt tiền tệ 30 quan, bị tội trượng 90 và bị khép tội lưu” (Hồng Đức thiện chính thư). Điều 358 bộ luật Hồng Đức quy định: “Nếu chặt đốn tre gỗ trong vườn mộ kẻ khác thì biếm một tư, phải nộp tiền tạ lỗi 10 quan. Lấn chiếm ranh giới mộ phần kẻ khác cũng xử như thế; phải đền những nơi lấn chiếm. Nếu xâm lấn mộ nhà quyền quý thì thêm tội”. Tại điều 359 quy định: “Cày cấy trộm vào đất mộ kẻ khác thì biếm một tư. Lấn phạm vào mộ thì biếm ba tư. Kẻ sai phạm không phải quan thì đồ làm khao đinh, nộp 30 quan tiền tạ lỗi. Chôn xác trộm vào đất kẻ khác thì bị phạt đánh 80 trượng; chôn vào đất mộ của người ta thì biếm một tư, buộc phải dời mả đi nơi khác. Nếu không biết kẻ chôn trộm là ai thì quan xã dời mả đi nơi khác; không trình quan xã mà dời mả chôn trộm thì bị phạt đánh 60 trượng”.

Sách Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức, là cuốn sách quy định về thể thức làm đơn từ, biên bản được công bố dưới thời Hồng Đức, trong đó có thể thức lập biên bản về việc xâm lấn phần mộ như sau:

“Vào giờ…, ngày…, tháng…, năm, triều đại

Xã trưởng xã…, huyện…, phủ… là mỗ thấy có người bản xã là Nguyễn mỗ trình bày người bản xã …là Trần mỗ đã cày lấn phần mộ làm cho mộ của ông nội bị nhỏ lại. Vì vậy xã trưởng Lê mỗ đã cùng mọi người đến đó, đồng thời bắt Trần mỗ đến theo, thấy thửa ruộng (bao nhiêu sào) có phần mộ ở giữa, bốn bên bị cày lấn, mộ bị thu nhỏ. Bốn phía đông, tây, nam, bắc chỉ còn (bao nhiêu tấc). Đúng là Trần mỗ đã cày lấn phần mộ, chứ không có chuyện gì khác.

Ngày…, giờ… lập biên bản

Xã trưởng Lê mỗ ký tên”.

Ngoài các mẫu làm đơn ra, Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức còn có một số quy định khác gọi là tạp loại, trong đó có những điều liên quan đến tội xâm phạm mồ mả được quy định như sau: “Để mộ trộm vào ruộng người khác, bị đánh 80 gậy, phải dời mộ, nếu không biết ai chôn trộm vào ruộng thì phải báo với xã quan để di dời. Nếu không báo bị đánh 80 gậy, chôn trộm vào ruộng người khác bị biếm 3 tư, không phải là người làm quan thì bị xử đồ làm khao đinh, truy thu 30 quan tiền”; “Cày lấn vào mộ phần, bị đánh 80 gậy, xử tội đồ, phải nộp tiền tạ 30 quan. Nếu cày, phá cũng xử như vậy”; “Chặt cây cối xung quanh mộ, bị phạt 10 quan tiền tạ lễ”; “Phần ruộng của mình đã bán rồi, trong ruộng có phần mộ đã được giới hạn phần đất 4 hướng xung quanh mộ là 18 bước. Nếu người mua lại cố ý hoặc lấn đất, hoặc phá thì phạt 33 quan tiền tạ lễ. Còn nếu mua lại, không nói tới phần mộ thì thế nào gọi là phá hoại, như vậy cũng khó, thậm chí còn nói khống sẽ bị trị, cũng bị định tội như tội lấn mộ”.

Dẫn giải tù nhân (tranh màu).
 Dẫn giải tù nhân (tranh màu).

Nếu hành vi xâm phạm là chủ ý vì mục đích hám lợi thì bị khép tội rất nặng, tại điều 442 bộ luật Hồng Đức quy định: “Ai đào trộm mồ mả người khác, lấy đồ vật, gạch ván thì xử lưu đi châu xa. Nếu đã cạy nắp quan tài thì xử chém, làm hư hay lấy trộm thi thể thì xử nặng tội thêm một bậc. Phải nộp tiền tạ tội như tội đánh người có quan tước”. Trường hợp phạm tội do vô ý thì mức xử phạt nhẹ hơn: “Đào đất gặp tử thi mà không chôn lại thì xử biếm hai tư, nếu đốt xông hang chuột, chồn ở mồ mả kẻ khác để cháy lan đến quan tài thì xử đồ, cháy tới tử thi thì đồ làm tượng phường binh. Nếu là mồ mả của bậc tôn trưởng từ hàng ti ma (người có họ với người chết, phải để tang 3 năm) trở lên thì mỗi bậc tăng một bậc tội. Con cháu đốt xông hang chuột, chồn ở mồ mả ông bà, cha mẹ; đầy tớ xông khói bắt chuột ở mồ mả của chủ thì đều xử đồ làm tượng phường binh. Làm cháy quan tài thì lưu đi châu gần, cháy tới tử thi thì lưu đi châu xa. Tất cả đều phải nộp tiền tạ lỗi và phạt tiền theo tội nặng nhẹ, nếu mộ nhà quyền quý thì xử riêng” (Điều 443).

Theo các quy định nói trên, chúng ta thấy pháp luật phong kiến đã có sự phân định rõ tính chất, mức độ, hành vi cũng như việc phạm tội do cố ý hay vô ý để tương ứng với nó là các hình thức xử phạt phù hợp, điều đó thể hiện sự tiến bộ nhất định. Có thể nói dù còn có những hạn chế, nhưng xét theo phương diện chung thì trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự được quy định trong các văn bản pháp luật ban hành dưới chế độ phong kiến, các quyền dân sự của cá nhân, chủ thể được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó được chính quyền bảo vệ khi các hành vi vi pháp pháp luật bị phát hiện hoặc họ có thể chủ động tự bảo vệ quyền của mình theo quy định bằng cách yêu cầu chính quyền có các biện pháp ngăn chặn, buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc kẻ phạm tội phải tạ lỗi, bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất cho mình và gia đình.

Đọc nhiều nhất

Tin mới